Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Ngày đẹp nhất của những phụ nữ nghèo khu ổ chuột dưới chân cầu Long Biên: 'Cả đời tôi chưa bao giờ được mặc đẹp như hôm nay’

Định Nguyễn Theo dõi Saostar trên google news

Những người phụ nữ ấy mỗi người một quê mưu sinh ở chợ Long Biên, Hà Nội từ nhiều năm nay. Họ sống trong khu ổ chuột xập xệ, trong số đó có người cả đời chưa bao giờ được mặc một chiếc áo dài thật đẹp hay được tặng những bông hoa ngày 20/10…

“Cuộc đời tôi gần 80 tuổi chưa bao giờ ăn mặc đẹp, lộng lẫy như hôm nay”

Nằm ẩn mình dưới chân cầu Long Biên, Hà Nội nhiều năm nay là những khu nhà trọ xập xệ, dột nát. Nơi đây vốn vẫn được người ta gọi vui với nhau là “xóm liều”, là khu “nhà ổ chuột” giữa lòng thủ đô. Bao năm qua nơi đây vẫn là nơi sinh sống của rất nhiều người lao động nghèo. Trong số họ có nhiều người đã cao tuổi, có những người không còn ai thân thích, hay vì hoàn cảnh quá khó khăn đã phải xa quê ra đây bám trụ nơi góc chợ Long Biên kiếm sống.

Clip những người phụ nữ xóm nghèo chân cầu Long Biên mặc áo dài trình diễn nhân ngày 20/10.

Có những người phụ nữ hằng ngày họ làm đủ mọi thứ nghề từ nhặt rác phế liệu, gánh hàng thuê, nhặt tôm, bán rau… cuộc sống với những chuỗi ngày cực khổ nên dường như họ chưa bao giờ biết đến ngày 20/10. Cả đời họ chưa từng biết đến mùi son phấn hay diện trên mình những bộ váy dài, chưa bao giờ được tặng một bông hoa… Đôi bàn tay bàn chân của họ quanh năm chai sần với những vết chân chim hằn rõ trên khuôn mặt khắc khổ.

Một góc khu nhà trọ xập xệ dưới chân cầu Long Biên -nơi có những người phụ nữ hằng ngày vất vả mưu sinh.

Vất vả lo cuộc sống nên những người phụ nữ nơi đây không có thời gian chăm sóc cho bản thân cũng như chưa khi nào nghĩ đến chuyện làm đẹp.

Họ được các tình nguyện viên tết tóc, mặc những chiếc áo dài thật đẹp.

15 người phụ nữ đặc biệt có hoàn cảnh khác nhau đều vui vẻ trong Ngày đẹp nhất cuộc đời mình.

Thế rồi 15 người phụ nữ khắc khổ mưu sinh ở chợ Long Biên đã được những tình nguyện viên đến trang điểm, diện trên mình bộ trang phục lộng lẫy, được cười thoả thích… Họ được mọi người chào đón trong tiếng vỗ tay khiến ai cũng vui vẻ.

Bà Tiến hạnh phúc khi được khoác trên mình chiếc áo dài đẹp và được trang điểm nhân ngày 20/10.

Được mặc trên mình chiếc áo dài, trang điểm lộng lẫy bà Nguyễn Thị Tiến (79 tuổi, quê ở huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) tỏ ra vô cùng vui vẻ. Khi được gọi tên bà Tiến tiến ra sân khấu được dựng ngay dưới dãy nhà lụp sụp ở khu nhà trọ dưới chân cầu Long Biên rồi bước từng bước vẫy chào mọi người.

Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời bà Tiến được trang điểm.

Được khoác trên mình bộ áo dài, bà Tiến rất vui và hạnh phúc.

Thấy bà Tiến bước ra, những tình nguyện viên thiện nguyện cùng người lao động nghèo ở chân cầu Long Biên reo hò, vẫy tay chào. Khuôn mặt đầy nếp nhăn, hàm răng cũng đã rụng hết bà Tiến không giấu nổi niềm hạnh phúc.

Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Tiến kể, bà rời quê đến nay đã 16 năm. Hằng ngày bà đi nhặt giấy và ve chai quanh chợ Long Biên. Công việc này thường diễn ra từ chiều tối đến sáng sớm hôm sau mới kết thúc.

Bà Tiến có con cái nhưng vì cuộc sống ở quê khó khăn lại không nhờ vả được các con nên bao năm qua bà bám trụ ở khu nhà trọ lụp xụp ở đây sống qua ngày.

Bà trình diễn trong sự vỗ tay, reo hò của nhiều người trong khu nhà trọ. Bà luôn mong có thật nhiêu sức khoẻ để tiếp tục đi làm lo cho cuộc sống.

“Con cái không nhờ được gì nên nói ra tủi thân lắm. Hôm nay được mọi người tổ chức chương trình ngày đẹp nhất này tôi rất cảm động. Tôi được mọi người quan tâm nhớ tới ngày phụ nữ Việt Nam. Cả cuộc đời tôi đến nay gần 80 tuổi nhưng chưa bao giờ ăn mặc đẹp như ngày hôm nay, vừa đẹp lại lộng lẫy và được đánh phấn son sướng quá. Tôi cảm ơn mọi người rất nhiều”, bà Tiến xúc động.

Bà Tiến cho hay, tuổi đã cao nhưng bản thân vẫn phải lo cuộc sống của mình đến cuối đời. Bà luôn mong mình có thật nhiều sức khoẻ để được đi làm tự lo cho bản thân.

Ước mơ giản dị chuyển nghề từ nhặt ve chai sang bán trà đá của bà lão 84 tuổi

Cũng như bà Tiến, bà Trần Thị Tuyết (70 tuổi) bám trụ với cầu Long Biên đến nay đã nhiều năm. Hằng ngày bà Tuyết đi nhặt tôm thuê ở chợ Long Biên. Công việc này diễn ra cả đêm cho đến khi trời sáng rõ mới kết thúc.

Bà Tuyết đã hơn 40 năm sinh sống ở chân cầu Long Biên.

Trước đây bà Tuyết có nuôi cháu ăn học nhưng giờ người cháu đã đi làm nên bà sống một mình trong ngôi nhà trọ rộng 5m2 ở chân cầu Long Biên. Bà Tuyết vốn quê gốc ở Thái Bình nhưng ra Hà Nội mưu sinh hơn 40 năm nay. Bà sống giữa bãi nổi sông Hồng và mới chuyển lên khu nhà trọ được khoảng 2,3 năm nay.

“Nhà trọ cũng chỉ là nơi để nghỉ ngơi thiếu thốn trăm bề nhưng ở lâu rồi cũng quen. Giờ mỗi ngày tôi kiếm được 70-80 nghìn đồng từ nghề nhặt tôm. Hôm nào trở trời ốm đau thì nghỉ”, bà Tuyết cười.

Được mọi người trang điểm, diện trên mình bộ áo dài bà Tuyết vô cùng vui vẻ và hạnh phúc. Cuộc sống xưa nay khổ cực chưa bao giờ bà được ăn mặc đẹp như vậy.

Bà Thìn khoác trên mình chiếc áo dài màu hồng trình diễn trong tiếng vỗ tay của mọi người.

Một người đàn ông trong khu trọ vội ra bắt tay rồi quỳ gối xúc động khi thấy bà cụ.

Người cao tuổi nhất và cũng là nhân vật đặc biệt nhất trong số những người phụ nữ trên đó là bà cụ Nguyễn Thị Thìn (84 tuổi). Bà Thìn quê gốc ở Ba Vì, Hà Nội nhưng ra khu chợ Long Biên mưu sinh hơn 10 năm nay. Bà có người con trai nhưng nghiện ngập qua đời, chồng bà cũng mất hơn 20 năm nay. Dù tuổi cao nhưng hằng ngày bà Thìn vẫn đi nhặt ve chai quanh chợ Long Biên để kiếm sống. Hôm nào bà cũng làm từ 2h sáng, hôm nào muộn thì 4-5 giờ sáng mới đi. Bà Thìn bị mù một mắt cao chỉ 1,3m và nặng chưa đầy 32kg.

Dáng người nhỏ bé của bà khiến ai trong chợ Long Biên cũng quen mặt. Bà nhặt nhạnh phế liệu trong thùng rác rồi mang về phơi khô sau đó đem đi bán. Bà Thìn luôn mong có thật nhiều sức khoẻ và ước mơ giản dị chuyển từ nghề nhặt ve chai sang bán trà đá cho đỡ vất vả.

Cuộc đời bà Thìn quanh năm vất vả nên bà cũng hạnh phúc như những phụ nữ khác khi được mặc trên người bộ áo dài đẹp. Bà Thìn chọn màu hồng vì bà luôn mong cuộc sống của mình sau này sẽ tốt đẹp hơn.

Những màn trình diễn catwalk vui vẻ của những người phụ nữ nơi xóm nghèo.

Ai cũng thích thú ghi lại khoảnh khác đầy xúc động đáng nhớ này.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Thanh Trung cho biết, Ngày đẹp nhất là chương trình anh cùng mọi người tổ chức muốn dành tặng cho những người phụ nữ cực khổ ấy.

“Họ là những người bà, những người mẹ chưa bao giờ được làm đẹp, chưa bao giờ được trân trọng nhất, chưa bao giờ được tôn vinh thì ngày nay tôi mong họ có một ngày thật tuỵệt vời, có kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời mình. Tất cả 15 người phụ nữ tham gia chương trình này đều có hoàn cảnh đặc biệt có người mất con, có người có hoàn cảnh rất khó khăn, có người không người thân…”, anh Trung chia sẻ.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Định Nguyễn

Được quan tâm

Tin mới nhất
Tiếc cho Quế Ngọc Hải