Rất nhiều người đã từng đặt câu hỏi đại loại như nếu một ngày nào đó Facebook sập, một ngày nào đó không ai có thể vào được Facebook nữa thì viễn cảnh loài người sẽ như thế nào?
Câu trả lời chắc đơn giản thôi, không có Facebook thì loài người sẽ quay trở lại vào thời kỳ xuất phát điểm của những ngày chưa từng tồn tại mạng xã hội này. Người ta sẽ dùng các loại blog để than thở, dùng điện điện thoại để liên lạc, dùng thư tay hay thư điện tử để trao đổi thông tin, cập nhật tình hình của nhau, người ta sẽ quay trở lại cái thời chăm đọc tin tức trên các mặt báo chính thống như báo điện tử, thậm chí cả báo giấy.
Con người sẽ sống chậm hơn, bình tĩnh hơn, sẽ không còn cơ hội để làm tổn thương nhau mà trở nên hòa đồng, bao dung hơn. Các anh hùng bàn phím vì thế cũng “thất nghiệp” mà chết dần chết mòn, những thông tin thất thiệt nhảm nhí cũng không còn đất mà sống, những nút like nút share rồi dần dần sẽ bị người ta cho vào quên lãng.
Tuy nhiên có một thứ mà ít người khó có thể mường tượng được ra, đó là viễn cảnh cho những dân buôn online hàng ngày kiếm sống trên Facebook. Khó có thể nói hết một cách cụ thể, song cứ biết với nhau là điều dữ là nhiều, điều lành hầu như là… rất ít.
Khi được hỏi về một tương lai không còn Facebook, chị Đoàn Thiên Hương, chủ một shop quần áo online khá nổi tiếng giãy nảy: “Ôi không còn Facebook nữa là chết, chết thật đấy em ạ. Chị dựng nên cái shop này trên Facebook cũng được 5 năm trời rồi, khách cũng chủ yếu là từ Facebook. Mất Facebook bây giờ là mất hết, mất sạch mà cũng chẳng còn sức mà gây dựng lại từ đầu”.
Cũng như chị Hương, hàng triệu dân buôn trên Facebook đang sử dụng mạng xã hội này như một cửa hàng thực thụ, là nơi để trưng bày mẫu mã sản phẩm, là nơi có người bán hàng có thể thường xuyên tư vấn cho khách, là nơi trao đổi giá cả giữa bên bán và bên mua…
Có những người thậm chí còn phải bỏ tiền tấn ra để đầu tư cho một “cửa hàng” như vậy trên Facebook (mà ta vẫn biết đó là fanpage dùng để bán hàng).
Từ việc mua quảng cáo cho đến việc tiếp cận từng khách hàng một, tăng từng like một cho “cửa hàng” ấy, rồi trau truốt từng hình ảnh cho từng sản phẩm… tất cả là một khối tài sản khổng lồ không chỉ về mặt tiền bạc, mà còn về cả mặt công sức lẫn tinh thần.
Nếu một ngày mất Facebook, các con buôn chắc chắn sẽ phải tưởng tượng ra được viễn cảnh họ phải đưa cái “cửa hàng” trên Facebook ấy ra ngoài đời thực. Nếu làm được điều đó thì (may ra) vẫn có thể tiếp tục duy trì thương hiệu và cửa hàng ấy, còn không làm được thì chỉ còn nước là… dẹp tiệm.
Bà mẹ một con có nick Lan Chu, chủ một shop hàng gia dụng bán hàng trên Facebook cũng được gần 5 năm chia sẻ: “Ngày đấy mới sinh thằng cu con, rảnh rang ở nhà không làm gì ông xã mới lấy ít đồ về cho mình bán. Chẳng đi đâu làm gì được vì bận chăm con, chẳng biết bán cho ai nên đem lên Facebook rao. Không ngờ đến giờ lại thành shop đồ gia dụng được nhiều người biết, nhiều khách quen. Nhưng tất nhiên chỉ là trên Facebook mới được như thế thôi.”
Chị Chu phân tích, việc bán hàng trên Facebook có thể giúp chị tiết kiệm đến hàng chục triệu thuê mặt bằng mỗi tháng, tính ra mỗi năm là hàng trăm triệu tiền mặt bằng là chị không phải lo. Đây chính là lợi thế của việc bán hàng trên Facebook được các bà mẹ bỉm sữa tận dụng một cách triệt để.
Tiền lãi từ bán hàng được bao nhiêu cứ thế mà đút túi vì không phải tính tới chi phí thuê nhà thuê cửa thuê nhân viên bán hàng, rồi tiền mua trang thiết bị, tiền điện tiền nước… Cũng nhờ thế mà giá bán ở trên Facebook cũng hết sức cạnh tranh, rẻ nhất có thể và chắc chắn là rẻ hơn nhiều so với các cửa hàng bán bên ngoài.
Chị Chu nói thêm: “Trong trường hợp không còn Facebook để bán hàng nữa thì riêng chi phí thuê mặt bằng cũng đã đủ sống dở chết dở rồi. Chưa kể bận chăm con túi bụi cả ngày, kể cả có mở cửa hàng thật cũng không có thời gian mà chăm chút, quán xuyến”.
Buôn bán trên Facebook dần dần đã trở thành một nghệ thuật mà cũng cần phải cày cuốc lâu năm mới có thể “cảm thụ” được hết. Những ông chủ bà chủ thành công trên Facebook cũng đều là những người nằm chắc trong tay nghệ thuật này, mà có thể gọi tên là nghệ thuật “tiếp cận khách hàng”.
Một mạng xã hội khổng lồ mà có tới hàng chục triệu người sử dụng, thì không khác gì một xã hội thu nhỏ với hàng triệu nhu cầu mua bán, giao thương mỗi ngày. Những người bán hàng trên Facebook thường rất tài giỏi trong việc tiếp cận được với hàng triệu con người đấy, biết được nhu cầu của mỗi người là gì, nên bán vào thời điểm nào và với giá là bao nhiêu.
Quan trọng nhất, Facebook đã trở thành kênh bán hàng hiệu quả cực kỳ khi cộng đồng Facebook có những sự liên kết cực kỳ mạnh, người thứ nhất có thể dẫn tới người thứ mười, người thứ mười có thể kéo đến người thứ một trăm.
Sự tiếp cận cửa hàng của những vị khách trên Facebook cũng có thể nói là vô biên, tùy vào khả năng chi tiền quảng cáo của chủ cửa hàng cũng như chất lượng sản phẩm, giá thành và sự khéo léo của họ mà lượng khách mới cho tới lượng khách quen có thể tăng lên một cách dễ dàng.
Còn nghĩ tới viễn cảnh cửa hàng của mình mọc lên giữa hàng trăm cửa hàng khác, giá cả lại không cạnh tranh được nhiều thì có mấy ai là không nản. Chưa kể một điều đáng sợ hơn cả, đó là họ sẽ phải đóng thuế!
Chuyện Facebook đóng cửa đã được nói đến nhiều, đặc biêt là sau mỗi lần Facebook có sự cố trục trặc khiến các anh chị em không thể truy cập được.
Nếu điều đó thực sự xảy ra trong tương lai, tổn thất về mặt kinh tế đối với những con buôn trên Facebook quả thực là không đếm xuể, xong cũng có thể nhờ đó, mà nhà nước không bị thất thu hàng trăm tỷ mỗi năm, giảm bớt được tình trạng chảy máu ngoại tệ do các ông chủ bà chủ online đang “cắm đầu cắm cổ” chạy tiền quảng cáo cho Facebook.
Mặt khác, môi trường kinh doanh cũng sẽ được trong sạch hơn đáng kể, khi không còn những vụ “cướp” khách trắng trợn giữa các cửa hàng, không còn những vụ người mua đặt hàng rồi bỏ bom người bán hay quảng cáo một đằng, bán hàng một nẻo…
Rồi cả những cú “bóc phốt” các chị em chuyên buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hay những vụ trai cướp vợ gái cướp chồng trên các hôi nhóm buôn bán trên Facebook cũng sẽ không còn cơ hội để mà xuất hiện thêm nữa.
Chưa hết, ngay cả những anh em làm nghề quảng cáo, marketing hay chuyên làm banner, biển hiệu, đèn led các thứ chắc cũng phải lấy làm vui mừng khôn xiết, vì bấy lâu nay các chị em toàn dùng ngôn ngữ chữ viết và icon đủ các loại màu mè để quảng cáo cho sản phẩm và cửa hàng trên Facebook.
Do đó, nếu một ngày mà Facebook không còn khiến các chị em phải thuê cửa hàng ở ngoài, chắc chắn các anh em cũng sẽ phần nào có thêm công ăn việc làm, giúp cải thiện cuộc sống!