Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Nghệ nhân Pháp dạy trẻ khuyết tật làm gốm Raku

Trong nhà xưởng rộng khoảng 30 m2, người đàn ông cao lớn, mái tóc bạch kim say sưa hướng dẫn trẻ cách nặn đất sét theo phong cách gốm Raku.

Không hiểu những gì ông nói, nhưng qua ánh mắt, động tác hướng dẫn tỉ mỉ, những đứa trẻ khuyết tật dần nặn được chiếc bình, cái bát. Ngắm những sản phẩm của học trò, người đàn ông ngoại quốc nở nụ cười, huýt sáo vui vẻ.

Người đàn ông đó là Oliver Oet (63 tuổi, người Pháp), đến truyền dạy kỹ thuật làm gốm Raku của Nhật Bản cho trẻ em khuyết tật ở Trung tâm Hy vọng, số 20 Nhật Lệ, phường Thuận Thành (TP Huế, Thừa Thiên Huế).

Ông Oliver hướng dẫn trẻ khuyết tật ở Trung tâm Hy vọng làm gốm Raku. Ảnh: Võ Thạnh

10 năm trước ở Paris, Pháp, ông Oliver tình cờ quen cô Hiền, người từng làm việc tại Trung tâm Hy vọng. Sau khi nghe cô kể về hoàn cảnh đặc biệt của các em nhỏ tại Trung tâm, ông đến tìm hiểu và một năm sau quyết định bỏ ra hơn 100 triệu đồng xây nhà xưởng, mua máy móc và trực tiếp dạy cách làm gốm Raku với mong muốn các em có thể tự nuôi sống bản thân bằng nghề này.

Tôi muốn giúp những người khuyết tật ở đây cảm thấy tự hào về chính họ. Ý tưởng cốt lõi của dự án là giúp các em kiếm được tiền, từ đó tự tin về bản thân hơn“, ông Oliver chia sẻ.

Bất đồng về ngôn ngữ, song với tình thương, 8 năm qua người đàn ông Pháp đã làm cho các em khuyết tật nơi đây cảm thấy gần gũi, yêu thích với nghề gốm. Nhiều em tự mình làm ra những sản phẩm gốm Raku, trưng bày ở xưởng và bán cho khách đến tham quan.

Các sản phẩm gốm Raku mà trẻ khuyết tạo nên. Ảnh: Võ Thạnh

Ông Oliver còn là cầu nối đưa sản phẩm của các em ra thị trường. Hàng năm, ông đều về Huế mua gốm của Trung tâm Hy vọng đưa sang Pháp. Tất cả số tiền bán được, ông lại đầu tư trở lại cho dự án Hy vọng.

8 năm làm việc, tôi cảm thấy công việc của mình mang lại hạnh phúc cho những trẻ em khuyết tật nơi đây nên sẽ cố gắng cho đi hết tất cả kiến thức về đất sét, về gốm để các em thành thạo nghề“, ông Oliver nói.

Theo học nghề gốm Raku từ những ngày đầu, đến nay Nguyễn Văn Hậu (25 tuổi) đã trở thành thợ lành nghề. Hậu tự nặn những sản phẩm gốm khó như bình, mặt người, có tính nghệ thuật cao. Thời gian ông Oliver về Pháp, Hậu hướng dẫn cho các em khuyết tật khác.

Nhờ có thầy Oliver mà em và các bạn nơi đây biết nặn đất sét thành những chiếc bát, con trâu. Làm việc với thầy, em cảm thấy cuộc sống này còn nhiều điều mới lạ và ý nghĩa”, Hậu chia sẻ.

Ông Oliver chỉ các công đoạn làm gốm cho học viên. Ảnh: Võ Thạnh

Bà Nguyễn Thị Hồng, quản lý Trung tâm Hy vọng cho biết, hàng năm ông Oliver đều về Huế hỗ trợ dạy nghề làm gốm cho trẻ khuyết tật. Nhờ ông mà nhiều trẻ em khuyết tật, thiểu năng trí tuệ ở Trung tâm yêu đời hơn.

Ông ấy đã đem lại cho Trung tâm nhiều điều. Bên cạnh dạy nghề cho trẻ khuyết tật, ông Oliver còn định hướng cho Trung tâm tổ chức cho khách đến tham quan trải nghiệm làm gốm Raku để người khuyết tật có thu nhập”, bà Hồng nói.

Người đàn ông Pháp chia sẻ còn đến Huế và “tiếp tục công việc ở đây khi nào sức khỏe còn cho phép”.

Ông Oliver hướng dẫn người khuyết tật làm gốm Raku.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo VnExpress

Được quan tâm

Tin mới nhất