Mới đây, cộng đồng mạng chia sẻ câu chuyện về chàng trai sinh năm 1990 tại xã Sơ Pai, huyện KBang, tỉnh Gia Lai bất chấp nguy hiểm để cứu hai người phụ nữ khi họ bất ngờ nhảy xuống đường ray ngay trước đầu tàu.
Trên trang cá nhân, một tài khoản facebook chia sẻ: “Trưa này, tôi gặp trường hợp này, cứ nghĩ không qua khỏi nhưng may mắn bạn ấy vẫn còn cơ hội sống.
Bạn ấy tên Hoàng Văn Chương, sinh năm 1990 (thôn 4 - xã Sơ Pai, huyện KBang, tỉnh Gia Lai), hiện đang làm việc tại xã La Phù (Hoài Đức, Hà Nội). Do cứu hai em gái có ý định tự tử trên đường ray tàu hỏa nên bị tàu va, sức khỏe nguy kịch. Hiện Chương đang được cấp cứu tại bệnh viện 103.
Do người nhà chưa ra kịp nên có mấy bạn tốt ở làng thay phiên nhau chăm sóc, mọi người xung quanh cũng quyên góp được mấy triệu mua thuốc nhưng tình hình cấp bách vì bạn ấy bị chấn thương sọ não, tụ máu não nhưng chưa được mổ vì không có tiền. Bạn ấy làm bốc vác ở làng mình, tuổi còn trẻ, tương lai còn ở phía trước, mong những mạnh thường quân quan tâm, chia sẻ để bạn ấy qua cơn hiểm nghèo. Đức Phật dạy: Cứu một mạng người hơn xây 7 tòa tháp”.
Khi đăng tải lên mạng xã hội, câu chuyện về lòng dũng cảm của chàng thanh niên tên Chương khiến nhiều người cảm phục. “Còn gì quý giá hơn một tấm lòng nghĩa hiệp như vậy. Thương chàng trai và ngưỡng mộ bạn“, là ý kiến chung của nhiều độc giả.
Ngay sau đó, phóng viên Saostar đã tìm đến Bệnh viện Quân Y 103 để gặp chàng trai dũng cảm, xả thân cứu người. Trưa 9/5, sau hai tuần cấp cứu và điều trị, Hoàng Văn Chương vẫn chưa được rời khỏi giường bệnh, vết thương do va chạm với tàu hỏa ở cánh tay và bả vai trái đã khô nhưng vẫn còn rất đau, không thể cử động. Đặc biệt, các bác sĩ ở đây chẩn đoán, chàng trai dân tộc Nùng bị tụ máu não, phải dùng thuốc tan máu trong thời gian dài, chi phí điều trị có thể lên đến trăm triệu đồng.
Chia sẻ với phóng viên, ông Hoàng Văn Đào - bố của Chương cho hay gia đình nhận tin dữ vào tối ngày 25/4 từ người bạn thân của con trai. Khi đó cả gia đình chết lặng, chân tay bủn rủn. Ông bỏ dở tất cả công việc trên nương rẫy và lập tức bắt xe khách ra Hà Nội chăm sóc con.
“Khi nghe tin con gặp nạn ai chẳng hoảng hồn. Cả tối hôm đó, không một ai trong gia đình ngủ được cả, chỉ muốn ra Hà Nội luôn để gặp con. Tôi biết con trai gặp nạn vì cứu người, tôi không trách nó, ngược lại còn rất tự hào vì con. Tôi tin rằng ai ở trong hoàn cảnh ấy cũng sẽ làm như vậy“, ông Đào cho hay.
Chú ruột của Chương là ông Hoàng Văn Tiên tâm sự: “Khi nhập viện, Chương được bạn bè thay phiên nhau chăm sóc. Ngay sau khi gặp nạn, thằng bé được đưa vào khoa Hồi sức cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu. Sau hai ngày tiến hành các phác đồ điều trị, sức khỏe Chương tiến triển tích cực, nên được đưa đến khoa Nội thần kinh để theo dõi. Khi mọi người hỏi thăm hay động viên, thằng bé hiểu hết nhưng chưa nói được thôi”.
Trong tâm trạng buồn bã và có một chút bức xúc, ông Tiên cho biết, từ khi xảy ra sự việc đến giờ, không thấy hai người phụ nữ được cháu trai của mình cứu đến thăm hỏi.
“Tôi không biết lý do là gì, cũng không tường tận sự việc, nhưng tôi nghĩ rằng, ít nhất họ cũng nên đến hỏi thăm xem sức khỏe của thằng bé ra sao. Không hiểu hai người phụ nữ này vì muốn tự tử hay bất cẩn khi băng qua đường nhưng nếu thằng Chương không nhanh chân cứu thì không biết chuyện gì xảy ra. Vậy mà…”
Được biết Chương là con trai thứ 2 trong gia đình có 3 anh em. Từ nhỏ chàng trai này đã được bạn bè quý mến bởi sự lành hiền, chất phác và rất nhiệt tình. Gia đình Chương là gia đình có công với cách mạng. Ông nội của anh là liệt sĩ, hi sinh năm 1979 tại Cao Bằng khi tham gia Chiến tranh Biên giới.
Bố của anh chàng bộc bạch, con trai từng đi nghĩa vụ quân sự hai năm. Sau khi về, với mong muốn có một công việc ổn định, Chương đi học lái máy xúc. Chàng trai 27 tuổi quyết định ra Bắc lập nghiệp trong một lần đi tảo mộ ông nội ở Cao Bằng. Thời gian này, vì chưa xin được việc nên Hoàng Văn Chương mưu sinh bằng công việc bốc vác thuê ở La Phù (Hoài Đức) và gặp nạn.