Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Nếu Hồ Tây chết, Hà Nội còn lại gì?

Nếu Hồ Tây chết, các mặt hồ của Hà Nội "ngắc ngoải" thì thành phố của mặt nước và cây xanh, sẽ còn lại gì?

Hãy tìm ra thủ phạm

Hè năm 1998, tôi có mời một cô bạn sinh viên đi cafe tại Hồ Tây. Đêm ấy, bầu trời trong vắt và mặt hồ sóng sánh với muôn vạn vì sao in bóng. Quang cảnh thật lãng mạn với những con nước hiền lành như dòng sông Ngân Hà đêm mùa hạ.

Công viên nước mọc lên. Rồi xung quanh bốn bờ, một cuộc “bể dâu” ngoạn mục của công trình. Hồ Tây đã trở nên sầm uất với vô vàn khách sạn, nhà hàng và những căn hộ mới.

Ánh sáng từ cuộc sống đô thị đã xuất hiện khắp nơi. Bóng tối lùi dần và ánh sáng của những vì sao “sông Ngân Hà” thuở ấy đã mờ nhạt trước sự rực rỡ của phồn hoa đô hội.

Cá chết nổi trắng Hồ Tây. Ảnh chụp ngày 2/10

Cá chết nổi trắng Hồ Tây. Ảnh chụp ngày 2/10.

“Đây Dâm Đàm, kia Trúc Bạch, hồn xe trong vuông lụa xưa đó” của ngàn năm văn hiến cũng khắc khoải xa như tiếng chuông phủ Tây Hồ, trước sự xâm lấn nhanh của những gì bên hồ.

Phát triển dịch vụ, thương mại là việc nên làm. Nhưng, phát triển để giữ được thiên nhiên, tôn vinh vẻ đẹp thiên nhiên, tạo nên tính bền vững cao khi tôn trọng sự sống của thiên nhiên mới là điều nên làm hơn.

Người ta đối xử với Hồ Tây giống như đối xử với những “con gà đẻ trứng vàng”. Mà là “trứng vàng” thật. Mảnh đất giúp con người kiếm được biết bao là “trứng vàng” thì thiên nhiên dễ trở thành thứ yếu.

Và rồi hôm nay, như bạn đã biết, Hồ Tây lại “lung linh” như sao trời tụ hội. Chỉ có điều đó là ánh đèn từ các con thuyền vớt xác cá cả đêm.

Hồ Tây đã trở thành một nghĩa địa khổng lồ của các loài cá. Những người sống quanh Hồ Tây không dám mở cửa nhà vì mỗi cơn gió mát giờ đã trở thành mùi tanh tưởi nồng nặc của cái chết thiên nhiên.

UBND thành phố Hà Nội đã phản ứng rất nhanh trước sự cố cá chết. Theo những thông tin ban đầu, khoảng 76 tấn cá đã chết. Chỉ số oxy ở bề mặt Hồ Tây bằng không. Các biện pháp xử lý và ứng cứu được thực hiện với tần suất cao.

Thế nhưng tại sao chúng ta không phản ứng để giữ cho cá Hồ Tây sống mà chỉ phản ứng để xử lý khi cá Hồ Tây đã chết?

Chưa bao giờ cá Hồ Tây lại thiếu ô xy để sống như thế này. Có thể, sức chịu đựng của cá lớn hơn, còn với loài tôm và ốc Hồ Tây thì giờ hiếm như mò kim đáy bể.

Một sự huỷ diệt đối với loài thuỷ sinh ở khu vực này là có thật. Nguyên nhân: chưa xác định. Chỉ biết là ô xy thiếu. Tức là, nước của Hồ Tây đã không còn là môi trường sống thực sự của loài cá.

Việc gắn máy thở ô xy cho cá chỉ là giải pháp tạm thời. Không điện nào mà chịu cho nổi và cũng chẳng máy ô xy nào bền đến phi thời gian để mà sục nước cứu cá năm này qua năm khác.

Hồ Tây cần một giải pháp bền vững. Mà giải pháp bền vững chính là tìm ra thủ phạm đã bức tử hồ Tây. Giống như đã tìm ra ống xả Formosa dưới đáy biển.

Và sau đó, không phải là câu chuyện của đền bù mà là câu chuyện của trách nhiệm: xử lý hậu quả, trả lại sự sống cho Hồ Tây.

Vâng, hãy tìm ra thủ phạm dù thủ phạm đó là hữu hình hay vô hình!

Cái gì còn, cái gì mất?

Vẻ đẹp của Hà Nội cũng như tên gọi của mình, được tạo nên bởi một phong thủy đặc biệt: “thành phố trong sông”. Không gian mặt nước và không gian cây xanh đã từng là đặc trưng của đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến.

Những thế đất, dáng sông ấy trong bề dày lịch sử đã tạo nên những vẻ đẹp của con người Hà Thành “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.

Thế nhưng những đặc trưng của mảnh đất Hà thành đang chết. Sông Tô Lịch đã gắn liền với lịch sử thành phố chỉ còn là một cống nước lộ thiên.

Các thế hệ Việt Nam không biết nơi đâu Thánh Tản đã nhổ vào đàn tế của Cao Biền khi trấn yểm đất Thăng Long trên dọc bờ sông này.

Vẻ đẹp huyền hoặc của một thời: “Sông Tô nước chảy quanh co. Cầu Đông sương sớm, Quán Giò canh khuya” như một bức tranh đối nghịch với thực tại.

Sông Kim Ngưu, sông Nhuệ đều đã chết. Hồ Gươm, hồ Văn, hồ Trúc Bạch… đều chỉ còn trong tình trạng lắt lay.

Người Tràng An cũng dần mất đi những “thể hoa nhài”. Cuộc sống gấp gáp với hàng vạn sức ép nơi đô thị khiến nhu cầu mưu sinh lấn át mọi nhu cầu tinh thần khác.

Những mặt nước bị lấp để làm nhà. Những công trình mọc lên như nấm. Những khu đô thị bao vây lịch sử trong những khối bê tông cốt thép cao tầng.

Hàng triệu khối nước thải được xả thẳng ra tự nhiên. Hà Nội chìm dần trong cơn bão của giá bất động sản.

Cùng với tiến trình này, thành phố trong sông đã không còn nước nữa. Theo thống kê của một nhóm nghiên cứu độc lập, sau hơn 10 năm, tổng diện tích mặt nước của Hà Nội đã giảm 64%.

Đó là chưa kể đến chất lượng của nước. Theo đánh giá của một số liên minh tài nguyên thì lượng nước thải sinh hoạt tại Hà Nội đạt mức 350.000 - 400.000m3 mỗi ngày.

Trong đó chỉ có 10% được xử lý số còn lại đều không qua xử lý mà đổ thẳng vào các ao hồ, sông ngòi.

Không có gì ngạc nhiên khi hôm nay số phận của Hồ Tây cũng đang trở nên giống với những biểu tượng một thời như sông Tô, hồ Văn, sông Nhuệ.

Khi những biểu tượng đã chết, tôi tự hỏi Hà Nội còn bản sắc gì? Hà Nội có còn xứng đáng là trái tim của tổ quốc, nơi hàng triệu trái tim đã từng ngưỡng vọng về?

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Soha

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc