'Người cha' có hàng trăm đứa con: Hồi sinh sự sống từ bãi rác, vệ đường và túi nylon...

'Người cha' có hàng trăm đứa con: Hồi sinh sự sống từ bãi rác, vệ đường và túi nylon...

Logo Saostar - Special special

'Người cha' có hàng trăm đứa con: Hồi sinh sự sống từ bãi rác, vệ đường và túi nylon...

Copy Link
Chia sẻ
'Người cha' có hàng trăm đứa con: Hồi sinh sự sống từ bãi rác, vệ đường và túi nylon... Ảnh 1

Một buổi chiều của 15 năm trước, trên đường đi làm về, ông Nguyễn Văn Lâm (ngụ Đồng Nai) gặp đám đông vây quanh một em bé còn đỏ hỏn, nhau và rốn vẫn còn vương vãi, kiến bu đen thân thể. Không một ai bế bé lên, ông từ từ tiến lại rồi đưa cháu về. 

"Nếu cháu có mất thì mình mang chôn", ông Lâm nhủ thầm. Khi sinh linh bé bỏng nằm trọn trong vòng tay của ông, một hơi thở nhẹ thoáng qua, hy vọng cháu còn sống chợt loé lên. Ông mang bé chạy một mạch đến bệnh viện, sự sống được hồi sinh từ đó.

Là người đàn ông độc thân, ông bắt đầu lên mạng để học cách "làm mẹ", nào là thay tã, pha sữa, quấn khăn... Trong màn đêm tĩnh mịch, ông Lâm thi thoảng lại sờ lên cơ thể ấm nóng của con xem cháu còn... sống không. 

"Lúc tôi nói với mẹ về việc mình đã nhặt một đứa trẻ, bà ngạc nhiên và nghi ngờ đó có phải con tôi không. Nhưng khi gặp cháu, bà mới tin là tôi nói thật. Sâu thẳm trong ánh mắt con bé là sự thiếu vắng tình thương, bà đã ôm lấy nó, đón nhận nó như cháu ruột của mình. 

'Người cha' có hàng trăm đứa con: Hồi sinh sự sống từ bãi rác, vệ đường và túi nylon... Ảnh 2

Tròn 1 tháng sau, khi tôi đi qua bãi cỏ ven đường thì gặp một đứa bé chừng 3 tháng tuổi đang bò. Cái nắng 1h trưa làm thằng nhỏ khóc ré lên. Tôi lật đật chạy lại bồng nó lên, từ đó, thằng bé đã trở thành đứa con thứ 2 của tôi. 

Má tôi nói rằng, thôi con chưa có gia đình, 2 đứa trẻ thế này là đã đủ đầy rồi, chăm sóc thêm nữa rất vất vả lại không đủ kinh tế. Ấy vậy mà 1 năm sau, tôi lại "cãi" lời mẹ. 

23 Tết, có người đàn ông gọi điện thoại cho tôi cầu xin hãy giúp đứa bé con của sản phụ kế giường vợ anh ta. "Mẹ nó nói ngày mai sẽ rời đi, bỏ lại con", anh ta nghẹn ngào nói. 

Ban đầu, tôi từ chối vì đã có 2 đứa con rồi. 1 cuộc, 2 cuộc, rồi 5, 6 cuộc gọi liên tục đổ về điện thoại tôi. Tôi nhớ lần bắt máy cuối cùng là 3h sáng. 1 tiếng sau, tôi lồm cồm nhờ đứa em trong nhà chở lên bệnh viện. Tôi đón cháu về khi mẹ ruột bỏ cháu đi được khoảng 15 phút. 

Không dám đưa về nhà, tôi mang bé ra phòng trọ, thuê người nuôi dưỡng. Phần mình, tôi bắt đầu làm quần quật ngày đêm để có tiền lo cho con. Chốc chốc, điện thoại lại nhảy lên tin báo: Cậu Lâm ơi, con bé nó ọc sữa, nó sốt rồi... Tôi lại tất tả chạy về. 

'Người cha' có hàng trăm đứa con: Hồi sinh sự sống từ bãi rác, vệ đường và túi nylon... Ảnh 3

Tháng Giêng năm sau, tôi lại nhặt thêm được 1 bé nữa, gồng gánh 2 đứa con "bên ngoài" không nổi, tôi bắt đầu về thưa chuyện với mẹ. Ngay khi nghe tôi nói rằng tôi đang nuôi thêm con, bà quát: "Con khùng hả, sao lại để bên ngoài, mang nó về đây". Tôi biết rằng, sâu thẳm trong bà vẫn là tình thương vô bờ dành cho những đứa trẻ. 

Ban đầu, bà "xin" nuôi chúng 2 ngày/tuần, sau đó là 4 ngày, 5 ngày, rồi tôi mang những đứa trẻ về ở hẳn với các thành viên trong gia đình. Ai nấy cũng yêu thương, chăm sóc chúng như núm ruột của mình". 

'Người cha' có hàng trăm đứa con: Hồi sinh sự sống từ bãi rác, vệ đường và túi nylon... Ảnh 4

Rồi dần dần, những đứa trẻ được ông Lâm mang về ngày một đông hơn. Đứa được nhặt từ túi nilon, đứa bị cha ruột chối bỏ, đứa bị mẹ ruột đẻ ở bồn cầu rồi bỏ đi, có đứa nhặt được trên bụng đã có 1 vết mổ dài, con bị thiếu 1 quả thận, 1 túi mật và nửa lá gan, thậm chí, có đứa được thầy giằng lại từ miệng một chú chó. Con bé phải nằm lồng kính suốt 3 tháng, sự sống mỏng manh vô cùng.

Đối với ông Lâm, mỗi đứa trẻ được sinh ra luôn là một điều thiêng liêng. Dẫu những tháng năm đầu tiên trên cuộc đời này, chúng còn chưa mường tượng được gương mặt của bố, hơi ấm từ lồng ngực mẹ.

'Người cha' có hàng trăm đứa con: Hồi sinh sự sống từ bãi rác, vệ đường và túi nylon... Ảnh 5

"Tôi nhớ vào giai đoạn khó khăn nhất, tôi phải làm đủ nghề để nuôi con. Buổi sáng đến công ty, chiều chạy ra chợ đầu mối Long Thành (Đồng Nai) để phụ đẩy dù thuê cho các tiểu thương, rửa chén, phục vụ quán cà phê... Tôi làm cả đêm lẫn ngày, chỉ ngủ khoảng 3-4 tiếng để lo cho những đứa trẻ đang đợi mình ở nhà. 

Một tối, má tôi gọi điện hỏi rằng con đang ở đâu? Lúc đó, tôi vừa đẩy dù, nước mắt vừa chảy thành hàng: "Má ơi, con khổ quá, con không biết liệu mình có lo được cho mấy đứa nhỏ không nữa". Nghe tôi nói vậy, bà lại bật khóc.

Bà họp gia đình lại, mỗi anh chị em trích ra 1 triệu đồng/tháng để phụ tôi nuôi con. Ba má đã lớn tuổi nhưng vẫn lặng thầm giúp đỡ tôi chăm sóc những đứa trẻ còn đỏ hỏn. Mấy đứa con cho tôi một nguồn sức mạnh diệu kì. Trở về nhà sau một ngày làm việc, tôi thấy chúng sà vào lòng, đôi bàn tay nhỏ xíu nắm níu lấy mình, ríu rít như bầy chim non, bao mệt nhọc, muộn phiền của tôi tan biến hết. 

Hạnh phúc của tôi còn đến từ những lần hồi sinh đầy diệu kì của chúng. Có đứa bị thủng cả mặt mày, mẹ của bé lặng lẽ đặt trước mái ấm rồi rời đi. Tôi mang cháu đến bệnh viện để chạy chữa, đến nay, con vẫn lớn lên từng ngày. Hay có đứa, bác sĩ phải công nhận việc sống sót của cháu là kì tích, bởi người mẹ đã uống rất nhiều thuốc phá thai trong thai kì".

Vào năm 2015, chính quyền địa phương đã cấp phép hoạt động cho mái ấm Phúc Long của ông Nguyễn Văn Lâm, đảm bảo trình tự thủ tục về nuôi, dạy trẻ mồ côi. Tính đến nay, mái ấm đã có 111 trẻ mồ côi được nhận nuôi. Hàng trăm đứa con nhưng ông Lâm luôn nhớ chính xác từng đứa trẻ, từng câu chuyện, từng hoàn cảnh đã đưa chúng đến với mái ấm.

Tại đây, các con được nuôi dạy tình thương, và khi bước ra cuộc đời ngoài kia, con sẽ luôn có đủ sự mạnh mẽ, kiên cường như bao bạn bè khác. 

'Người cha' có hàng trăm đứa con: Hồi sinh sự sống từ bãi rác, vệ đường và túi nylon... Ảnh 6

Đặc biệt, tên của mỗi đứa trẻ đều bắt đầu bằng ba chữ "Nguyễn Hoàng Phúc...". Theo ông Lâm, Nguyễn là họ của ông, "Phúc" và "Hoàng" nghĩa là các con không phải là những đứa trẻ bất hạnh, sẽ xứng đáng có được một cuộc đời "huy hoàng" và đầy ắp "hạnh phúc". 

Những "đứa con" của ông Lâm tuy không cùng huyết thống, nhưng được lớn lên trong một gia đình, xem nhau như anh chị em ruột thịt. Ở tuổi 50, ông Lâm luôn nguyện rằng, ngày nào còn sức khoẻ, ông sẽ dốc hết tâm, hết lòng, hết sức để chăm sóc những đứa trẻ. 

Đó là những "mầm sống" được thầy tìm thấy ở túi nilon, bãi rác, ở vệ đường... Rồi chúng lớn lên, bi bô những tiếng nói đầu đời, nắn nót viết con chữ đầu tiên, chúng sà vào lòng ông rồi gọi: "Cha ơi!".

Bài viết

Khải Anh

Thiết kế

Tuấn An

Copy Link
Chia sẻ
Cuộn xuống để đọc tiếp Đọc
tiếp