Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Nghìn yêu thương gửi tâm dịch Bắc Giang

Long Quyền - Khải Anh Theo dõi Saostar trên google news

Tiền tuyến lúc này là những con người đang trong “guồng quay” căng thẳng nhất, người lấy mẫu, người xét nghiệm, người điều trị, bất kể đêm ngày. Hậu phương lúc này là những tấm lòng tràn đầy yêu thương, người góp thức ăn, người góp vật phẩm, người góp ý thức… Tất cả đã tạo nên sức mạnh, niềm tin rằng chúng ta rồi sẽ vượt qua được dịch bệnh.

Sẽ đến lúc chúng ta ca khúc khải hoàn

Giữa mùa hè, miền Bắc nắng nóng đến hơn 40 độ C, “ngồi thở thôi cũng thấy mệt”, nhiều người vẫn thường nói vậy. Thế nhưng, vẫn có hàng nghìn con người tình nguyện rời quê hương, xa gia đình khăn gói với hành trang là niềm tin, ý chí và trách nhiệm, tiến vào “mặt trận” chống Covid-19.

Nghìn yêu thương gửi tâm dịch Bắc Giang Ảnh 1
Các chiến sĩ tuyến đầu chống dịch đang căng mình chiến đấu bằng tất cả sức lực.

Đội ngũ tuyến đầu chống dịch tại Bắc Giang phải dốc toàn bộ sức lực, cố gắng để đối phó với dịch bệnh. Tại đây, cuộc chiến với Covid-19 mỗi ngày trôi qua lại càng trở nên căng thẳng, khốc liệt.

Khi các chiến sĩ áo trắng tại Bắc Giang dần thấm mệt, nhiều đội ngũ y tế từ khắp các tỉnh đã tình nguyện lên đường tiến vào tâm dịch. Họ kề vai bên nhau chiến đấu bất chấp cái nắng như thiêu đốt thịt da, vết hằn sâu đau buốt hai mang tai do đeo khẩu trang liên tục, đôi bàn tay móp xọp vì mồ hôi.

Trong tình hình căng thẳng, điều khiến chúng tôi xúc động nhất là những lá đơn tình nguyện đi về vùng tâm dịch.

Tháng 5/2021, 51 cán bộ y bác sỹ, kỹ thuật viên, lái xe… thuộc Sở Y tế Thái Nguyên đã viết đơn tình nguyện lên đường.“Quân trang” bao gồm quần áo bảo hộ, găng tay, khẩu trang, họ đã chiến đấu khi nhiệt độ ngoài trời là 40 độ C.

Nghìn yêu thương gửi tâm dịch Bắc Giang Ảnh 2
Tháng 5/2021, 51 cán bộ y bác sỹ, kỹ thuật viên, lái xe… thuộc Sở Y tế Thái Nguyên đã viết đơn tình nguyện lên đường.

Một cuộc chiến lớn cần lòng can trường, bởi trong quá trìnhtruy vết, lấy mẫu xét nghiệm cho hàng chục ngàn công nhân trong khu công nghiệp tại hai huyện Yên Dũng và huyện Việt Yên, nguy cơ lây nhiễm là có thể xảy ra.

Cũng trong những ngày hè rực lửa này, bác sĩ Đặng Minh Hiệu (thuộc bệnh viện Đại học Y Dược, TP.HCM) đã tình nguyện cạo trọc đầu để chuẩn bị đi đến “tuyến lửa” Bắc Giang. Nụ cười của Hiệu trước khi vào vùng tâm dịch đã làm nhiều người rơi nước mắt. Chúng tôi khóc vì sự lạc quan của người bác sĩ trẻ, khóc vì trong cuộc chiến khốc liệt với Covid-19, chúng ta đã không buông tay nhau, không bỏ cuộc.

2 giờ sáng, group Phòng chống dịch Bắc Giang vẫn còn sôi nổi. “Tôi muốn đi làm tình nguyện ở tâm dịch, nên đăng kí ở đâu?”, “Sức khỏe như thế nào mới được nộp đơn tình nguyện vậy?”, “Tôi chỉ có thể lái xe, tôi nên hỗ trợ bộ phận nào”… Tất cả đã kết thành làn sóng, âm ỉ từ trong trái tim mỗi người, nảy nở từ tình yêu thương của người Việt với người Việt.

Nghìn yêu thương gửi tâm dịch Bắc Giang Ảnh 3
Nghìn yêu thương gửi tâm dịch Bắc Giang Ảnh 4
Những hình ảnh khiến nhiều người xót xa về đội ngũ tuyến đầu chống dịch.

Họ không cam lòng nhìn những đồng nghiệp, những chiến sĩ áo trắng ngày đêm phải chiến đấu một mình. Họ không cam lòng khi thấy những bức ảnh đau xót về các chiến sĩ tuyến đầu gục đầu xuống bàn vì quá mệt mỏi, ngất lịm vì đuối sức hay phải chườm đá vì không chịu nổi nhiệt độ khắc nghiệt… Người góp công, người góp sức, người góp ý thức… tất cả đều hướng về tiền tuyến, dìu dắt nhau qua cơn gian khó, để không có bất kì ai bị bỏ lại trong cuộc chiến.

Tôi vẫn nhớ lá thư của thầy Tùng, giáo viên dạy Văn, trường THCS Mai Trung, (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang), thầy Tùng người cha của 3 đứa con nhỏ, người chồng có vợ đang oằn mình nơi tuyến đầu chống dịch và như hàng triệu người khác đang hướng đến các chiến binh áo trắng với niềm tin, niềm tự hào và kính phục.

Nghìn yêu thương gửi tâm dịch Bắc Giang Ảnh 5
Thầy Tùng cũng như hàng triệu trái tim khác, luôn là hậu phương vững chắc hướng về đội ngũ tuyến đầu chống dịch.

“Mình cũng biết vợ lo lắng nhưng không muốn nói hoặc cố gắng giấu nó đi. Cũng chiều nay, mình phải tắt máy nhanh khi vợ gọi điện nói chuyện với con, vì mình sợ vợ sẽ khóc và mình biết cô ấy sẽ khóc vì nhớ con!

Nhưng biết làm sao khi đó là nhiệm vụ, là trách nhiệm của một công dân khi Tổ Quốc lên tiếng gọi? Giặc dịch len lỏi, gieo rắc nỗi lo sợ khắp nơi nên không còn cách nào khác là phải chống dịch. Chúng ta chỉ mong sao, các chiến sĩ áo trắng được mạnh khỏe và bình yên. Rồi sẽ đến lúc chúng ta ca khúc khải hoàn.

Hỡi những chiến sĩ áo trắng, xin được bày tỏ lòng kính phục, lòng biết ơn đến các anh, các chị đã và đang ngày đêm hi sinh, cống hiến thầm lặng cho đất nước. Nhìn thấy đội quân áo trắng, áo xanh, áo vàng ... dài như sông, như suối, như tiếng hát ấy đang trên đường chi viện cho Bắc Giang, Bắc Ninh mới thấy: Tổ Quốc tôi chưa bao giờ đẹp đến thế!

Nghìn yêu thương gửi tâm dịch Bắc Giang Ảnh 6
"Rồi sẽ đến lúc chúng ta ca khúc khải hoàn".

Bài viết này, tôi hy vọng một lúc nào đó, trong phút nghỉ ngơi hiếm hoi, các chiến sĩ áo trắng sẽ đọc được và những tình cảm chân thành xin gửi đến các anh, các chị hy vọng sẽ làm dịu đi căng thẳng, nguy hiểm mọi người luôn phải đối mặt.

Đừng khóc nhé! Nước mắt chỉ dành cho ngày chiến thắng. Bởi đất nước này chưa bao giờ có cuộc chia ly!”,trích trong số những dòng cảm xúc của thầy Tùng.

Tiền tuyến gọi hậu phương trả lời

Xa gia đình, xa người thân, ở lại các khu cách ly, tâm dịch, là hoàn cảnh chung của đội ngũ y tế ở tuyến đầu.

Nghìn yêu thương gửi tâm dịch Bắc Giang Ảnh 7
Dù mệt, nhưng không một ai chịu khuất phục trước dịch bệnh.

Bên cạnh những đoàn hậu phương đang ngày đêm vận chuyển những chuyến hàng đến hỗ trợ tâm dịch Bắc Giang, vẫn có những hậu phương thầm lặng đang dốc sức “vận chuyển” những thông điệp, những lời gửi gắm để động viên tinh thần, nhiệt huyết của các “chiến binh” nơi tuyến đầu chống dịch.

Dự án “1000 lá thư từ hậu phương đến tiền tuyến” được một nhóm 6-7 bạn trẻ đều là người con quê hương Bắc Giang thực hiện để truyền tải những thông điệp ấy. “Thành viên trong nhóm đa số đang sinh sống và làm việc ở Hà Nội. Dịch bệnh bùng phát, đội ngũ y tế phải làm việc vô cùng vất vả, xa nhà, xa người thân nên việc động viên tinh thần để mọi người làm việc thật tốt là điều cần thiết. Dự án này sẽ phần nào giúp mọi người yên tâm hơn để công tác”, bạn Vũ Thanh Thuý, một thành viên trong nhóm tâm sự.

Nghìn yêu thương gửi tâm dịch Bắc Giang Ảnh 8
Dự án “1000 lá thư từ hậu phương đến tiền tuyến” được một nhóm 6-7 bạn trẻ đều là người con quê hương Bắc Giang thực hiện.

Một trong số thành viên trong nhóm là bác sĩ đang trực tiếp thực hiện nhiệm vụ ở tâm dịch Bắc Giang. Hiểu được những áp lực, mệt mỏi và sức mạnh từ những lời động viên nơi hậu phương nên đã kêu gọi người quen tạo nên dự án ấy.

Dựa trên nền tảng đã từng làm một chương trình hướng nghiệp ở quê nhà, Thúy cùng mọi người đã góp sức để phát đi thông điệp nhận những lá thư của mọi người nơi hậu phương để gửi ra tiền tuyến. Cước phí của những lá thư ấy là nụ cười hạnh phúc của người cha, người mẹ đang xa gia đình, là cái mỉm cười trong bộ đồ kín mít dưới cái nắng 40 độ C của đội ngũ y tế chống dịch nơi tiền tuyến.

Nghìn yêu thương gửi tâm dịch Bắc Giang Ảnh 9
Nghìn yêu thương gửi tâm dịch Bắc Giang Ảnh 10
Những lời nhắn, thông điệp động viên được mọi người gửi gắm trong dịch bệnh.

“Tối hôm 2/6, nhóm vừa lên lá thư đầu tiên, đó là bé Kem, gia đình bé ấy gửi đến nhờ gửi cho mẹ vì hôm trước thấy mẹ trên ti vi đang làm trong tâm dịch thì bé khóc nhiều lắm.

Nhóm nhận nội dung thư xong sẽ chuyển qua thiết kế, trình bày lại bức thư cho thật đẹp rồi đẩy lên trang Facebook có tên “Nâng bước tương lai”. Nhóm dùng lại trang này vì trước đây đã từng làm chương trình hướng nghiệp trên đó và có nhiều người biết đến rồi.

Nghìn yêu thương gửi tâm dịch Bắc Giang Ảnh 11
Những lời nhắn giúp đội ngũ tuyến đầu chống dịch an tâm công tác hơn.

Mọi người trong nhóm không có nhiều thời gian, khó khăn vì lực lượng mỏng nhưng sẽ cố gắng đăng khoảng 2-3 lá thư 1 ngày và sẽ nhận đủ 1000 lá thư”, Thuý chia sẻ.

Mỗi người trong nhóm đều thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của đội ngũ tuyến đầu. Những lá thư, lời động viên từ chính người thân trong gia đình và cộng đồng sẽ phần nào tiếp thêm động lực, sức mạnh cho đội ngũ y tế.

Sau khi nhận đủ 1000 lá thư, 1000 câu truyện sẽ được tổng hợp lại thành một cuốn nhật ký với đủ mọi cung bậc cảm xúc giúp mọi người hiểu hơn về những sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ y tế chống dịch.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Long Quyền - Khải Anh

Được quan tâm

Tin mới nhất