Nhiều vị khách lầm tưởng ngoài cốc nước mà họ mua, những cơ sở vật chất còn lại là hoàn toàn miễn phí!
Không cần phải học chuyên sâu về kinh doanh, chỉ cần tìm hiểu một chút trên mạng internet cũng có thể biết được về một khái niệm đơn giản, đó là “Chi phí overhead”. Đây là những chi phí không thể tính trực tiếp vào sản phẩm hay dịch vụ được sản xuất của loại hình kinh doanh nhà hàng. Đó là những chi phí như mặt bằng kinh doanh, nhân lực, cơ sở vật chất, chi phí điện, nước,…
Ví dụ để dễ hiểu hơn: Bạn mua một ly trà có giá 40 nghìn đồng. Chi phí trà, nước, ly, ống hút có thể chỉ mất khoảng 20 nghìn nhưng 20 nghìn còn lại là để trả cho… những người nhân viên nhận order đã phải tận tình hỏi bạn xem bạn muốn uống đồ uống gì; trả cho những nhân viên pha chế đồ uống ngon cho bạn, lau dọn bàn cho bạn ngồi, dọn rửa cốc bẩn sau khi bạn uống xong; trả cho nhân viên bảo vệ tận tình dắt xe; trả cho chi phí đèn, điện, điều hoà,… và nhiều loại cơ sở vật chất khác trong đó có tiền thuê mặt bằng - một trong những loại chi phí tốn kém. Tất cả mọi thứ chỉ gói gọn trong 20 nghìn đó!
Người làm kinh doanh không phải tự nhiên mà có được cơ sở vật chất, nhân lực để phục vụ cho khách uống trà. Họ cũng phải cân đối cho phí để chi trả, ngoài chi phí đầu tư ban đầu còn phải có chi phí để duy trì hoạt động.
Có rất nhiều vị khách khi đến một nhà hàng, một cửa hàng thường lầm tưởng ngoài cốc nước, đồ ăn mà họ mua, tất cả những thức còn lại đều là miễn phí. Đó là một suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Bởi vậy, đôi khi vẫn có những người đưa ra yêu cầu mình được hưởng điều “miễn phí” đó nhiều hơn và nhiều hơn nữa.
Muốn được coi là “thượng đế”, trước hết khách hàng phải biết tôn trọng người bán
Mối quan hệ khách hàng và người làm kinh doanh nhiều khi rất cần sự thông cảm, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Người kinh doanh cần khách vì họ mang lại nguồn thu, lợi nhuận nhưng điều đó không có nghĩa là phải chấp nhận tất cả những “yêu sách” để có được điều đó.
Câu chuyện về nhóm khách vào cửa hàng trà Phúc Long ngồi suốt 11 tiếng đồng hồ mà không gọi thêm một món đồ nào nhưng lại phàn nàn khi không xin thêm được mã wifi gây tranh cãi trong dư luận.
Tuy nhiên, trước khi lên tiếng phàn nàn họ chưa kịp hiểu rằng việc ngồi lỳ ở một quán nước suốt 11 giờ đồng hồ mà không gọi thêm món có nghĩa là họ đã “lạm” vào chi phí của người kinh doanh. Không những vậy còn gây thêm tổn thất bởi khách ngồi quá lâu thì sẽ có những vị khách khác phải bỏ về. Cửa hàng Phúc Long có quyền cung cấp thêm mã wifi chứ không có nghĩa vụ cung cấp mã wifi và hơn hết Phúc Long bán sản phẩm là nước chứ không phải là wifi.
Thật khó để có thể đưa ra giới hạn quy định một lần bạn mua một cốc nước thì sẽ được ngồi trong cửa hàng bao lâu. Việc này phụ thuộc phần lớn vào nhận thức, cách hành xử, sự tôn trọng và cảm thông của khách hàng dành cho người kinh doanh.
Bạn có thể đến quán cafe mua một cốc và ngồi từ khi mở cửa tới khi cửa hàng đóng cửa. Có lẽ chẳng có cửa hàng nào dám đuổi bạn. Nhưng cái họ cần là sự cảm thông và tôn trọng của bạn đối với công sức của người trực tiếp phục vụ bạn cũng như người đã phải bỏ số tiền không nhỏ để tạo ra tất cả những thứ bạn đang hưởng thụ khi ngồi uống cafe.
Nếu đặt mình vào vị trí của người làm kinh doanh, chắc bạn sẽ chẳng bao giờ mua một cốc nước có giá 30 - 40k mà ngồi hàng chục giờ đồng hồ đâu!
'Cuộc chiến wifi miễn phí' giữa khách hàng và người làm kinh doanh, khởi nguồn từ phát ngôn của quán lý cửa hàng trà Phúc Long.
Xuất phát từ một bài viết phàn nàn của khách hàng có tài khoản facebook là G.K để lại đánh giá về cửa hàng Phúc Long Phạm Hồng Thái, TP HCM. Theo đó, khi sử dụng hết thời gian wifi miễn phí, G.K đã xuống xin thì được biết phải mua thêm sản phẩm thì mới cấp mã wifi mới.
Không hài lòng với vấn đề này, vị khách đã lên tiếng phàn nàn ngay trên chính trang facebook của cửa hàng Phúc Long.
Sau khi nhận được nhận xét không mấy tích cực từ vị khách trên. Anh K.L.C - người tự giới thiệu là quản lý cửa hàng Phúc Long Phạm Hồng Thái đã lên tiếng trả lời ở phần bình luận phía dưới. Phản hồi khá tỉ mỉ từng ý kiến phàn nàn của khách. Thế nhưng dư luận, đặc biệt những vị khách từng sử dụng sản phẩm của Phúc Long lại dậy sóng vì đoạn trả lời cuối cùng.
“Cuối cùng, đúng là khách là người chi trả cho toàn bộ những chi phí mà bạn kể ra. Nhưng trước khi Phúc Long được công nhận rộng rãi như hiện nay thì là thành công của người sáng lập chứ chưa phải là do khách hàng đem tiền đến xây dựng lên bạn nhé. Và nếu cứ nghĩ bỏ ra 30-40k để được wifi free từ sáng đến tối, máy lạnh, đèn, điện cắm sạc, nước sinh hoạt, mặt bằng, dịch vụ… thì thực sự cũng đáng để suy nghĩ đấy chứ, bạn nói mình cũng mới để ý đó”.
Những dòng trả lời khách hàng đã khiến làn sóng phản đối anh chàng quản lý quán Phúc Long trỗi dậy. Các ý kiến chỉ trích gay gắt xuất hiện “nhan nhản' trên mạng xã hội, đa phần đều ủng hộ phản hồi của vụ khách kia và phản đối cách trả lời khách hàng của người quản lý cửa hàng.
Trả lời báo chí về phát ngôn gây bão của mình, quản lý cửa hàng Phúc Long đã có lời xin lỗi vì những lời lẽ thiếu kiềm chế gây hiểu lầm. Tuy nhiên, anh cũng cho biết rằng, vị khách có những ý kiến phàn nàn kia, trước đó, đã cùng một nhóm bạn vào cửa hàng ngồi suốt 11 giờ đồng hồ mà không gọi thêm món đồ nào. Khi đó nhân viên cửa hàng có giải thích về quy định mới, vị khách này đồng ý nhưng không hiểu sao, sau đó lại có phản hồi nặng nề đến vậy.
“Nhưng đây là quy định của công ty đưa xuống. Chúng tôi chỉ hỗ trợ nếu khách cần gấp thực sự. Nếu khách cần gửi mail hay bận công việc gì đó mà không có wifi, chúng tôi sẵn sàng cho dùng miễn phí trong ít phút. Khi khách đứng dưới trệt bán sản phẩm mà cần code để gọi uber hay grab chúng tôi đều hỗ trợ”, - quản lý cửa hàng nói.