Ca sĩ Cindy Thái Tài là người đều tiên ở Việt Nam thực hiện phẫu thuật chuyển giới. Lùi về 18 năm trước, định kiến xã hội lúc đó đối với người chuyển giới vẫn còn rất nặng nề. Vậy mà chính chị Cindy đã dám công khai tuyên bố “Tôi là người chuyển giới”.
Phát ngôn này của Cindy đã làm nhiều người sốc và hết sức ngạc nhiên. Trạng thái ấy không chỉ kéo dài trong 1-2 ngày mà trải tới vài năm. Thời điểm ấy, những cụm từ như chuyển giới, đồng tình, song tính… vẫn còn là những thuật ngữ mới mẻ thì đương nhiên, việc một người đàn ông dám công khai thực hiện phẫu thuật chuyển đổi hoàn toàn thành một người phụ nữ quả là tin chấn động.
Băng qua bao lời lẽ dè bỉu, chê trách hoặc xót xa, thương hại… Cindy Thái Tài vẫn mạnh mẽ sống đúng với con người thật của mình. Là người đầu tiên chuyển giới tính trên toàn đất nước, áp lực người phụ nữ ấy phải chịu thực sự quá lớn. Cindy có một cuộc đời đầy sóng gió, nhiều nỗi đau… và tất cả đều được chị chia sẻ công khai trên mặt báo.
Cách đây vài năm, người hâm mộ tưởng như nữ ca sĩ này đã tìm được bến đỗ hạnh phúc thì một lần nữa, con thuyền ấy lại trật bánh. Người chồng ngoại quốc của chị không may mắc bệnh ung thư và qua đời. Giờ đây, chỉ còn Cindy đơn độc sống cùng con trai và tất bật với guồng quay công việc nhưng một lần nữa, công chúng vẫn thấy chị rất mạnh mẽ khi nói về những nỗi đau đã qua. Có lẽ trong nhiều người chuyển giới tôi từng tiếp xúc, Cindy là một thanh âm khác biệt, một cá tính với những điểm nhìn hoàn toàn lý trí, thông suốt không thể trộn lẫn.
Mới đây, chị Cindy tham gia làm giáo khảo cuộc thi The Tiffany Việt Nam tại buổi casting ở Hà Nội và đã có nhiều chia sẻ thú vị với PV Saostar về quan điểm sống.
Giống như những người chuyển giới khác, chị cũng từng suy nghĩ rất nhiều về vấn đề sinh con. Có nhiều người nói, phụ nữ chuyển giới cả đời này, cho dù phấn đấu cỡ nào, có làm cách gì thì cũng không thể đạt được cái chuẩn thông thường nhất của người đàn bà, ấy là khả năng sinh con đẻ cái. Cũng có người khuyên chị nên dùng tinh trùng để tạo ra 1 đứa con rồi mới đi phẫu thuật vùng kín.
Chị suy nghĩ và thấy rằng phụ nữ cũng có rất nhiều người sinh ra bẩm sinh không có khả năng làm mẹ. Nếu dùng vấn đề sinh nở để phân định ranh giới, gọi bằng những cái tên như phụ nữ chuẩn hay không chuẩn, đàn bà thật hay chỉ là bông hoa vải thì kỳ cục quá.
Chị nghĩ những người như bọn chị chỉ là kém may mắn, khi sinh ra đã sở hữu một thân xác không đúng với tâm hôn và phải đi tìm lại cho mình một hình hài mới phù hợp hơn. Hành trình ấy có nhiều khó khăn, nỗi đau, sự đánh đổi, chấp nhận… nhưng không vì thế mà người ta sẽ nhìn thấy người chuyển giới lúc nào cũng cũng thiếu sót và không thể sở hữu một thân xác hoàn hảo. Chuyện không thể mang thai, sinh con, chị nghĩ đó là nỗi bất hạnh của bất cứ ai chứ không chỉ riêng người chuyển giới.
Về trường hợp nếu chị dùng tinh trùng tạo ra 1 đứa con thì sau này, đứa con ấy phải gọi chị là gì. Thời đại này, người phụ nữ có thể làm cùng lúc 2 vai trò của cha và mẹ nhưng nguồn gốc của đứa bé phải rõ ràng và đó là điều rất quan trọng.
Suy nghĩ về điều ấy đã khiến chị quyết định nhận con. Chị không thích phân định đó là con nuôi hay con ruột. Đối với chị, con là con. Chị dành hết tình yêu cho con trai và đã có những lúc, con chính là động lực to lớn nhất giúp chị tiếp tục sống. Thời điểm lúc chồng chị mất, chị thực sự rất đau khổ. Anh là người quá tuyệt vời. Chị từng nghĩ mình đã chạm tay tới hạnh phúc. Chiếc nhẫn đã đeo, hạnh phúc rất gần cuối cùng lại vuột mất… Nhưng thôi, có lẽ mọi chuyện là do số phận, chị vẫn thường tự nói như vậy để cố gắng sống tiếp, nuôi nấng, chăm sóc cho con trai.
Mấy năm gần đây, người chuyển giới dần nhận được nhiều ánh nhìn thiện cảm hơn từ xã hội nhưng không phải đã hoàn toàn triệt tiêu thái độ kỳ thị. Tiếc là trên hành trình giúp cộng đồng hiểu hơn về người chuyển giới, có nhiều người chỉ mải mê xin rủ lòng thương và phô bày góc đời đầy cay đắng. Chị nghĩ, cuộc đời ai cũng có nhiều nỗi buồn. Người chuyển giới có thể có nhiều nỗi buồn hơn nhưng chắc chắn, thân phận ấy không phải là yếu tố quyết định đẩy người ta vào những nỗi cơ cực và ngõ rẽ không thấy tương lai.
Cuộc đời của Cindy cũng rất nhiều cay đắng nhưng vì nó phải vượt qua khó khắn như thế nên chị càng biết trân trọng hơn. Khi chuyển giới thành công, chị kiên định với cách sống đơn giản và sống thật với chính mình. Chị không còn cố gắng sống cho vừa lòng người khác. Có nhiều người đàn ông đến với chị, họ không vui, họ khó chịu vì chị… chị dễ dàng buông tay để họ ra đi tìm hạnh phúc khác.
Chị không muốn xin nhận sự thương hại. Chị chỉ muốn mọi người hiểu rõ về chị. Để yêu thương một người, chúng ta phải thấu hiểu họ. Nếu ngay cả sự thấu hiểu, sự chấp nhận cũng không có thì làm gì còn chỗ cho tình yêu.
Cindy sống bất cần và độc lập như thế nên có nhiều người không thích chị. Không sao cả, chị không muốn bận tâm vì điều ấy. Chị cũng không còn muốn mọi người chỉ hiểu về mình qua những nỗi đau. Chị chỉ muốn nói, cuộc phẫu thuật chuyển giới đã làm thay đổi số phận của những người chuyển giới.
Những người như chị tự hào vì khác với em, may mắn là người phụ nữ từ khi sinh ra thì bọn chị phải vất vả mới có được trọn vẹn điều ấy. Chị tự hào vì mình thực sự là phụ nữ và có quyền mưu cầu hạnh phúc, có quyền lựa chọn cách sóng đúng với cá tính của mình.
Cindy là người rất tin vào duyên phận. Chị nghĩ mỗi người sinh ra trên đời đều do duyên. Nếu chúng ta đã có duyên gặp nhau thì sớm muộn cũng sẽ gặp nhau. Vậy nên trong lúc này, vì một lý do nào đó ta lỡ hẹn, hãy đợi lần sau. Biết đâu đó mới là khi niềm vui trọn vẹn. Tin vào duyên phận cũng giúp cuộc sống của chị trôi qua nhẹ nhàng hơn. Những người chưa đủ duyên, chưa đủ nợ thì khi nói lời chia tay cũng không có gì phải tiếc nuối.
Ngoài chữ duyên, chị nghĩ sự lựa chọn và mục tiêu sống cũng là yếu tố quan trọng quyết định cuộc đời mỗi người. Quãng thời gian năm 2006-2007 chị từng được cầu hôn. Nếu lựa chọn lấy chồng, chị phải chấp nhận từ bỏ đam mê ca hát, theo chồng ra nước ngoài định cư.
Chị suy nghĩ và quyết định từ chối. Ca hát là nguồn sống, là tất cả đam mê của chị từ khi còn nhỏ. Chị không muốn phải hy sinh nó, tự nhốt mình trong một cái địa ngục mang tên hy sinh vì gia đình và rồi lại buồn nhớ, khóc than cho số phận mình.
Năm 2007, Tiffany đã sang Việt Nam mời chị đi thi nhưng chị từ chối. Thi nhan sắc không phải mục tiêu của chị. Nhiều người hay trêu đùa, nói rằng nếu Cindy Thái Tài hồi đó đi thi The Tiffany bên Thái Lan biết đâu cuộc đời bây giờ sẽ khác. Chị chỉ cười vì mỗi người có một sự lựa chọn khác nhau.
Bây giờ chị suy nghĩ về cuộc sống hạnh phúc rất đơn giản, đó là sóng đúng với con người mình, tuân thủ luật pháp và nhân ái với mọi người. Không biết có phải khi càng nhiều tuổi người ta càng thích sự đơn giản hay không nhưng chị nghĩ cuộc sống vốn đã phức tạp và mình không tự khiến nó trở nên rắc rối hơn. Cứ sống đơn giản, tôn trọng chính mình và xác định rõ mục tiêu, cuộc sống sẽ dần dần tốt hơn.
Ngày đi làm giám khảo The Tiffany trong buổi casting ở Hà Nội, chị rất vui vì thấy bây giờ, các bạn chuyển giới rất tự tin, tự hào. Chị nghĩ đây là sân chơi bổ ích giúp họ khẳng định mình. Trước kia chị cũng mong đưa sân khấu Tiffany về Việt Nam nhưng chưa làm được. Chị rất vui khi thấy giờ đây nhiều định kiến đã thay đổi và lại có thể tổ chức cả sân chơi The Tiffany này nữa.
Chị tin rằng, trong tương lai không xa, người chuyển giới sẽ dần được cảm thông, thấu hiểu nhiều hơn nữa. Các bạn trẻ sẽ dám sống thật với con người và ước mơ của mình. Đó cũng là điều Cindy luôn mong mỏi, hy vọng những thế hệ sau, để đi tới thành công tìm được hình hài phù hợp không cần phải trải qua nhiều nỗi đau và sự đau tranh như thế hệ bọn chị.