Đêm 3/5, anh Hà Trọng Bình (41 tuổi, xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế) cùng bảy bạn thuyền đi câu cá thu cách cửa biển Thuận An khoảng 40 hải lý.
Trong lúc giăng câu, nhóm ngư dân bắt được con cá nặng 32 kg, thân dẹt tròn, da trơn màu xám với nhiều hoa văn. Nghĩ là quý hiếm, anh Bình cho thuyền chạy vào bờ để xác định chủng loại và giá trị cá.
“Đi biển từ năm 19 tuổi cho đến nay, đây là lần đầu tiên tôi thấy một con cá có hình dáng kỳ lạ như thế. So sánh hình ảnh cá trên mạng thì đây là cá mặt trăng” anh Bình nói.
Trong khi chờ xác minh chủng loại và giá trị của con cá, anh Bình và bạn thuyền chưa vội bán, mà ướp đá ở khoang thuyền.
Sau khi xem ảnh, video, TS Võ Văn Quang, Trưởng phòng Động vật có xương sống biển (Viện Hải Dương học) khẳng định đó cá mặt trăng (Mola sp.), thuộc giống Mola, họ Molidae.
Loài cá biển này cỡ lớn, màu sắc sặc sỡ, thân ngắn, sống ngoài đại dương, thường lặn xuống dưới vùng nước sâu, nơi nhiệt độ thấp. Vùng biển Việt Nam từng xuất hiện cá mặt trăng, nhưng rất ít.