Điều này cho thấy sự lúng túng của cơ quan quản lý Nhà nước trước sức ép dư luận chỉ trực vỡ tung và sự hùa theo một cách thiếu kiểm soát, thiếu nhất quán của truyền thông. Nhãn tiền, ngư dân nghèo miền Trung là những người đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Đỉnh điểm của cơn khát thông tin là việc xuất hiện hàng trăm nhà báo tại Bộ Tài nguyên và Môi trường để chờ đón thông tin chính thống của vụ việc. Việc xả thân của báo chí rất đáng ghi nhận. Quyền được thông tin chính xác kịp thời là chính đáng nhưng hơn lúc nào hết, nhà báo cần phải bình tĩnh đặt lợi ích quốc gia, dân sinh lên trên hết. Cần phải có bản lĩnh và có tâm thực sự. Đây là vấn đề không chỉ khủng hoảng môi trường mà liên quan đến kinh tế, chính trị, thậm chí là an ninh quốc phòng.
Video Ngư dân miền Trung khóc ròng với nợ nần, thất nghiệp vì cá chết
Khách quan nhìn nhận vụ việc, ngoài những tờ báo chính thống, đưa tin khách quan, thì không ít những tờ báo và phải thú nhận là phần đông các báo chạy theo thông tin mạng xã hội, thiếu kiểm chứng nhằm mục đích tăng rating, tăng view.
Hậu quả nhãn tiền sau thông tin cá chết hàng loạt trôi dạt vào bờ biển nhiều tỉnh miền Trung, rất ngư dân tỉnh này rơi vào cảnh “thất nghiệp” vì chẳng dám đi biển, còn lái buôn thì thất thu bởi dân không dám mua cá về dùng vì sợ ngộ độc. Họ không dám đi ra biển đánh bắt cá, còn các lái buôn lở lấy nguồn hàng đã nhập giờ cũng chẳng biết bán cho ai vì người dân hoang mang thông tin cá nhiễm độc nên không dám mua về dùng. Chẳng những vậy, những vùng biển lân cận mặc dù cá vẫn bơi lội, nước vẫn xanh trong nhưng gần như người tiêu dùng quay lưng nói không với hải sản.
Có một câu nói khá nổi tiếng của tỷ phú Warren Buffett, nhà đầu tư người Mỹ: “Cần 20 năm để xây dựng danh tiếng nhưng chỉ cần 5 phút là có thể hủy hoại nó. Nếu bạn nghĩ về điều đó, bạn sẽ hành động khác”.
Câu chuyện cá chết nếu nhìn xa hơn thì khá đúng với câu nói này. Bao nhiêu công sức xây dựng hình ảnh, tiềm năng du lịch biển miền Trung rồi sẽ ra sao. Cứ nhìn những ngày nghỉ lễ 30/4- 1/5 đang đến gần, các tour du lịch đến vùng biển miền Trung bị hủy rất nhiều mặc dù khách đã đặt trước từ khá sớm. Xa hơn nữa, xuất khẩu thủy sản của chúng ta rồi sẽ ra sao, hoạt động du lịch biển trong mùa hè này sẽ như thế nào. Thiệt hại lâu dài về kinh tế từ những thông tin này hiển hiện rất gần.
Việc trấn an dư luận là cần thiết. Nhưng trấn an phải dựa trên lý lẽ thuyết phục cả về tình và lý. Điều đáng trách là cách xử lý khủng hoảng truyền thông của cơ quan quản lý, khiến người dân nghĩ rằng họ bị coi thường. Chính những phát “lỡ lời” trong vụ việc và sự “giúp sức” của báo chí đã thổi bùng cơn giận dữ của dư luận.
Điều này cũng là bài học cho các quan chức nước mình vốn không giỏi khi làm việc với báo chí và dư luận. Nên chăng cần có nhạc trưởng trong việc định hướng thông tin. Song việc cần làm nhất là khẩn trương minh bạch và công khai thông tin từ chính các nhà quản lý và phải được thực hiện càng sớm càng tốt trước cơn bão của dư luận.