Ngày vía Thần Tài 2022 là ngày nào?
Ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm là ngày vía Thần Tài. Năm 2022, ngày này sẽ rơi vào ngày 10/2 dương lịch.
Nguồn gốc, ý nghĩa ngày vía Thần Tài
Việc thờ tự Thần Tài rất khó xác định chính xác có từ bao giờ. Chỉ biết rằng vào khoảng thế kỷ XX, khi tinh tế hàng hóa phát triển, thương nghiệp ngày càng có vị thế, Thần Tài đã trở thành đại diện mới chuyên trách cho việc phát tài. Từ đây, Thần Tài được thờ tự đàng hoàng và dần dần trở thành một gia thần phổ biến trong các gia đình, đặc biệt là những người làm ăn kinh doanh, buôn bán.
Có rất nhiều câu chuyện liên quan tới ngày này cũng như vị Thần Tài, trong đó có câu chuyện như sau:
Trong một lần uống say, Thần Tài bị lỡ chân nên ngã xuống trần gian, đập đầu vào đá và mất trí nhớ. Có người thấy ông mặc đồ như diễn tuồng, nổi lòng tham bèn lấy sạch quần áo của ông đem đi bán.
Không còn tài sản trong người, Thần Tài buộc phải đi ăn xin khắp nơi. Một chủ quán tốt bụng thấy ông đáng thương nên đã cho ông ăn. Không ngờ rằng, từ lúc đó trở đi, cửa hàng vốn vắng người ghé thăm nay quan khách lại ra vào tấp nập.
Thế nhưng, thấy Thần Tài chỉ ăn mà không làm, lại sợ bộ dạng rách rưới của ông làm phật lòng khách nên chủ cửa hàng đã đuổi ông đi. Từ đó, cửa hàng lại vắng vẻ như xưa. Sau đó, nhiều cửa tiệm nghe tin này liền tìm cách mời Thần Tài về nơi buôn bán của mình để “Thần Tài gõ cửa”.
Một lần, có người đưa ông đi mua quần áo mới. Trong cửa tiệm, Thần Tài nhìn thấy bộ quần áo trước đây của mình liền khôi phục trí nhớ rồi bay về trời. Ngày hôm đó là ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch.
Để tưởng nhớ ông, người dân đã lập bàn thờ cúng và chọn ngày này làm ngày vía Thần Tài. Cứ tới ngày mùng 10 tháng Giêng, mọi người lại sắm sửa lễ vật cúng Thần Tài và mua vàng để cầu tài lộc, may mắn cho cả năm.
Có cần thiết phải mua vàng trong ngày vía Thần Tài để cầu may?
Nhiều người mua vàng trong ngày vía Thần Tài để cầu tài lộc, may mắn vì vàng là một trong những vật có giá trị nhất về mặt kinh tế, là biểu tượng cho sự tích lũy và giàu có. Ban đầu, tục này chỉ lan truyền trong một bộ phận nhỏ thương nhân, giới kinh doanh, nhưng hiện đã trở nên phổ biến ở nhiều nơi.
Với mong muốn cầu xin tài lộc, giàu sang và tâm lý đám đông mà mỗi năm dòng người xếp hàng mua vàng tại các cửa tiệm vàng bạc ngày càng dài thêm, kéo dài từ mờ sáng đến đêm khuya. Trong những ngày này, giá vàng trong nước thường tăng khá mạnh khi đến ngày vía Thần Tài, nhưng sau đó sẽ giảm mạnh. Vậy có nhất thiết phải mua vàng trong ngày vía Thần Tài hay không?
Trên thực tế, hầu hết các sách và tài liệu nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Thần Tài của người Việt xưa không đề cập đến tục mua vàng vào ngày vía Thần Tài. Tục lệ này được cho là mới xuất hiện khoảng 10 năm trở lại đây.
Các chuyên gia cho rằng, không cần thiết phải đi mua vàng trong ngày vía Thần Tài mới mang lại sự may mắn. Nhân ngày này, mọi người nên cảm tạ trời đất, ơn trên vì đã ban cho mình đồ ăn, thức uống và của cải. Còn việc bày tỏ lòng thành kính có thể thực hiện tại bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào, chỉ cần tâm khởi là thần biết, miễn sao thực lòng là được chứ không cần phải câu nệ về hình thức.
Nếu vẫn muốn mua vàng, người dân nên lựa mua cho vừa túi tiền, không nên mua theo phong trào mà làm hỏng hết ý nghĩa cầu may mắn, thịnh vượng. Ngoài ra, tùy theo quan điểm của từng người, món đồ nào có giá trị thì mua món đồ đó để đổi lại sự an tâm, cầu tài lộc cho cả năm.
Hoặc bạn chỉ cần mua một chút bạc, trang sức bằng kim loại đeo bên người, món đồ mình thích,… để lấy may mắn cả năm. Đơn giản nhất là bạn mua một chiếc vé số để thử vận may hay ra ngân hàng gửi một khoản tiết kiệm tượng trưng chứ không nhất thiết phải mua vàng với giá đắt đỏ.
Vào ngày này, mọi người cũng có thể mua về nhà một số vật phẩm phong thủy để lấy may như tì hưu, cóc ba chân, tượng Thần Tài,… để cầu tài lộc.
(*) Thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo!