Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Mùng 3 Tết thầy và ý nghĩa tốt đẹp của người Việt

“Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” gợi nhắc con cháu truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của người Việt. Chính vì vậy, vào ngày này có rất nhiều học trò đến thăm và chúc Tết các thầy cô của mình.

Với người Việt, Tết là khoảng thời gian để cả gia đình trở về quây quần, sum vầy bên nhau, cùng nhau gói bánh chưng, dọn dẹp nhà cửa, mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Bên cạnh đó, Tết còn là dịp để người ta đến thăm hỏi và chúc Tết thầy cô - những người cho học trò con chữ, kiến thức, dạy dỗ bao thế hệ học sinh nên người.

Sẽ chẳng còn gì ý nghĩa nữa nếu ngày này học trò không đến thăm và chúc Tết các thầy cô. Bởi điều này không chỉ nhắc nhở truyền thống tôn sư trọng đạo, “bán tự vi sư nhất tự vi sư” mà còn tôn vinh những người thầy đã dày công, tỉ mẩn truyền đạt kiến thức cho học trò, để họ có một tương lai tươi sáng.

Hai tiếng “thầy cô” lớn lao và ý nghĩa lắm. Vì lẽ đó cho nên vào ngày này, rất nhiều học sinh đến nhà thăm và tri ân những “người chở đò”. Không cần lễ lạt cao sang hay món quà giá trị, chỉ cần có tấm lòng cũng khiến các thầy cô vui lòng.

Mùng 3 Tết thầy và ý nghĩa tốt đẹp của người Việt Ảnh 1

Bạn Trinh năm nào cũng đến chúc Tết cô Hà - cô giáo dạy tiểu học của mình.

Năm nào cũng vậy, cứ đến mùng 3 Tết, cô Tại Thị Hải Hà - giáo viên một trường Tiểu học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc lại ngồi chờ ở nhà để tiếp những học trò cũ. Hơn 20 năm đứng trên bục giảng với bao vui buồn, cô và học trò của mình cùng ôn lại những kỷ niệm thuở hàn vi - kỷ niệm cô trò được lật giở lại, ùa về thật đặc biệt.

Ngày mùng 3 Tết, các thế hệ học trò đến chúc Tết và chụp ảnh kỷ niệm cùng cô giáo của mình.

“Đối với tôi, Tết thầy có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi người xưa đã nói “Không thầy đố mày làm nên”. Nếu như cha mẹ cho ta hình hài thì thầy cô cho ta tri thức. Hàng năm cứ vào ngày mùng 3 Tết được các thế hệ học trò đến chúc Tết, tôi vô cùng xúc động. Đây là truyền thống vô cùng tốt đẹp được cha ông ta gìn giữ bao đời nay”, cô Hà xúc động.

“Chữ Thầy lớn lắm! Chữ thầy còn được hiểu theo nghĩa rộng, đó là những người cho ta công việc, dạy cho ta cách cư xử, kỹ năng và lối sống”, cô Hà nói thêm. Mùng 3 Tết thầy không chỉ là dịp để học trò thăm hỏi thầy cô mà còn là thời điểm để bạn bè có cơ hội gặp gỡ, nói chuyện và chúc nhau những điều may mắn trong những ngày Tết.

Cô Tạ Thị Hải Hà nói về ý nghĩa của Tết thầy và cảm xúc khi trong ngày này có nhiều thế hệ học sinh đến chúc Tết.

Mặc dù ngày nay, “Mùng 3 tết thầy” đã dần phai nhạt trong tâm thức người Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ. Thay vì đến nhà chúc Tết thầy cô, nhiều học trò có thể nhắn tin, chúc mừng, hay Tết thầy là dịp để phụ huynh tranh thủ quà cáp, phong bì, nhưng theo bạn Nga (sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đó là những trường hợp cá biệt, hi hữu, không thể đánh đồng số đông, bởi lẽ Tết thầy vẫn vô cùng ý nghĩa và chưa có biến tướng.

Bạn Nga chúc Tết cô Hà - cô giáo dạy tiểu học của mình.

Chúng tôi - những thế hệ học trò của nhiều thầy cô, đồng thời cũng là “người chở đò” trong tương lai đến chúc Tết thầy cô với tất cả tấm lòng, ý nghĩa tốt đẹp, trân trọng. Dù hình thức chúc tết xưa và nay có nhiều thay đổi song tựu chung vẫn giữ được bản chất tốt đẹp. Đó là tình cảm và sự biết ơn của trò đối với thầy, cô giáo“, bạn Nga chia sẻ.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Cường Ngô

Được quan tâm

Tin mới nhất