Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Người mẹ đặc biệt của hơn 250 đứa trẻ điếc câm tại TP HCM

60 năm cuộc đời nhưng phải đến hơn 2/3 trong số ấy cô Cao Phương Thảo đã dành ra để chăm sóc, nuôi dạy cho đứa con trai bị điếc câm Phạm Khiêm và 250 đứa trẻ cùng cảnh ngộ.

Gặp cô Thảo trong một buổi chiều mưa nặng hạt. Cái se lạnh của cơn mưa đầu mùa nhanh chóng bị khỏa lấp đi bởi hình ảnh của người phụ nữ đã đi qua biết bao thăng trầm của cuộc đời. Tại căn phòng ọp ẹp 9m2 nằm trên đường Lê Thánh Tôn, phía trên phòng trà của ca sĩ Lệ Quyên là tổ ấm của cô Thảo và con trai Phạm Khiêm.

Căn nhà không có quá nhiều vật dụng, chỉ đa phần là các bức tranh do Khiêm tự vẽ và một tấm đệm nhỏ đủ để cô ngã lưng. Vừa bước vào phòng, cô khoe ngay với chúng tôi rằng đây là miếng đệm mà Khiêm để dành tiền mua cho cô nằm cho đỡ đau lưng, vì ngày nào cô cũng đi đến 9 -10 đêm mới về đến nhà và sáng mai lại tiếp tục đi tiếp.

Với cô Thảo, cậu con trai khiếm khuyết của mình là một gia tài lớn.

Chúng tôi nhâm nhi cốc trà, hơi ấm của trà tỏa ra men vào câu chuyện của cô như khắc khoải nhiều tâm sự.

Cô tên là Cao Phương Thảo, năm nay đã 60 tuổi nhưng nhìn nét mặt ai cũng nghĩ cô bị tạo hóa “đánh cắp” đi 10 năm xuân xanh vì các vết nhăn và đôi mắt sâu thăm thẳm của cái tuổi sớm già. Cô kể rằng hiện tại đang nuôi dạy cho khoảng 250 em điếc câm tại mái trường THCS Trần Văn Ơn. Hầu hết các em có hoàn cảnh khó khăn vì nhà nghèo, không có công việc ổn định…

Những tưởng cô Thảo dạy các em điếc, câm để kiếm thu nhập tuổi về già nhưng sự thật là cô đã xin một góc nhỏ ở trường Trần Văn Ơn để dạy miễn phí. Năm tháng trôi qua, dù sức khỏe ngày một suy giảm nhưng cô chưa bao giờ thu học phí của em nào. Bởi “tôi đã bỏ mọi thứ để theo sát con tôi - Khiêm để con có động lực sống. Hơn ai hết tôi hiểu hoàn cảnh của các em, vì thế tôi muốn làm gì đó để sẻ chia”- cô cho hay.

Không chỉ giúp cậu con trai hòa nhập với xã hội, cô Thảo còn mong muốn thực hiện điều này với các em có cùng hoàn cảnh.

Khi được hỏi đâu là thu nhập chính của cô và con trai thì cô cười khanh khách bảo rằng: “Có thu nhập gì đâu, hai mẹ con toàn xin cơm chùa để ăn. Các sư thấy hai mẹ con khó khăn nên quý lắm. Ngoài ra tôi còn viết dự án tháng cũng được hơn 1 triệu, đủ mua hủ mắm, chén gạo..”

Suốt 2/3 đời người, cô là “đôi tai và cái miệng” của con trai mình. Chính vì thế hơn ai hết cô thấu hiểu nỗi niềm của những người điếc, câm. Cũng từ đó mà mối duyên gắn bó với hơn 250 em có cùng hoàn cảnh trở nên ngày càng bền chặt.

Tạo hóa dường như không cướp của cô tất cả, Khiêm con trai của cô Thảo học rất giỏi và có ý chí vươn lên. Cô khoe với chúng tôi rằng: “Khiêm thi đậu đại học chính quy và ra trường khoảng 3 năm nay. Không chỉ là một người thầy dạy cho các em điếc câm mà Khiêm còn là một họa sĩ với niềm đam mê vẽ tranh”.

Lớp học vẽ của các em điếc câm.

Hiện Khiêm con trai cô đã là một thầy giáo, một họa sĩ tài năng. Anh đi khắp nơi dạy ngôn ngữ cho những người điếc câm. Cuối tuần nào Khiêm cũng dạy miễn phí cho khoảng 400 người muốn học ngôn ngữ ký hiệu tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM.

“Dù có một đứa con bị điếc câm nhưng tôi cảm thấy rất tự hào vì Khiêm, đó là món quà của tạo hóa và là hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời tôi” - cô tâm sự.

Cô kể cho chúng tôi nghe về kỉ niệm khiến cô nhớ nhất trong 2/3 cuộc đời làm mẹ là lúc cô hiểu được sự thiệt thòi của người bị điếc, câm. Cô từng mất 4 tiếng đồng hồ để dạy mà Khiêm không hiểu. Giận quá mới bạt tai Khiêm một cái nhưng sau khi Khiêm bảo cô che hai tai lại để Khiêm nói 3 từ: “Khiêm đi học” thì cô vẫn không sao đoán ra. Lúc đó cô mới hiểu nỗi lòng của những người bị điếc, câm.

Khó khăn là vậy nhưng cô vẫn rất lạc quan trong cuộc sống. Chưa bao giờ cô than bất cứ điều gì về sự thiếu thốn của vật chất mà mong ước của cô là có đủ sức khỏe để vui vầy cùng với tụi trẻ. Cô nói lúc trước cô rất tự ti với hoàn cảnh nhưng sau ngần ấy năm, cô mới nhận ra rằng cuộc đời sống là phải biết nhìn xuống chứ không được nhìn lên.

Dù gặp nhiều trở ngại trong việc học nhưng anh Khiêm đã xuất sắc mang về cho mình tấm bằng cử nhân.

“Tôi từng đọc một áng văn có câu rằng: “Không ai sinh ra trúng một vì sao xấu cả, chính vì điều đó khiến tôi nhiều khi phải nhìn xuống mà sống. Còn rất nhiều hoàn cảnh éo le hơn nhiều. Khiêm và nhiều em trong câu lạc bộ thành đạt trong xã hội, tôi không mong gì hơn. Tôi muốn mang lại cho chúng một cuộc sống ý nghĩa” .

Khi hỏi về các thành viên trong câu lạc bộ điếc, câm, cô kể với giọng đầy kiêu hãnh: “Chúng nó rất ngoan và chịu học hỏi. Nhiều đứa rất có tài và nếu được rèn giũa sẽ thành đạt trong xã hội”.

Sắp tới đây, cô và Khiêm đang có nhiều dự định cho các em điếc, câm đam mê hội họa bằng một triễn lãm của riêng họ. Đó là thành quả mà hai mẹ con đã ấp ủ suốt thời gian qua để hi vọng góp phần khẳng định tài năng của các thành viên trong nhóm đến với mọi người

Với cô Thảo, các thành viên trong nhóm cũng như đứa con nhỏ của mình.

“Khiêm dạy cho các em vẽ tranh và học chữ, sắp tới ngày 22/9 này Khiêm sẽ cùng các em có một triển lãm tranh tại đường sách Nguyễn Văn Bình. Trước đó 2 tuần, Khiêm và tôi sẽ cho các em có một chuyến đi vẽ thực tế”.

Hơn nửa đời người, lắm lúc bệnh tật bủa vây, nhiều người khuyên cô nên dành thời gian nghỉ ngơi cho bản thân, cô chỉ cười rồi xua tay: “Ở cái tuổi của tôi, người ta đã được hưởng phúc con cháu, nhưng làm sao tôi bỏ được các em điếc, câm. Bỏ chúng chẳng khác chi tôi bỏ nắm ruột của mình. Tôi chỉ mong xã hội nhìn nhận và đồng cảm với các em, mong mình có nhiều sức khỏe để thấy các em thành công về sau này”.

Lớp học “hát” bằng cử chỉ của cô Thảo.

Cốc trà đã nguội, mặt trời cũng bắt đầu rọi từng tia nắng sau một trận mưa dài. Nó như niềm hi vọng và tấm lòng bao dung của cô. Vật chất, căn phòng có thể nhỏ bé nhưng sao mà người ta thấy nó đủ đầy và “giàu có” đến lạ thường.

Và cũng như câu nói cô khắc cốt ghi tâm: “Không ai sinh ra trúng một vì sao xấu”. Xấu hay không là ở ý chí thay đổi hoàn cảnh của mỗi người, cô nói cô rất giàu, bởi cô có đến hơn 250 đứa con yêu thương. Đó là hạnh phúc mà cô “dành dụm” được cho cả thanh xuân của mình.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phương Lê

Được quan tâm

Tin mới nhất
HLV Kim Sang Sik chưa an tâm