Làng cổ Đông Hòa Hiệp (Cái Bè, Tiền Giang) xưa nay vốn nổi tiếng với hàng chục căn nhà cổ trên trăm năm tuổi với lối kiến trúc độc đáo. Trong đó, chúng ta không thể không kể đến ngôi nhà cổ của gia đình ông Trần Tuấn Kiệt - được mệnh danh là "Cửu đại mỹ gia" của Việt Nam.
Căn nhà cổ ông Kiệt tọa lạc ở ấp Phú Hòa với diện tích 1.000m2, được xây dựng vào khoảng năm 1838 với lối kiến trúc kiểu chữ Đinh với 3 gian, 2 chái. Chống đỡ nhà có 108 cây cột, toàn bộ đều được làm từ các loại vật liệu gỗ quý như gỗ lim, gỗ cẩm lai, giáng hương, căm xe... Trang trí trên các bộ kèo, cột, xiên và vách của ngôi nhà là các hoa văn được chạm khắc công phu.
Ngoài ra căn nhà còn rất hợp phong thủy với mái nhà lợp ngói âm dương. Kèo cột trong được sắp xếp theo kiểu chồng rường cực kỳ chắc chắn. Các liễn đối bên trong và tranh treo tường tại đây đều được cẩn xà cừ hết sức lộng lẫy.
Nối liền các trục chính của ngôi nhà cổ là hệ thống bao được chạm trổ tỉ mỉ từ những tấm gỗ vuông. Họa tiết của chúng không chỉ mô phỏng lại các hình thức sinh hoạt dân gian mà còn thể hiện tín ngưỡng văn hóa của người Nam Bộ. Riêng nền nhà được xếp gạch tấm vuông nung thô, phối hợp rất tốt với gam màu tường gỗ và mái ngói.
Về các thiết bị đồ dùng, tất cả đèn trong nhà cổ ông Kiệt là đèn dầu, được treo với những sợi dây đúc hoa văn cầu kỳ. Song ấn tượng nhất có lẽ là chân đèn bàn được làm theo hình tượng người phụ nữ với thân hình mềm mại.
Năm 2011, ông Kiệt qua đời vì bạo bệnh. Căn nhà cổ hiện do vợ chồng bà Lê Thị Chính (SN 1965) trông nom và gìn giữ. Bà Chính cho biết bản thân từng nghe cha chồng kể rằng cách đây 200 năm, ông cố nội là người gốc Huế do loạn lạc nên di cư vào Tiền Giang lập nghiệp, mua một căn nhà gỗ nhỏ làm chỗ trú nắng tránh mưa. Và đến đời ông nội chồng mới làm thêm căn nhà gỗ lớn.
"Hồi đó không có nhiều phương tiện hiện đại như bây giờ nên căn nhà mất 10 năm xây dựng mới hoàn thành. Toàn bộ vật liệu gỗ làm nhà đều mua từ bên Campuchia, sau đó vận chuyển theo đường sông bằng ghe hoặc kết bè gỗ thả trôi theo dòng nước.
Về đến bến nhà, ông nội chồng lại dùng sức người, xe kéo hoặc trâu bò kéo về. Chồng tôi bảo thợ làm nhà ăn bưởi, vứt hạt ra vườn, hạt nảy mầm, lên cây, đến 5 - 7 năm sau, cây ra mấy đợt hoa trái, căn nhà mới xong xuôi. Ở đây giờ có nhiều gia đình gốc gác là con cháu thợ làm nhà cổ ngày xưa bởi thợ thuyền hầu như đều là người miền ngoài được thuê vào", bà Chính cho hay.
Năm 2002, tổ chức JICA Nhật Bản (cơ quan duy nhất thực hiện viện trợ ODA của Chính phủ Nhật Bản thông qua 3 hình thức hợp tác: Hợp tác kỹ thuật, Hợp tác vốn vay và Viện trợ không hoàn lại - PV) sang khảo sát và xác định căn nhà cổ ông Kiệt là một trong những căn nhà đẹp nhất Việt Nam. Tuy nhiên thời điểm đó nhà cổ đang xuống cấp nghiêm trọng, vì thế họ đã quyết định đầu tư tiên trùng tu.
Năm 2004, nhà cổ ông Kiệt hoàn thành việc trùng tu và trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn khách trong nước và quốc tế ghé tới tham quam, "mục sở thị".