Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Từ vụ nữ sinh nhảy cầu tự tử nghi bị cưỡng hiếp: Bỏ cuộc hay đối mặt?

Kỹ năng sống, bản lĩnh sống quan trọng thật. Nhưng trong chốc lát, rồi nó cũng sẽ hoá vô hình khi những người trẻ ấy chỉ nhận được sự chỉ chiết, thay vì lắng nghe, chia sẻ và càm thông.

Đêm. Ngày 11/3/2018.

Ven con ao bên ngôi làng nhỏ thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, tiếng thở dài than khóc xé toạch màn đêm đặc quánh. Trên bờ, đôi dép cùng chiếc điện thoại của Hồ Thị Lan vẫn nằm đó, còn ấm.

Lan ngoan lắm, lại học giỏi nữa. Bạn bè em kể vậy. Trong thư tuyệt mệnh kẹp ở cánh tủ lạnh, em run rẩy nói rằng mình đã mắc lỗi lớn và không muốn gặp bố mẹ nữa.

Một lát nữa thôi, người ta sẽ tìm thấy thi thể em dưới dòng nước lạnh. Không một ai trước đó dám nghĩ Lan sẽ dại dột nhảy ao chỉ vì clip hôn bạn trai bị tung lên mạng. Không một ai.

Ngày càng có nhiều người trẻ tìm đến cái chết trước va vấp cuộc sống.

Quyết định nông nổi của Lan, hay câu chuyện của nữ sinh lớp 12 Nguyễn Thị V.A (trú tại huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) nhảy cầu vì bị cưỡng hiếp chỉ là hai trong số vô vàn trường hợp mà người trẻ dùng cách tự vẫn để chấm dứt áp lực cuộc sống. Ở cái tuổi đẹp đẽ nhất đời người, họ tự tay vứt đi quyền được sống, được hạnh phúc của chính mình, chỉ vì khao khát dập tắt ngọn lửa bế tắc trong lòng.

Hồ Thị Lan, học lớp 11, gương mẫu nhất nhì lớp. Giây phút dân mạng truyền tay nhau đoạn video giữa em và bạn trai trong lớp, cả thế giới trong Lan sụp xuống. Ngoài học hành, chưa bao giờ em phải đối mặt với rắc rối nào lớn đến như thế. Sợ gia đình thất vọng. Sợ bạn học cười chê. Sợ người đời đàm tiếu. Lan đã nhen nhóm ý nghĩ sẽ chấm dứt cuộc đời này mới gạt hết nỗi ê chề. Mỗi sáng tỉnh dậy, đầu em nặng nề lắm.

Và cuối cùng em đã làm thật.

Còn Nguyễn Thị V.A, nữ sinh cũng chọn con đường cùng ấy, dù ước mơ vào học một ngôi trường quân đội còn đang đợi em thành toàn. ‘Nhảy nhé?’, V.A nhắn cho bạn, người mà em tin tưởng còn hơn cả cha mẹ. Rồi sau đó là 400 tin nhắn cố gắng giải thích với bạn trai về việc mình bị cưỡng hiếp. Nhưng tất cả bất lực. Vài phút sau, nữ sinh lớp 12 gieo mình từ cầu Hồ xuống. Mọi nhục nhã, tủi hổ vì bị hãm hiếp, bị người yêu nghi ngờ, bỗng chốc tan biến theo dòng nước.

Trên đây chỉ là những vụ tự tử bề nổi được nhắc ra rả trên phương tiện truyền thông thời gian gần đây. Còn con số thực tế về số người trẻ chọn cách tử tận để tránh áp lực cuộc sống còn nhiều hơn thế nữa.

Người trẻ có hàng trăm lý do để tự chấm dứt cuộc đời mình một cách dại dột: sự ê chề về mặt nhân phẩm, không nhận được tiếng nói gia đình, bị xa lánh và tách biệt khỏi cộng đồng,… hay đơn giản chỉ là một quyết định sốc nổi. Thang đo mức độ chịu đựng áp lực cuộc sống của họ là vô cùng nhạy cảm, mỏng manh và dễ bị ảnh hưởng bởi bên ngoài. Để rồi khi kiệt quệ, ngập vùi trước trở ngại, họ chọn cách bỏ cuộc thay vì đối mặt.

Không thể đối diện với những lời đàm tiếu, cười chê, nữ sinh đã tìm đến cái chết để chấm dứt mọi chuyện.

Sự kiệt sức trong tâm hồn ấy luôn bắt nguồn từ “áp lực của gia đình, ánh nhìn nghi ngại xung quanh và niềm tin tan vỡ”. Mọi “cái chết” càng trở nên dễ dàng hơn trước sức mạnh khổng lồ của mạng xã hội, nơi bất cứ ai cũng cố gắng khoe ra thứ đẹp nhất, ấn tượng hoàn hảo để đạt ngưỡng kỳ vọng xã hội. Và vì thế việc thất bại hình ảnh bản thân mình trước cộng đồng to lớn cư dân mạng, khiến họ lo sợ.

Cuộc sống trở nên quá nặng nề khi là một kẻ bình thường, rồi đùng một cái, sự bất thường nổi lên. Những người trẻ xấu số vốn gặp rào cản trong việc xoay xở với các tình huống nằm ngoài màn hình điện thoại, nay càng thêm luống cuống. Hàng loạt diễn giải tiêu cực nhảy ra khỏi cái đầu non nớt, người trẻ chẳng thấy gì ngoài màn đêm mờ mịt cùng đám mây chứa đầy tổn thương.

“Còn lý do nào để sống tiếp nữa đây”, họ nghĩ vậy. Thế rồi hành vi tự tử cứ tự nhiên đến.

Mạng xã hội khiến mọi thứ lại trở nên dễ dàng hơn.

Nhưng khi hơi thở bắt đầu yếu đi, họ có biết rằng con tim các bậc sinh thành cũng như ngừng đập. Việc cố gắng bày tỏ, giải thích nhằm níu kéo, thay đổi niềm tin của người khác thông qua chuyện tự sát chính là minh chứng rõ rệt rằng: Phần đông người trẻ quá bất lực trong chuyện chia sẻ suy nghĩ để nhận lại sự cảm thông từ người thân. Cái chết của họ không phải là cái chết một mình, mà còn kéo theo cả “cái chết” của bố mẹ, người thân họ.

Cả một tương lai trước mắt, rồi cũng hóa lãng xẹt vì không thể vượt qua khủng hoảng cá nhân. Từ bao đời nay vẫn vậy, nạn nhân mang theo tâm lý yếu đuối, luôn bước ra chịu tội thay cho những kẻ làm tổn thương mình. Trong khi đó, cái chết của họ chỉ một mực mang lại đau đớn tới người khác mà chẳng đem tới một chút ý nghĩa giải quyết sự việc nào. Éo le thay.

Kỹ năng sống, bản lĩnh sống quan trọng thật. Nhưng rồi nghĩ lại, những điều này rồi chốc lát cũng sẽ hoá vô hình khi những nạn nhân đáng thương chỉ nhận được sự chỉ chiết thay vì lắng nghe, cảm thông và chia sẻ từ gia đình, từ người thân, từ bạn bè…

Nhưng cái chết đó còn dẫn theo cái chết trong lòng của ba mẹ, gia đình, người thân xung quanh.

Bên di ảnh của người chị gái 18 tuổi, em trai V.A đầu đội khăn tang, đứng đón các đoàn vào viếng, tâm hồn chết lặng. Người ta nói chị là nữ sinh giỏi giang, xinh xắn, quảng giao, lại chưa từng có xích mích với ai… Người ta, ai cũng nói vậy. Vậy mà…

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Minh Trần

Được quan tâm

Tin mới nhất