Chiều 17/5, Toà án Nhân dân thành phố Hòa Bình tiếp tục phiên xét xử vụ chạy thận làm 8 người tử vong xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Hòa Bình. Đây là ngày thứ 3 phiên tòa diễn ra.
Vượt cả nghìn km có mặt tại tòa, ông Bùi Nghĩa Thịnh, bác sĩ hiện đang công tác tại Bệnh viện đa khoa quận Thủ Đức (TP.HCM) được tham gia với tư cách chuyên gia. Tuy nhiên, chủ tọa cho biết sự có mặt của ông Bùi Nghĩa Thịnh là không cần thiết, vì thế không chấp nhận sự có mặt của ông Thịnh tại phiên tòa theo như đề nghị của luật sư.
Chia sẻ về sự việc này, bác sĩ Thịnh cho biết, ông rất bất ngờ với phán quyết này của HĐXX. Ông Thịnh chia sẻ, ông tham dự phiên tòa này từ ngày xét xử đầu tiên, mong muốn cung cấp các dữ liệu khoa học trong quá trình xảy ra sự cố chạy thận để làm rõ trách nhiệm của các cá nhân trong vụ việc.
Tuy nhiên tòa án sau một đêm đã thay đổi từ đồng ý thành không đồng ý cho ông tham gia vào phiên xét xử, ông cho biết sẽ tôn trọng phán quyết này.
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Chiến (bào chữa cho bác sĩ Lương) cho rằng, vụ án mang tính chuyên môn cao liên quan đến quy trình lắp đặt và vận hành hệ thống RO trong đơn nguyên thận nhân tạo.
Nguyên nhân chết người là do việc tồn dư hóa chất. Để xác định rõ nguyên nhân và trách nhiệm của những người liên quan đến việc ký kết hợp đồng thay thế vật tư, súc rửa đường ống RO bằng hóa chất, cần thiết phải có ý kiến của các chuyên gia.
Việc luật sư đề nghị các nhà chuyên môn tham gia tố tụng tại phiên tòa là cần thiết, bởi vụ án có liên quan đến các vấn đề kỹ thuật, liên quan đến cơ quan chuyên môn là Bộ Y tế cũng như thông lệ của các nước về hệ thống RO.
“Chúng tôi mời ông Bùi Nghĩa Thịnh tham gia tố tụng vụ án theo quyền của luật sư, và chúng tôi thấy tòa án đã chấp nhận. Nhưng hôm nay, tòa lại không chấp nhận cho người biết về chuyên môn liên quan đến vụ án tham gia có ý kiến trong phiên tòa khiến chúng tôi hết sức ngạc nhiên”, ông Chiến cho biết.
Điều được quan tâm nhất trong phiên xét xử chiều 17/5 là tỷ lệ ăn chia chạy thận của Bệnh viện Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn. Khi luật sư hỏi ông Đỗ Đình Vận - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình (đại diện cho Ban lãnh đạo bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) về việc, có biết Bệnh viện liên kết để thuê máy chạy thận hay không?
Ông Vận cho biết, bệnh viện thực hiện việc xã hội hóa trong chạy thận từ năm 2010, thực chất của việc xã hội hóa này là liên kết kinh doanh trong việc chạy thận.
Tại thời điểm đó, theo lời ông Vận, ông Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) không thông báo cho ông Vận được biết các thông tin chi tiết trong hợp đồng giữa bệnh viện và Công ty Thiên Sơn.
“Tôi chỉ biết là Công ty Thiên Sơn có trách nhiệm thanh toán chi phí, lợi nhuận cho bệnh viện vào ngày 25 hàng tháng. Còn lại tôi không được biết các chi tiết trong hợp đồng” - ông Đỗ Đình Vận nói.
Tiếp đó, luật sư Hoàng Ngọc Biên (bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương) công bố nội dung ghi trong hồ sơ, trong đó có tỷ lệ ăn chia giữa bệnh viện và Công ty Thiên Sơn: “Thiên Sơn hưởng 90% tổng doanh thu trong tháng, bệnh viện hưởng 10% tổng doanh thu của tháng, số tiền này bệnh viện chi cho chi phí điện nước, ấn phẩm, phụ phí thủ thuật”.
Ông Đỗ Đình Vận khẳng định mình chỉ nắm được chủ trương xã hội hóa, còn tỷ lệ phần trăm như thế nào ông không nắm được. Luật sư tiếp tục công bố thông tin có trong hồ sơ: “Số tiền bên Công ty Thiên Sơn sẽ nhận là 7,7 USD/ca chạy thận”.
Về việc này, ông Vận khẳng định không được ông Trương Quý Dương phổ biến và cũng chưa được nghe bao giờ.