Tối 19/11, buổi lễ tưởng niệm người dân tử vong, cán bộ, chiến sĩ hi sinh trong đại dịch Covid-19 đã diễn ra tại nhiều điểm cầu trên cả nước.
Nhiều lãnh đạo nhà nước, người dân đã tham dự thả đèn hoa đăng, thắp nến tắt đèn trong buổi lễ tưởng niệm. Đúng 20h ngày 19/11, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và UBND TP HCM đã tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hi sinh trong đại dịch Covid-19.
Buổi lễ diễn ra tại điểm cầu TP HCM và Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh thành khác được truyền hình trực tiếp.
Tại điểm cầu thành phố Hà Nội diễn ra Lễ tưởng niệm tại sân khấu đa năng, Công viên Thống Nhất, phố Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng), với khoảng 300 đại biểu gồm cả đại diện những gia đình có người mất do Covid-19.
Có mặt tham gia tại buổi tưởng niệm tại điểm cầu Hà Nội, bà H. nghẹn nghào cho biết, chồng bà là một trong số những nạn nhân không qua khỏi khi dịch bệnh ập đến.
“Nhà tôi ở Hà Nội nhưng sinh sống và làm việc ở Bình Dương, ngày 23/9, ông ấy mắc Covid-19, mặc dù đã đưa vào tận Bệnh viện Quốc tế Becamex tỉnh Bình Dương nhưng cũng không được… lúc nhận được tin thì tôi đang ở Bình Dương. Chỉ nhận được thông tin là bị bệnh và không qua khỏi bác sĩ cũng không nói nhiều với mình.
Đến trưa ngày 16/10, thì nhận được tin tử vong, chú mất lúc 75 tuổi, khi ấy sức khoẻ chú rất tốt. Ngày hôm đó là ngày tôi biết tin chồng mất. Buổi trưa nhận được tin mất thì đến chiều người ta mang đi hoả táng. Hôm ấy mất nhưng phải đến 22/10 mới thông được đường bay, khi ấy mới đưa được tro cốt ông ấy ra Hà Nội.
Thời điểm tham gia buổi lễ tưởng niệm hôm nay, tôi rất xúc động, rất thương, tôi không chỉ thương chồng mà tôi thương tất cả mọi người”, bà H. nghẹn lại.
Đến dự lễ tưởng niệm, mang theo niềm thương nhớ người vợ cùng đứa con chưa kịp chào đời mất vì Covid-19, anh Nguyễn Văn T. (37 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) ôm con nhỏ trong tay, anh mắt đượm buồn kể lại chuyện đau thương đã trải qua.
Theo đó, gia đình anh có 9 người mắc Covid-19, trong đó có vợ anh đang mang thai ở tháng thứ 6. Đọc qua báo đài, biết được tầm nguy hiểm và mức độ lây lan của căn bệnh này, nên khi người đầu tiên trong gia đình dương tính, anh đã vô cùng lo lắng. Ít ngày sau lần lượt bố mẹ, anh rồi vợ con đều dương tính.
Gia đình anh được đưa đi điều trị tại Bệnh viện Nhiệt Đới Trung Ương II. Sau thời gian dài được các bác sĩ tận tình chạy chữa, 8 trong số 9 người gia đình anh Trọng lần lượt âm tính, trở về nhà. Trong khi vợ anh chuyển biến nặng, ngày 12/9, anh nhận tin “sét đánh”, vợ anh không qua khỏi.
“Tôi như sụp đổ, không thể tin đấy là sự thật. Căn bệnh này không như các bệnh khác phải cách ly, dù muốn được gần người thân để chăm sóc lúc ốm đau, cũng không thể”, giữ chặt con gái trong tay, anh nói thương vợ vì không thể ở bên lúc cuối đời.
Hôm nay, khi ngồi tại buổi tưởng niệm, trải qua 3 tháng mất vợ, anh Trọng mong dịch bệnh sớm được đẩy lùi, để không còn ai phải chịu cảnh đau thương như gia đình anh.
Đến 21h, lễ tưởng niệm kết thúc. Những ngọn đèn hoa đăng vẫn được nhiều người thả xuống Hồ Bảy Mẫu bên trong Công viên Thống Nhất, tưởng nhớ đến những người đã ra đi vì dịch bệnh.