Theo đó, sức khỏe của bệnh nhân 91 là nam phi công người Anh, 43 tuổi đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tuy tiên lượng còn nặng nhưng đến nay đã có tiến triển khá hơn. Bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính 5 lần liên tiếp với virus SARS-CoV-2 và hiện đã ngừng dẫn lưu màng phổi. Tình trạng bệnh nhân không sốt, mạch và huyết áp ổn định, đang tiếp tục thở máy.
Đến nay, 90% phổi của bệnh nhân 91 đã đông đặc, Ban Chỉ đạo Quốc gia cho biết đã đánh giá được mức tổn thương phổi nhờ chụp CT phổi, tổn thương phổi mức độ lớn và có chỉ định ghép phổi cho bệnh nhân. Kết quả X-quang mới nhất cho thấy phổi của bệnh nhân đã hết tràn khí và còn ít dịch.
Đến hôm nay, nam phi công người Anh này đã trải qua 59 ngày điều trị (bệnh nhân vào viện từ ngày 18/3/2020). Bệnh nhân tiếp tục sử dụng máy ECMO ngày thứ 42. Đây là bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm này.
Ê-kíp đang nỗ lực nâng sức khỏe phi công người Anh, thực hiện làm nuôi cấy để khẳng định không còn SARS-CoV-2, khi khẳng định âm tính mới chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy để thực hiện việc ghép phổi.
Trong những ngày qua, phi công người Anh được xác định có biểu hiện nhiễm trùng nhiều tạng. Hiện các bác sĩ vừa tập trung điều trị nhiễm trùng vừa hồi sức cho bệnh nhân. Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã khởi động chương trình tìm nguồn cho tạng có đủ điều kiện và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để ghép phổi cho bệnh nhân này.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế cũng đang xem xét, nghiên cứu các văn bản quy định pháp lý, đồng thời xác định chi phí ghép, chi phí điều trị để tìm kiếm nguồn tài trợ.
Trong gần 2 tháng qua, tình trạng sức khỏe bệnh nhân liên tục tiến triển phức tạp, đã nhiều lần có kết quả xét nghiệm âm tính rồi lại dương tính. Theo các chuyên gia giải thích, bệnh nhân có thể trạng béo phì, cơ thể lại phản ứng quá mức với virus SARS-CoV-2, tạo ra “cơn bão cytokine”, tấn công cả tế bào lành. Bên cạnh đó, bệnh nhân 91 cũng kháng toàn bộ với các loại thuốc rối loạn đông máu đang được dùng trong nước, Bộ Y tế đã đặt mua thuốc hiếm từ nước ngoài để điều trị.
Hiện có gần 50 người đăng ký tình nguyện hiến tặng một phần phổi để ghép phổi cho phi công người Anh. Những người đăng ký hiến một phần phổi ở nhiều độ tuổi khác nhau, từ 21 đến 71 tuổi và đến từ nhiều ngành nghề khác nhau, có người là bác sỹ, điều dưỡng, nhà báo, có người là bộ đội,… Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn ưu tiên số một là tìm tạng hiến tặng từ người hiến đã chết não để tiến hành quy trình ghép phổi cho bệnh nhân 91.