Tuy nhiên, hiện giờ, Nga dường như không hề bị mắc kẹt mà thay vào đó lại thiết lập được ảnh hưởng lớn và chắc chắn ở Trung Đông. Hơn nữa, Nga được cho là đã “dạy cho Mỹ một bài học đắt giá”.
Chiến dịch thành công
Nga bắt đầu đưa quân tham chiến vào chiến trường Syria từ hồi tháng 9 năm ngoái theo đề nghị của đồng minh Bashar al-Assad. Mục tiêu của chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria được giới chức Moscow tuyên bố là để chống lại lực lượng khủng bố, cụ thể ở đây là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Với chiến dịch không kích dồn dập của mình ở Syria, Nga đã gây tổn thất nặng nề cho lực lượng khủng bố.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận một thực tế là sự can thiệp của Nga vào chiến trường Syria đã làm đảo chiều cuộc nội chiến ở nước này theo hướng có lợi cho chính quyền của Tổng thống Assad - đồng minh thân thiết của Nga.
Những chiếc máy bay ném bom và lực lượng đặc nhiệm của Nga đã giúp củng cố vị thế và quyền lực của Tổng thống Assad, giúp cho quân đội của ông này chiếm lại được nhiều vùng lãnh thổ đã mất từ tay của cả lực lượng khủng bố lẫn phe nổi dậy Syria. Trong khi đó, phe nổi dậy Syria thiếu sự hậu thuẫn tích cực và chắc chắn của phương Tây đã phải chịu thất bại liên tiếp trong cuộc đối đầu với chính quyền Damascus. Vì lý do này, không có gì khó hiểu khi phương Tây sục sôi tức giận với chiến dịch quân sự của Nga ở Syria, liên tiếp cáo buộc Moscow nấp sau vỏ bọc là mục tiêu chống IS để tấn công phe nổi dậy Syria, hậu thuẫn cho chính quyền Assad.
Chiến dịch của Nga ở Syria được đánh giá là thành công khi không chỉ gây tổn thất nặng nề cho lực lượng khủng bố IS mà còn giúp vực dậy chính quyền của Tổng thống Assad. Từ đó, Nga cũng khôi phục và củng cố lại vị thế của mình ở Trung Đông, giành được ảnh hưởng ở Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và thậm chí là cả ở Ả-rập Xê-út, Israel - hai nước vốn là đồng minh thân thiết của Mỹ.
“Tất cả mọi người đều hiểu rằng, đã có sự thay đổi lớn ở Trung Đông, đó là người Nga một lần nữa lại là người chơi chính và các bạn phải tính đến họ”, ông Nicolas Gvosdev - một chuyên gia về Nga thuộc trường Đại học Chiến tranh Hải quân ở Newport, R.I., đã phân tích như vậy. Ông này còn nói thêm rằng: “Tổng thống Putin đã hướng tới mục đích đưa Nga quay trở lại vị trí hàng đầu trong những tính toán của khu vực và ở vào thời điểm này, ông ấy đã đạt được mục đích đó”.
Trong khi đó, tờ Le Monde của Pháp dẫn lời nhiều nguồn tin cho biết, Nga đang càng ngày càng trở thành một nhân tố không thể thay thế trong tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria.
Một nhà ngoại giao cấp cao của Pháp đã nói với tờ Le Monde rằng, “cả Nga và Mỹ đang dẫn dắt tiến trình ở Syria nhưng rõ ràng Nga vẫn là người điều khiển tình hình”.
Hồi đầu tháng này, Iran đã cho phép Nga sử dụng căn cứ không quân của họ để xuất kích đi thực hiện chiến dịch tấn công ở Syria. Hiện tại, hoạt động này đã tạm dừng nhưng nó đã cho thấy lần đầu tiên nước Cộng hòa Hồi giáo chấp nhận cho lực lượng quân sự nước ngoài vào hoạt động trên đất của họ. Đó là một sự thỏa hiệp vượt qua bất kỳ điều gì mà giới lãnh đạo Iran từng đưa ra cho Mỹ trước đây. Điều này đủ thấy ảnh hưởng của Nga đã lớn đến mức nào.
Với việc được sử dụng các căn cứ của Iran, “người Nga giờ đây đã có những chiếc máy bay chiến lược bay khắp vùng Vịnh Persian. Nơi đây giờ không còn là vùng hoạt động độc quyền của Mỹ nữa”, Tiến sĩ Gvosdev bình luận.
Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan gần đây đã đến Moscow để gặp gỡ người đồng cấp Nga Putin nhằm khôi phục lại quan hệ song phương - một mối quan hệ từng xấu đi nghiêm trọng do Ankara không hài lòng trước việc Nga ủng hộ cho Tổng thống Assad.
“Không có sự đóng góp của Nga, sẽ không thể có được một giải pháp lâu dài cho tình hình Syria”, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm qua (25/8) đã phát biểu như vậy.
Nga “đã dạy cho Mỹ một bài học đắt giá”?
Nga đã có thể khôi phục lại vị thế và ảnh hưởng của mình ở Trung Đông một phần bởi vì chính quyền của Tổng thống Putin đã đặt ra những mục tiêu giới hạn - đây là bài học mà Mỹ có thể rút ra được từ đối thủ của mình, ông Gvosdev nhận định.
“Trong khi người Mỹ theo đuổi mục tiêu chấm dứt cuộc chiến tranh và sau đó là những kế hoạch to lớn nhằm tái thiết đất nước Syria thì người Nga lại đặt ra những mục tiêu tương đối thấp, đó là ngăn không cho chính quyền Assad sụp đổ và khôi phục lại vị thế của chính quyền Syria ở một số phần lãnh thổ của đất nước”, ông Gvosdev cho biết. “Thông điệp là khi bạn đặt ra những mục tiêu hạn chế và đạt được chúng, đó là một chiến thắng. Khi bạn đặt ra các mục tiêu cao và đặt ra những viễn cảnh rộng lớn hơn về những gì các bạn có thể đạt được, nếu bạn không hoàn thành, tất cả mọi người đều nói bạn thất bại”, nhà phân tích Gvosdev phân tích.
Tuy nhiên, các mục tiêu hạn chế nói trên thực ra là một phần của tầm nhìn lớn hơn rất nhiều cho sự hiện diện của Nga ở Trung Đông.
Thổ Nhĩ Kỳ và Iran là những nhân tố chính trong kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu năng lượng của Nga - phía tây đi qua Thổ Nhĩ Kỳ đến Châu Âu mà không thông qua Ukraine như hiện nay và phía đông là thông qua Iran đến Ấn Độ và thị trường các nước Đông Nam Á.
Những vụ không kích từ Iran cho phép Nga thể hiện sức mạnh của máy bay ném bom và các loại vũ khí, khí tài khác trước một thị trường đang “đói” vũ khí. Một số nhà phân tích tin rằng, “quảng cáo” vũ khí là một phần trong các mục tiêu của Nga và Nga sử dụng chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria để tìm cách lôi kéo các khách hàng tiềm năng ở Trung Đông.
Về hình ảnh, ngoài mục tiêu xây dựng hình ảnh một nước Nga với sức mạnh quân sự đáng nể, Tổng thống Putin còn muốn thể hiện Nga là một đồng minh trung thành, đáng tin cậy. Cứu đồng minh Assad và làm mới lại quan hệ với các cường quốc trong khu vực đã giúp đảm bảo tạo dựng hình ảnh một nước Nga mạnh mẽ, có thể hỗ trợ hiệu quả cho các bạn bè của nước này.
Những thành công trên sẽ góp phần lớn vào mục tiêu quan trọng không kém của Tổng thống Putin là tăng cường thêm uy tín cho chính quyền Nga, từ đó củng cố sự ủng hộ của người dân Nga đối với chính quyền trước thềm cuộc bầu cử quốc hội vào tháng tới.