Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Ngày khai giảng có còn ý nghĩa như xưa?

Cứ mỗi độ khai giảng, "lũ" bố mẹ lại nhớ hoài tuổi áo trắng. Nhưng đám trẻ con thì chả vui đâu, vì ngày ấy đã diễn ra trước nửa tháng rồi! Và hôm nay, chúng chỉ đang "tái dựng" lại cảm xúc mà chúng đã trải qua mà thôi!

Sáng nay, vô tuyến đưa tin cả nước hân hoan đón ngày khai giảng. Sáng nay tôi cũng sấp ngửa đưa con đi khai giảng. Sáng nay trên Facebook hẳn sẽ có rất nhiều ảnh chụp choẹt khai giảng. Cơ mà khai giảng mà mọi người hân hoan là khai giảng của người lớn mà thôi. Lũ trẻ ngày nay còn đâu háo hức ấy? Bởi chúng đã đi học từ 15/8 hàng năm rồi…

Thày trò vui ngày tựu trường

Thày trò vui ngày tựu trường

Ý nghĩa lớn nhất của ngày khai giảng là tựu trường gặp lại bạn cũ sau cả mùa Hè xa nhau. Là những học trò đầu cấp háo hức đến trường mới, gặp thầy cô mới, bạn bè mới. Là ngày đầu tiên của năm học. Khai trường - Khai Giảng là thế. Ý nghĩa đến rưng rưng nhớ mãi. Cứ mỗi độ khai giảng, lũ bố mẹ lại nhớ hoài tuổi áo trắng vậy. Chỉ đám trẻ con bây giờ thì không là vì ngày ấy đã diễn ra trước nửa tháng rồi! Và hôm nay, chúng đang “tái dựng” lại cảm xúc mà chúng đã trải qua trước đó nửa tháng mà thôi!

Sân trường ngày Khai giảng

Sân trường ngày Khai giảng

Tôi có cực đoan quá không? Như bánh chưng có thể ăn quanh năm nên Tết chả còn ai muốn ăn bánh chưng. Như bánh nướng bánh dẻo ăn trước Trung Thu cả tháng rồi nên đến Trung Thu chả đứa nào hào hứng, bánh nướng bánh dẻo ngày càng cao cấp, đắt đỏ để phục vụ người ta “bày tỏ” lòng quan tâm đến người họ cần nhờ vả, thăng tiến. Và ngày khai giảng, hiệu trưởng lên khoe thành tích này kia của trường, lũ trẻ đội nắng nhăn nhó đứng tung hoa. Là còn chưa kể tụi nhỏ tập dượt đến cả tuần trước đó cách chào đón, cách đi lại, cách cười nói, các màn biểu diễn phục vụ một ngày khai giảng “kịch”.

ngày đầu tiên đi học, mẹ dắt tay đến trường

Ngày đầu tiên đi học, mẹ dắt tay đến trường

Tôi tự hỏi sao người ta không tổ chức khai giảng tự nhiên từ 15/8 đi? Là cứ để chúng hân hoan gặp lại nhau, thầy cô úi xùi như ngày thường cũng được đi, chỉ cần là giữ đôi mắt trìu mến hơn ngày thường, trong ngày hội ngộ này. Sao cần phải có một lễ khai giảng hoành tráng mà rỗng tuếch vậy, kịch cọt vậy? Chứ thế này thì chỉ là một ngày lễ như 26/3, 20/10, 14/2,… 5/9: Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường.

Loa nào đang ra rả phát “ngày đầu tiên đi học, mẹ dắt tay đến trường, em vừa đi vừa khóc…”.

Ca khúc Đi học (nhạc Bùi Đình Thảo, thơ Minh Chính) Trình bày: Hải Bột

Chia sẻ của bạn Nguyễn Thuý Hạnh về ngày khai giảng, cũng trùng với quan điểm của tác giả Hoàng Anh Tú. Saostar xin trích đăng như một ý kiến nữa về câu chuyện khai giảng lâu nay đã không còn nhiều cảm xúc thực sự đối với học sinh.

khai-giang Với tất cả học sinh, khi tiếng trống trường đầu tiên của năm học mới vang lên thì phía sau nó sẽ là hai cánh cửa đang mở ra một thế giới khác với những nhịp rung vang và hồi hộp. Tất cả những điều tốt đẹp ấy đều hiện lên lung linh, huyền diệu trong ngày khai trường được các em học sinh háo hức, chờ đợi từng ngày. Vì thế mà ngày khai giảng luôn là một ngày quan trọng, nhiều cảm xúc đáng nhớ của các em.

Thế nhưng, những năm gần đây ngày khai giảng đã không còn giữ được nét đẹp và ý nghĩa thiêng liêng của nó. Thế hệ học sinh hôm nay đã không còn háo hức mong đợi ngày khai giảng như nhiều thế hệ học sinh trước đây bởi có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan chi phối. Cách thức tổ chức ngày khai giảng của các trường cũng đã thay đổi về thời gian, nghi thức tổ chức. Các buổi lễ khai giảng bây giờ đã chỉ còn là hình thức, mà không phải là ngày hội đến trường của các em học sinh. Nhiều bài diễn văn kể lể về những bản thành tích dài lê thê của các trường cũng đã làm cho học sinh cảm giác “sợ” và thậm chí còn né tránh ngày khai giảng. Do đó mà ấn tượng của những lễ khai giảng của các em học sinh hôm nay chỉ còn là những tiếng thở dài trong cái không khí oi bức, ngột ngạt và nhốn nháo.

Sản phẩm của giáo dục chính là con người. Nhằm góp phần thay đổi hiện trạng phát triển nền giáo dục của nước ta hiện nay, có một việc rất cần thiết lúc này đó là đưa hai từ “khai giảng” trở về đúng nghĩa của nó. Để ngày khai giảng thực sự trở thành ngày “toàn dân đưa trẻ đến trường” với đầy ước mơ cảm xúc, rất cần phải có sự giúp đỡ của các thầy cô giáo, sự nỗ lực của các em học sinh và sự quan tâm của toàn xã hội.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Hoàng Anh Tú

Được quan tâm

Tin mới nhất