“Hợp đồng tình cảm” có thay đổi tội?
PV: Ông nhận định như thế nào về quyết định trả hồ sơ cho VKS để điều tra bổ sung vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của HĐXX trong phiên tòa sơ thẩm?
LS Ngô Việt Bắc: Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga bị cáo buộc đã dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt 16,5 tỉ đồng của ông Cao Toàn Mỹ qua việc lừa mua giúp nhà. Diễn biến phiên tòa sơ thẩm ngày 21/9, Phương Nga công khai trước tòa “hợp đồng tình cảm”. Việc công khai bản “hợp đồng tình cảm” trong phiên tòa sơ thẩm khiến HĐXX quyết định trả hồ sơ cho VKS để điều tra bổ sung vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” có thể khẳng định quyết định này của HĐXX là một quyết định kịp thời, từ đây vụ án rất có thể chuyển sang một hướng hoàn toàn khác.
Việc phát sinh “hợp đồng tình cảm” có thay đổi tội danh mà hoa hậu Phương Nga bị truy tố?
Nếu “hợp đồng tình cảm” là có thật, thì bà Phương Nga phải có nghĩa vụ cung cấp cho cơ quan điều tra để minh chứng cho lời khai của mình. Sau khi cung cấp thì cơ quan điều tra bằng các biện pháp nghiệp vụ của mình để xác định rằng bản “hợp đồng tình cảm” là có thật hay không, nếu có thật thì nó có phải do ông Mỹ là một bên trong thỏa thuận của bản hợp đồng hay không? Đây là một quá trình tương đối phức tạp, nếu như ông Mỹ không thừa nhận.
Trong trường hợp đủ cơ sở để chứng minh lời khai “hợp đồng tình cảm” là có thật, đối chiếu lại những dấu hiệu cơ bản tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (quy định tại Điều 139 BLHS). Trước tiên, cần phải xem xét bà Phương Nga có mục đích chiếm đoạt tài sản của ông Mỹ hay không, và mục đích này bắt buộc phải xuất hiện trước thời điểm thực hiện các thủ đoạn gian dối.
Nhưng để quy kết bà Phương Nga có phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không thì hành vi thủ đoạn gian dối của bà Phương Nga phải xuất hiện trước khi có việc chuyển giao tiền giữa ông Mỹ và việc chuyển giao tiền của ông Mỹ cho bà Phương Nga hai bên trước đó đã có trao đổi và thống nhất về mục đích của việc chuyển tiền, mục đích đó là chuyển tiền để nhờ bà Phương Nga mua nhà, chứ không phải chuyển tiền để “mua tình”.
Từ đó có thể nhận thấy nếu chứng minh “hợp đồng tình cảm” là có thật thì phải xem bản hợp đồng này được xác lập kể từ thời điểm nào. Nếu hợp đồng này có trước, sau đó ông Mỹ mới chuyển giao tài sản cho bà Phương Nga thì rõ ràng bà Phương Nga vô tội, vì bà Phương Nga không có bất kỳ thủ đoạn gian dối nào, mà việc này đã có sự đồng thuận của ông Mỹ, ông biết được, đồng ý việc này trước khi chuyển giao tiền cho bà Phương Nga.
Theo như ông Mỹ tố cáo thì ông đưa tiền cho bà Phương Nga làm hai lần, lần thứ nhất 6 tỷ, lần thứ hai 10,5 tỷ. Nếu bản “hợp đồng tình cảm” xuất hiện sau thời điểm ông Mỹ chuyển khoản tiền nhất là 6 tỷ và trước thời điểm chuyển số tiền lần thứ hai, thì lúc này cần phải làm rõ số tiền 6 tỷ có thực sự là số tiền ông Mỹ chuyển cho bà Phương Nga để nhờ mua một căn nhà tại quận 5,TPHCM hay không, từ đó mới có thể khẳng định việc bà Phương Nga phạm tội hay không phạm tội.
Tuy nhiên ông Mỹ phải cung cấp được các giấy tờ đã chuyển tiền cho bà Phương Nga và các giấy tờ này phải ghi rõ mục đích chuyển tiền để mua nhà. Bên cạnh đó ông Mỹ phải chứng minh được căn nhà mà bà Phương Nga mua cho ông nó nằm ở đâu, đường gì, diện tích là bao nhiêu, giá thành mua bán thực tế là như thế nào, việc này ông Mỹ phải tự chứng minh để từ đó làm rõ hành vi gian dối của bà Phương Nga.
Còn nếu giấy nhận tiền không ghi rõ nội dung gì và không có bất kỳ bằng chứng nào chứng minh ông có một thỏa thuận nhờ bà Phương Nga mua nhà, thì việc ông chuyển tiền cho Bà Phương Nga có thể phát sinh bởi các quan hệ bình thường trong cuộc sống, từ đó không thể quy kết bà Phương Nga phạm tội được.
Nhìn ở một khía cạnh khác nếu bản “hợp đồng tình cảm” là có thật, thì hậu quả của bản hợp đồng này như thế nào?
Nếu bản “hợp đồng tình cảm” thì có thật thì cơ hội chứng minh vô tội của bà Phương Nga là rất lớn. Ông Mỹ đã có gia đình nhưng có quan hệ tình cảm với bà Phương Nga, điều này không chỉ trái đạo đức và còn vi phạm Luật Hôn nhân gia đình. Như vậy, trong trường hợp này bản “hợp đồng tình cảm” đương nhiên vô hiệu (theo Điều 127 BLDS năm 2005). Khi đó, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận (theo Điều 137 BLDS năm 2005). Như vậy tiền thì có thể hoàn trả còn những thứ khác thì làm sao khôi phục và hoàn trả, nếu hoàn trả bằng tiền thì giá trị hoàn trả là bao nhiêu, định giá như thế nào, tất cả đều rơi vào ngõ cụt.
Trường hợp “hợp đồng tình cảm” có thật và cơ quan chức năng xác định là mua bán dâm thì sao thưa ông?
Trong trường hợp bản “hợp đồng tình cảm” là có thật và cơ quan chức năng có đủ bằng chứng cho rằng bản “hợp đồng tình cảm” là bản “hợp đồng mua bán dâm” thì ông M. bà Phương Nga có thể bị xử phạt hành chính. Ngoài ra, số tiền 16,5 tỷ còn có thể bị tịch thu nếu cơ quan chức năng chứng minh hành vi vi phạm đủ dấu hiệu được quy định tại Điều 24 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự,an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy;phòng, chống bạo lực gia đình”.
Lật ngược thế cờ?
Vậy giả thiết bà Phương Nga bị oan, vậy trách nhiệm của ông Mỹ sẽ ra sao?
Nếu lời khai của bà Phương Nga là đúng sự thật thì ông Mỹ sẽ là người tố cáo sai sự thật. Theo quy định tại khoản 2, Điều 335 BLTTHS, quy định về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo thì bắt buộc người tố cáo có nghĩa vụ “trình bày trung thực về nội dung tố cáo, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tố cáo sai sự thật”.
Như lời khai của bà Phương Nga tại tòa, trong một quán karaoke bà bị ông Mỹ cùng 4 người lạ ép ký vào giấy tờ liên quan đến việc mua bán nhà, và giao nhận tiền. Sau đó ông Mỹ dùng những giấy tờ văn bản này đem đi tố cáo bà Phương Nga ra cơ quan chức năng. Trường hợp quan chức năng xác định chuyện này là có thật, số phận ông Mỹ sẽ ra sao?
Nếu giả thuyết trên là thật thì hành vi này của ông Mỹ không được chấp nhận cả về mặt pháp luật và mặt đạo đức. Hành vi này được quy định rất rõ tại Điều 122 BLHS quy định “người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền”. Theo đó, với hành vi vu khống ông Mỹ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt có thể lên tới 7 năm tù.
Còn trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan thì như thế nào?
Nói về trách nhiệm của các cơ quan tổ chức có liên quan, trong quá trình điều tra, truy tố bà Phương Nga. Thì tại thời điểm hiện nay, do chưa khẳng định được sự việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Phương Nga là đúng hay không đúng, nên chưa thể kết luận được. Nhưng trong trường hợp sự việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Phương Nga là không có thật, nói cách khác là bà Phương Nga không có tội, thì cơ quan điều tra và viện kiểm sát chắc chắn phải liên đới chịu trách nhiệm trong vụ này.
Vì quyền tố cáo là quyền của ông Mỹ trách nhiệm trong trường hợp tố cáo sai sự thật thì ông Mỹ phải chịu. Nhưng các cơ quan có chức năng, phải có trách nhiệm xác minh đầy đủ trước khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam một con người tránh bị oan sai, vì đó là trách nhiệm của các cơ quan này còn trách nhiệm tới đâu thì còn tùy thuộc vào kết quả của quá trình điều tra sắp tới.
Xin cám ơn chia sẻ của luật sư!