Thu nhập “khủng”.
Nghề chăm sóc người bệnh (hay còn gọi là osin bệnh viện) ở TP HCM từ lâu đã trở thành một nghề tự phát với lực lượng người làm rất đông. Những người đến với nghề này đa số là dân tỉnh Miền Tây như Bến Tre, Cà Mau, Sóc trăng… Công việc tuy vất vả nhưng đem đến cho họ mức thu nhập cao.
Để biết thêm về công việc này, phóng viên Saostar đã tìm đến bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp (đường Âu Dương Lân, quận 8), nơi có đến 200 người làm công việc chăm sóc người bệnh mỗi ngày.
Trò chuyện với chúng tôi chị Phạm Thị Lan (57 tuổi, quê Cà Mau) cho biết, gắn bó với nghề chăm sóc người bệnh cũng là cái duyên, hơn 10 năm nay đi khắp các bệnh viện ở TP HCM chăm sóc người bệnh nên cảm thấy quen dần và yêu nghề hơn. Nghề này không khó làm nhưng không phải ai cũng làm được, nó đòi hỏi người làm phải có tâm với bệnh nhân mới gắn bó lâu dài với nghề.
“Tôi thấy nghề này rất thú vị. Có những người bệnh đã già hay không còn khả năng tự chủ nữa thì đôi lúc họ có đánh đuổi, chửi mắng. Thậm chí có mấy người già bị đãng trí nói y tá là tôi đánh đập họ nhưng làm lâu năm nên nhiều người cũng biết mặt, mình làm việc tốt thì họ sẽ hiểu. Làm nghề này quang trọng là tình cảm, coi người bệnh như người nhà”, chị Lan chia sẻ.
Hiện tại chị Lan đang chăm sóc bệnh nhân bị tai nạn liệt nửa người ở phòng số 4. Ngoài công việc chăm sóc tắm giặt, cho ăn chị còn đảm nhiệm luôn trách nhiệm vỗ về, nói chuyện và tập vật lí trị liệu cho bệnh nhân mau khỏe.
Cùng làm chung phòng chị Lan còn có Nguyễn Kim Hiền (59 tuổi, quê Sóc Trăng). Trước đây, ở quê làm nghề cắt lúa thuê nhưng thu nhập không cao, công việc lại phụ thuộc vào mùa vụ nên chị Hiền lên Sài Gòn tìm việc làm. May mắn chị được một người bạn cũng quê chỉ vào bệnh viện Ung Bứu làm nghề, từ đó đến nay đã gần 5 năm.
Nghề osin bệnh viện tuy vất vả nhưng thu nhập hàng tháng được chị Hiền tiết lộ với con số “khủng” lên đến 15 triệu đồng/ tháng. Ở nhiều bệnh viện osin còn làm việc theo ngày với mức giá từ 450.000- 500.000 đồng/ngày. Đấy chỉ là mức thu nhập cơ bản, với những bệnh nhân có thân nhân giàu có osin được trả lương đến 20 triệu đồng/ tháng.
Ám ảnh những lần bị bệnh nhân gạ tình.
Những người làm nghề nuôi bệnh phải thường xuyên di chuyển theo bệnh nhân từ bệnh viện này sang bệnh viện khác. Hằng ngày chăm sóc bệnh nhân đến đêm khuya và chỉ ngủ được 2- 3 tiếng. Khi làm việc thường xuyên phải tiếp xúc với những vết lở loét, trực tiếp thay băng vết thương cho bệnh nhân thế nên đôi khi họ bị nhiều người xa lánh do sợ nhiễm bệnh từ bệnh nhân.
Chị Lê Thị Bé Ba (43 tuổi, quê Tiền Giang) là một trong những osin từng rơi vào trường hợp bị nhiều người xa lánh vì sợ lây bệnh, chị chia sẻ: “Đôi lúc thấy người ta xì xầm nói mình bị bệnh này bệnh kia tôi buồn lắm, những lần bị vậy chỉ biết ứa nước mắt vì tủi thân, có lần phải chạy ra phía sau bệnh viện khóc rồi lại quay vào làm tiếp. Làm việc, chỉ mong có tiền nuôi gia đình và cho các con ăn học thôi”.
Không chỉ buồn tủi vì bị xa lánh mà nhiều người làm nghề osin bệnh viện còn gặp phải những trường hợp dở khóc dở cười khi bị bệnh nhân gạ tình. Nhiều người phải tìm cách làm quen và ứng xử khôn khéo.
Chị L.M.H (32 tuổi, quê An Giang) kể lại: “Có lần tôi chăm sóc cho một ông cụ bị tai nạn gãy chân nằm ở BV Điều Dưỡng, mới đêm đầu tiên ông ta kêu tôi lại, tưởng cần gì nên tôi lại gần thì ổng chồm lên định hôn. Lần đó tôi sợ lắm nhưng tôi cố gắng bình tĩnh nói ổng không được làm vậy nữa không thì tôi sẽ la lên cho ổng mất mặt, thế sau này ổng không dám nữa. Có nhiều người ở quê tôi trước đây cũng làm được một thời gian thì nghỉ vì sợ bị gạ tình”.
Đáng sợ hơn khi từng bị bệnh nhân sờ soạng lúc đang ngủ, chị Q.K.T vẫn còn thấy ớn khi nhớ lại. Chị T. chia sẻ: “Hai tháng trước tôi nhận chăm sóc một ông gần 60 tuổi, nhìn ổng cũng hiền lành lắm. Đêm đầu tiên trải chiếu nằm ngủ dưới đất, chợp mắt được một lúc thì thấy có ai đó ôm mình nên tôi bật dậy, thấy ổng ôm eo tôi hoảng sợ la hét. Từ lần đó, tôi định không làm nữa nhưng nghĩ lại tiền ăn học của các con nên cố gắng làm, rồi khi nhận chăm sóc bệnh nhân thì né mấy ông già già ra”.
Tuy nghề chăm sóc người bệnh rất vất vả nhưng một số người vẫn bám trụ để mưu sinh. Nhiều người nói vui đây là nghề mà “cho tiền cũng chưa chắc có nhiều người dám làm”.