Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

'Ngôi trường trong truyền thuyết' dành cho người lớn muốn làm trẻ con

Để định nghĩa về Toa Tàu, không lời văn nào có thể diễn tả chính xác hơn chính slogan của nó - "Nơi người lớn được là trẻ con và trẻ con được là chính mình".

Bạn đã bao giờ mơ ước về một ngôi trường mà ở đó bạn được lựa chọn học những thứ mình thích, tự tin thể hiện cá tính, thỏa thích sáng tạo, tự do phát biểu suy nghĩ của mình…? Nếu câu trả lời là có thì “ngôi trường trong truyền thuyết” dưới đây chính là nơi ước mơ của bạn trở thành hiện thực.

ToaTau

Mặc dù chỉ mới thành lập 1 năm nhưng Toa Tàu đã trở thành địa điểm thu hút các bạn trẻ Sài thành yêu thích nghệ thuật, sáng tạo.

Khác biệt với phần lớn các mô hình giáo dục khuôn mẫu thường thấy tại Việt Nam, Toa Tàu là một tổ hợp học tập mở dành cho cả trẻ em lẫn người lớn. Ngôi trường độc đáo này luôn đề cao và khuyến khích những người tham gia tự do thể hiện bản sắc riêng cũng như hiện thực hóa trí tưởng tượng không giới hạn của bản thân mình.

ToaTau (15)

Tại “ngôi trường trong truyền thuyết” này, mọi người có thể làm điều mình thích, “người lớn được là trẻ con và trẻ con được là chính mình”.

Mô hình giáo dục mở của Toa Tàu hướng đến việc đánh thức, khơi gợi và thúc đẩy sự sáng tạo trong mỗi con người thông qua các bộ môn nghệ thuật như hội họa, nhiếp ảnh, âm nhạc, khiêu vũ… Nói cách khác, tại đây, nghệ thuật vừa là phương tiện vừa là cầu nối để khai phóng tiềm năng sáng tạo sẵn có trong mỗi cá nhân, giúp họ nuôi dưỡng cảm thức về cái đẹp, chia sẻ và kết nối cái hay. 

ToaTau (23)

Nghệ thuật là linh hồn của tất cả mọi hoạt động ở Toa Tàu.

ToaTau (24)

Thông qua nghệ thuật, các học viên được tự do thể hiện bản thân và sáng tạo không giới hạn.

Bên cạnh các lớp học và workshop cố định, có thu phí như Vẽ kể chuyện, Vẽ sáng tạo, Vẽ thư giãn, Chuyện của bố cục, Liệu pháp nghệ thuật, Cảm nhận âm nhạc cùng ukulele… Toa Tàu còn thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động phi lợi nhuận như các buổi nói chuyện chuyên đề, workshop và chương trình học nghệ thuật dành cho những nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. 

ToaTau (8)

Mức học phí hiện tại dao động từ 180.000 đến 350.000 đồng/buổi (tùy lớp học).

Các lớp học, chương trình hoạt động đều được thiết kế và hướng dẫn bởi đội ngũ các giảng viên trẻ, giàu nhiệt huyết. Nhiều người trong số họ từng là học viên gắn bó với các lớp học khởi phát trước khi Toa Tàu ra đời. 

Bên cạnh đó, một số sự kiện còn có sự tham gia dẫn dắt, chia sẻ của các khách mời là những nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, nhà giáo dục… giàu kinh nghiệm, có sức ảnh hưởng với cộng đồng. 

ToaTau (3)

Bà Tôn Nữ Thị Ninh trong một lần đến thăm Toa Tàu đã phát biểu cảm nghĩ: “Khi đến với không gian Toa Tàu không có tuổi tác này, tôi đã nghĩ rằng, đi tìm hạnh phúc không nhất thiết là ôm một mớ tiền trong tay, mà có khi đơn giản là biết cách cùng với bọn trẻ mở một cửa sổ với nghệ thuật, để sống với nghệ thuật một cách hứng thú và mê say”.

Toa Tàu không phải là nơi mà bạn tìm đến học để có thể làm được một việc gì đó, kiếm tiền nuôi sống bản thân về sau như bao nơi khác. Đây có lẽ là nơi duy nhất mà bạn đi học… chẳng để làm gì. Nhưng sau những buổi học, bạn sẽ cảm thấy vui vẻ, yêu đời hơn, trưởng thành hơn và có thể cảm nhận được những chiều sâu khác của cuộc sống.

ToaTau (9)

Tại đây, học vẽ không phải là để trở thành họa sĩ, để kiếm tiền từ việc vẽ tranh mà để biết cách dùng nghệ thuật làm phương tiện thể hiện ý tưởng và cảm xúc của bản thân.

Mỗi hoạt động đều đưa người học về với câu hỏi nguyên bản nhất “Tại sao chúng ta làm điều chúng ta đang làm?” để rồi từ đó có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống của chính mình.

Ngoài ra, điều khiến người viết ấn tượng nhất về Toa Tàu là tất cả mọi người đến đây dù ở lứa tuổi và ngành nghề nào cũng đều rất cởi mở nói ra suy nghĩ của bản thân và tự tin tranh luận cùng người khác - điều khó tìm thấy tại các lớp học truyền thống của Việt Nam.

dohuuchi_butchi_toatau (4)

Những người tham gia mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ, quan điểm cá nhân trước mọi người.

dohuuchi_butchi_toatau (3)

Giữa giảng viên, người hướng dẫn và các học viên dường như không tồn tại một khoảng cách nào.

ToaTau (2)

Môi trường coi trọng tự do cá nhân và mối quan tâm chung về nghệ thuật là những sợi dây vô hình kéo mỗi người ra khỏi chiếc “vỏ ốc” cố hữu của họ và giúp họ kết nối với những tâm hồn đồng điệu xung quanh mình.

Nếu ví Toa Tàu là một trường học thì hiệu trưởng của ngôi trường ấy chính là họa sĩ Đỗ Hữu Chí - đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành. Anh cũng là tác giả của hàng trăm bìa sách, trong đó nổi bật có thể kể đến như Bắt trẻ đồng xanh, Chuyện con mèo dạy hải âu bay, Hội hè miên man…

Trước khi lèo lái “đoàn tàu sáng tạo”, chàng trai sinh năm 1984 này đã lấy bằng Thạc sĩ Nghệ thuật tiếp diễn tại Đại học Savannah (Mỹ) theo chương trình học bổng Fulbright. Về nước, anh đã thực hiện ước mơ thỏa đam mê của mình là mở lớp Vẽ kể chuyện, tiền thân của Toa Tàu.

dohuuchi_butchi_toatau (8)

Ba nhà sáng lập Toa Tàu (đứng, từ trái sang phải): tiến sĩ thiết kế tài liệu giảng dạy Thu Thủy, tác giả - dịch giả - nhà báo Phương Thủy (Phương Huyên) và họa sĩ Đỗ Hữu Chí (Bút Chì).

Sau một năm hoạt động, “hiệu trưởng” Bút Chì chia sẻ: “Điều khiến tôi tự hào nhất về Toa Tàu tính đến thời điểm này là nó vẫn sống được. Cách đây một năm, nếu mọi người lên mạng search “toa tàu” thì sẽ ra các tin như “Hai tàu đâm nhau” hay “Bà già ngồi trên nóc toa tàu”… Còn bây giờ nhiều người đã biết đến chúng tôi như một môi trường kết hợp ba yếu tố nghệ thuật, giáo dục và cộng đồng”. 

dohuuchi_butchi_toatau (1)

Ngoài công tác điều hành, “hiệu trưởng” cũng thường xuyên đứng lớp giảng dạy, hướng dẫn và chủ trì các buổi nói chuyện chuyên đề.

Anh Hữu Chí cho biết, trong năm 2016, Toa Tàu sẽ mở rộng phạm vi tiếp cận cộng đồng. Các dự án trong tương lai không chỉ được tổ chức ngay tại trụ sở ở quận Bình Thạnh (TP HCM) mà còn đến với bất kỳ nơi nào có nhu cầu từ khu dân cư đến trường học, bệnh viện…

Có thể bạn chưa biết:

Ý tưởng xây dựng tổ hợp học tập Toa Tàu được các nhà sáng lập lấy cảm hứng từ ngôi trường Tomoe Gakuen trong truyện Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ của nữ tác giả người Nhật Kuroyanagi Tetsuko. Tại ngôi trường có các lớp học là những toa tàu cũ này, học sinh luôn được thầy cô tôn trọng và tạo cơ hội tối đa để tự do phát huy cá tính và khả năng bẩm sinh. 

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc