Ghé Hưng Lộc (Thống Nhất, Đồng Nai) hỏi "làng sinh đôi" hầu như ai cũng biết. Bởi nơi này quá đặc biệt, nổi tiếng khắp vùng khi có nhiều gia đình đẻ sinh đôi, sinh ba.
Đi dọc đường chính của ấp Hưng Hiệp sẽ thấy cứ cách vài nhà lại có gia đình có con sinh đôi. Họ là cặp anh em Đồng - Thanh đã ngoài 50 tuổi, chị em Mi - Pha chừng 40 tuổi, hai anh em Song Khanh 27 tuổi hay những cặp sinh đôi nhỏ xíu...
Ông Báu - trưởng ấp Hưng Hiệp cho biết, vợ chồng ông cũng có một cặp cháu ngoại song sinh vào năm 2018: Bảo An - Bảo Anh. Ông kể, con gái đi lấy chồng suốt 3 năm không có con. Cả hai đi khám, bác sĩ kết luận bị hiếm muộn, nguyên nhân do cả vợ cả chồng. Sau đó, ông bàn với vợ đón vợ chồng con gái về nhà ở. Một thời gian sau, con gái ông mang thai và sinh cặp sinh đôi 2 bé gái.
Về lý do vì sao trong làng có nhiều cặp song sinh, người dân phỏng đoán rằng có thể do nguồn nước. Còn ông Báu lại cho rằng do yếu tố phong thủy. Ông ước chừng toàn xã có trên dưới 70 cặp sinh đôi, riêng ấp Hưng Hiệp có khoảng 40-50 cặp, số còn lại rải rác ở các ấp khác.
“Cách đây khoảng 20 năm, cũng có người của Bệnh viện Từ Dũ về đây lấy mẫu nước xét nghiệm nhưng không thấy họ có phản hồi nên tôi cũng không rõ thế nào. Thực tế có những đôi vợ chồng bị hiếm muộn, họ đến đây xin nước về uống thì sau đó có kết quả, nhưng không phải sinh đôi”, ông Báu nói trên kênh YouTube Độc lạ Bình Dương.
Bà Hoa - một người dân trong ấp cho biết, chỉ có ấp Hưng Hiệp mới xảy ra hiện tượng đẻ sinh ba, sinh đôi nhiều, chứ qua bên kia đường - ấp Hưng Nhơn, Hưng Thạnh là không có ai mang thai đôi hay ba. “Tử thuở khai hoang vùng đất này đến giờ, người dân trong ấp này đểu dùng nước giếng đào ở nhà và tận mắt chứng kiến rất nhiều cặp sinh ba, sinh đôi chào đời!
Vì thế tiếng lành đồn xa, người hiếm muộn đã đến đây xin nước uống cầu con, chúng tôi đều cho miễn phí, không bán. Đặc biệt đã có rất nhiều cặp vợ chồng uống nước rồi thời gian sau gọi điện báo tin vui đã có bầu. Song cũng có nhiều đến đây vài lần rồi chẳng thấy quay lại nữa”, người phụ nữ cho hay.
Ông Trần Đình Danh - cựu trưởng ấp Hưng Hiệp cũng có 2 người con sinh đôi là An Khang và Duy Khang. Năm cặp đôi 5-6 tuổi, thông tin về làng sinh đôi bắt đầu rộ lên do một nhà báo có quen biết một hộ gia đình trong làng tìm hiểu và viết bài. Sau đó, nhiều nhà báo tìm về viết bài, đưa tin thì xã mới cho thống kê số lượng.
Ông Danh cũng chính là người thường xuyên cho nước cho những du khách tới xin. Trước đây, có một nữ giáo viên ở Hà Nội còn liên hệ nhờ ông Danh thuê xe, gửi giúp 100 can nước.
"Người đến xin nước nhận xét nước ở đây có mùi vị rất khác, uống vào rồi đi uống nước ở chỗ khác thì không thấy giống như vậy. Mọi người đến xin nước thì tôi cho và không khẳng định điều gì.
Người xin nước thường xin số điện thoại tôi. Khi có tin vui, họ gọi điện báo tôi biết. Có người uống cả năm không có kết quả gì, nhưng có người chỉ uống vài can là có thai", ông Danh bộc bạch.
Năm 2010, chính quyền địa phương lắp đặt một công trình cung cấp nước máy tại Hưng Hiệp. Nó sử dụng nguồn nước ngầm tại chỗ để lọc nước sạch. Từ đó nguồn nước ở đây được cung cấp cho các ấp lân cận – đây cũng là thời điểm các ấp khác có vài cặp song sinh chào đời.
GS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP HCM cho biết bà từng khám phụ khoa cho khoảng 300-400 phụ nữ đang mang thai và cả không mang thai ở ấp Hưng Hiệp song thấy cơ địa của họ không có gì lạ so với những người bình thường.
“Chúng tôi đã lấy nước ở khu vực có nhiều cặp song sinh về xét nghiệm nhưng chưa phát hiện được gì bất thường. Theo nhận định của tôi, nguyên nhân song sinh có thể là do di truyền. Nhưng để đưa ra kết luận cần phải điều tra lại gia phả tất cả gia đình có con sinh đôi…”, bác sĩ Phượng nói.