Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Năm 2017 giảm 30.000 chỉ tiêu tuyển sinh đại học

Tại buổi họp báo chiều 24/3, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học năm nay là 392.000, giảm khoảng 30.000 chỉ tiêu so với năm ngoái.

Chiều 24/3, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo thường kỳ quý I/2017. Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã đề cập các vấn đề quan trọng của ngành giáo dục như việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, kiểm định chất lượng giáo dục đại học, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, an toàn trường học.

Rút kinh nghiệm từ sai sót đề thi của Sở GD&ĐT Hà Nội
Ông Ga thông tin một số điểm quan trọng của kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Cụ thể, kỳ thi sẽ diễn ra trong 2,5 ngày, từ 22 đến 24/6. Hiện tại, công tác chuẩn bị cho kỳ thi được tiến hành tích cực tại các địa phương, cơ sở giáo dục. Một số nơi đã tiến hành khảo sát chất lượng cho học sinh lớp 12.

Năm nay, mỗi địa phương chỉ còn một cụm thi do sở GD&ĐT chủ trì. Tuy nhiên, các trường đại học vẫn đóng vai trò quan trọng thông qua việc cử giảng viên tham gia coi thi trực tiếp tại địa phương theo tỷ lệ 50/50.

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Bộ GD&ĐT, trường đại học và sở cùng chia sẻ trách nhiệm sẽ giúp kỳ thi diễn ra an toàn hơn.

Cục trưởng Mai Văn Trinh cho biết việc chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia đang diễn ra đúng tiến độ. Ảnh: Kim Ngân.

Bộ cũng đã tính toán việc phân bổ để vừa đảm bảo nhân lực coi thi tại các điểm thi vừa hạn chế quá trình đi lại.

Vừa rồi, việc Sở GD&ĐT Hà Nội để xảy ra sai sót trong quá trình in sao đề Toán và Hóa học trong kỳ thi khảo sát chất lượng học sinh lớp 12 cũng khiến nhiều người lo ngại về tính chính xác của công tác chuẩn bị đề cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.

Trả lời vấn đề này, ông Trinh cho rằng sai sót này rất đáng tiếc. Đây cũng là sự cảnh báo để người ra đề sau rút kinh nghiệm.

Về kỳ thi THPT quốc gia, để đảm bảo mỗi thí sinh trong phòng có mã đề riêng, Bộ GD&ĐT đã có quy trình chuẩn bị đề thi chặt chẽ, chuẩn hóa để tránh sai sót. Bộ sẽ giao các sở làm công tác in sao đề, trình kế hoạch trước để bộ kiểm tra.

“Với quy trình đề thi chuẩn hóa như vậy, hiện tại, mọi việc diễn ra đúng tiến độ, lượng câu hỏi thô lớn, đủ để đáp ứng yêu cầu”, ông Trinh thông tin.

Đề sẽ được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó, nhằm đáp ứng hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học.

Năm nay, bộ vẫn công bố đề thi và đáp án. Riêng hai môn thi trước trong bài tổ hợp, bộ sẽ thu đề thi và giấy nháp nhằm đảm bảo công bằng, bảo mật và công bố đề sau.

Ông nói thêm, đến nay, các khâu chuẩn bị cho kỳ thi diễn ra đúng tiến độ và cơ bản thuận lợi.

Cũng liên quan thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, trước đó, đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội bày tỏ lo ngại Bộ GD&ĐT lấy điểm sàn thấp, ảnh hưởng công tác tuyển sinh của các trường cao đẳng và trung cấp. Đây cũng là mối quan tâm của nhiều người.

Phản hồi vấn đề này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết hiện tại, chưa thể nói gì về điểm sàn. Sau khi thi xong, bộ sẽ cân đối chỉ tiêu các nhóm ngành, họp và đưa ra mức điểm hợp lý.

Ngoài ra, ông thông tin tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học là 392.000, giảm khoảng 30.000 chỉ tiêu so với năm ngoái.

Cụ thể, khối sư phạm tuyển 52.000 sinh viên (giảm 20%). Các khối còn lại tuyển 340.000. Nhiều trường sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu.

Do đó, với số lượng thí sinh xấp xỉ 955.000, khối trường cao đẳng, trung cấp vẫn có nguồn tuyển dồi dào.

Chương trình phổ thông mới có thể triển khai từ 2018
Cũng tại buổi họp báo, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông, giải đáp nhiều thắc mắc về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Đến nay, dự thảo chương trình này đã hoàn thành, dự kiến công bố rộng rãi vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 để lấy ý kiến dư luận trước khi ban hành chính thức vào tháng 9 tới.

GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định đảm bảo chất lượng là ưu tiên hàng đầu. Ảnh: Kim Ngân.

Ông khẳng định chương trình mới có thể triển khai từ năm 2018. Tuy nhiên, trước khi triển khai, chính phủ cần làm việc với các địa phương, đảm bảo cơ sở vật chất vì đảm bảo chất lượng mới là điều quan trọng nhất.

Chương trình sẽ được triển khai theo hình thức “cuốn chiếu”, từ các lớp đầu cấp, có thể là từ lớp 1, 6, 10 hoặc lớp 1, 6 tùy tình hình cụ thể.

Bên cạnh đó, giáo viên cũng là yếu tố cần được quan tâm. Theo ông Thuyết, Bộ GD&ĐT đã có chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, đồng thời ban phát triển chương trình viết tài liệu, xây dựng trang web bồi dưỡng giáo viên.

Ông thông tin thêm Ngân hàng Thế giới nhận xét giờ học ở nước ta đang quá ít. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải.

Nhằm góp phần giải quyết, chương trình mới sẽ giảm một số môn. Trong đó, chương trình THPT thay đổi nhiều nhất.

Cụ thể, chương trình lớp 10 sẽ mang tính định hướng nghề nghiệp với các môn học bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Thiết kế và công nghệ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Học sinh chọn học thêm ngoại ngữ 2.

Ở lớp 11 và 12, các môn học bắt buộc gồm Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động nghệ thuật.

Các môn học định hướng nghề nghiệp (tự chọn bắt buộc) gồm Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học máy tính, Tin học ứng dụng, Thiết kế và công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc.

Học sinh chọn tối thiểu 5 môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và điều kiện tổ chức của trường.

Trong chương trình mới, nội dung giáo dục giới tính, bảo vệ trẻ em được quan tâm và được thể hiện thông qua môn Giáo dục giới tính, Sinh học hay trong môn tích hợp.

Tuy nhiên, giáo sư nói thêm việc bảo vệ trẻ em không chỉ nằm ở chương trình giáo dục tốt mà còn cần sự phối hợp từ gia đình, xã hội, pháp luật.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Zing

Được quan tâm

Tin mới nhất