Thế là những ngày cuối năm cũng đã trôi qua. Từ những ngày 28, 29 Tết người ta lại vội vã xếp lại chuyện cũ, trên chuyến tàu trở về bến quê hương.
Khi tiếng pháo hoa nổ vang khắp trời, là lúc Hà Nội, Sài Gòn ồn ã bao ngày trở lại vẻ yên bình vốn có, nơi cụ già thong dong đi trên đường, trong con hẻm nhỏ cờ hoa đỏ rợp, chậu cúc vàng đang xòe những cánh nhỏ tinh sương. Có những ngày thành phố này lạ kỳ đến thế đấy!
Sáng sớm ngày mùng 1 Tết, quanh con đường vòng vèo ra chợ Đồng Xuân, chỉ còn lác đác vài cụ già thong dong đi trên đường ven hồ Hoàn Kiếm hay trên con phố nhộn nhịp ngày nào giờ chỉ còn bóng dáng quen thuộc của cụ già bên gánh hàng rong…
Hà Nội là thế! Còn Sài Gòn - nơi 9 triệu dân thường ngày đông đúc, nhộn nhịp nay dường như mất tích, ở lại chỉ là một thành phố sớm vẫn chưa chịu thức dậy. Từng hàng quán đóng sập cửa, những con hẻm dài ngoằn nghèo vang lên tiếng bản nhạc xuân nào đó, và người ta thong dong ngồi nghe, kể vào tai nhau chuyện đời người.
Góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phạm Văn Đồng, Võ Thị Sáu,… từng méo mặt vì khói bụi, sáng nay chỉ còn ướm những hạt nắng vàng tươi. Không người, không xe, không tiếng ồn ào,… nói ra thì tức cười, nhưng đó thiệt là đặc sản của Sài Gòn mùng một Tết.
Nhưng cái đặc sản này chắc cũng chỉ kéo dài thêm vài ba ngày nữa. Hết Tết, người người lại kéo về Hà Nội, Sài Gòn để quay lại cuồng quay công việc bộn bề. Lúc đó xe cộ lại đông đúc, chợ lại tấp nập và quán xá lại ồn ào. Nhờ vậy mà mới hiểu khái niệm bình yên đối với Hà Nội và Sài Gòn đáng quý biết nhường nào!