Tại Việt Nam hiện nay, mức thuế VAT đang áp dụng phổ biến là 10%. Mua món hàng 1 triệu đồng, người dân mất 100.000 đồng tiền thuế. Càng mua hàng giá trị cao, thuế VAT phải trả càng cao.
Ngồi Sài Gòn, mua hàng chịu thuế 0% ở Mỹ
Hoa, một tín đồ mua hàng xách tay cho biết tuần trước, có dịp công tác TP.HCM, cô ghé qua cửa hàng Zara mua một chiếc váy. Giá gốc chiếc váy này trên website của Zara là 30 USD. Tuy nhiên, mua ở TP.HCM, Hoa phải bỏ ra gần 1 triệu đồng, chưa tính VAT 10%.
“Nếu order từ Mỹ, ở bang có thuế, giá váy về tay là gần 800.000 đồng, còn ở các bang miễn thuế, giá chỉ khoảng hơn 700.000 đồng. Việt Nam chưa có thuế cũng đắt hơn mua ở Mỹ”, tín đồ hàng hiệu bình dân chia sẻ.
Chị Vân, một người làm dịch vụ order hàng tại TP.HCM cho hay từ khoảng tháng 7 đến cuối năm, hầu như cứ 2 tuần một lần, chị lại có vài ngày mất ngủ vì phải dành thời gian soạn, chia hàng. “Hàng về đều như vắt chanh. Tôi thuê thêm 2 nhân viên soạn cùng mà cũng không kịp trả khách”, chị Vân nói.
Trong khi không ít nhà order khác không nhận đặt các món Zara, H&M từ Mỹ vì một số nguyên nhân liên quan đến giá, thuế, vận chuyển, nhà chị Vân luôn “đặc” đơn hàng các hãng này.
“Cuối mùa, Zara, H&M - những thương hiệu bình dân người Việt yêu thích - tại thị trường Mỹ đều rẻ hơn các nước khác nên đơn hàng rất nhiều. Tôi có người nhà, sống ở bang được miễn thuế khi mua, nên tính ra, giá hàng về Việt Nam rẻ tương đối so với các nhà order khác”, chủ dịch vụ chia sẻ bí kíp để có hàng giá rẻ.
Tại Mỹ, thuế khi mua hàng áp dụng tại các bang phổ biến 5-9%. Tuy nhiên, một số bang lại không áp dụng thuế này. Nếu mua hàng tại những bang miễn thuế, mỗi món rẻ được tương đối. Vì vậy, không chỉ có khách lẻ, khách mua nhà chị Vân còn rất nhiều người là khách buôn hàng xách tay.
Thay vì tăng, nên giảm thuế VAT từ 10% về 8%
Nhân câu chuyện mua hàng và thuế VAT, ông Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia chia sẻ: “Người đi mua hàng ở Mỹ cứ nhằm bang nào không áp thuế để mua, xa bao nhiêu cũng đi, vì hàng có giá rẻ hơn hẳn”.
Ông Nghĩa cho rằng việc tăng thuế VAT từ 10% lên 12% như đề xuất của Bộ Tài chính cần phải được cân nhắc cẩn trọng. “Thậm chí còn nên nghiên cứu giảm VAT từ 10% về 8%. Còn như hiện nay, thuế VAT chẳng khác gì 'vãi thóc cho gà nhặt, gà to gà bé gì đều phải chịu hết'”, ông nói.
“VAT là thuế gián thu, ‘đánh’ vào giá hàng hoá và làm giá hàng hoá tăng lên cũng chính là ‘đánh’ vào túi tiền người dân. VAT tăng lên cũng sẽ khiến cho sức mua giảm đi, sức cạnh tranh của doanh nghiệp cũng vì thế mà giảm đi khi nhu cầu giảm”, ông Nghĩa chia sẻ.
Chưa kể, việc tăng thuế VAT và giảm thuế TNCN như đề xuất vô hình trung khiến cho người giàu tích luỹ tốt hơn người thu nhập thấp.
Vì vậy, theo ông, tăng thuế VAT cần phải được nghiên cứu thật kỹ lưỡng vì hiện tại, vô hình trung tạo áp lực, không có tác dụng hỗ trợ người nghèo.
Nhìn câu chuyện xa hơn, một số chuyên gia khác thẳng thừng cho biết bản chất thì thu VAT sẽ dễ hơn các loại thuế khác, ngay cả khi đây là loại thuế gián thu. Bởi vì VAT sẽ được đánh vào các hàng hoá. Trong khi đó, kể cả với thuế trực thu là TNCN, thì việc hạch toán ra được cũng đã khó, việc thu được càng không dễ.
Muốn tăng ngân sách, tăng thuế là một biện pháp. Tuy nhiên, áp thuế VAT sẽ khiến cho cầu tiêu dùng giảm mạnh, kể cả với hàng thiết yếu.
“Tín dụng nới lỏng, đầu tư, tiêu dùng thì chủ trương kích thích nhưng lại đề xuất tăng một loạt loại thuế, trong đó có VAT thì cần phải xem lại chính sách tài khoá và tiền tệ đã khớp nhau, nhất quán chưa”, một chuyên gia trong ngành tài chính chia sẻ quan điểm.
Phải giảm chi!
Còn theo phân tích của ông Lê Xuân Nghĩa, trong 100 đồng tín dụng mới ra ở Việt Nam có đến 80 đồng cho doanh nghiệp, 20 đồng còn lại cho tiêu dùng, bất động sản. Ở nước ngoài, điển hình là châu Âu thì ngược lại, 100 đồng tín dụng cho ra thì chỉ có 8 đồng vào doanh nghiệp, 11 đồng vào bất động sản, còn lại vào hết tiêu dùng.
Giữa Việt Nam và các nước đang có sự chênh lệch. Tăng thuế là tăng thu ngân sách. Trong khi đó nguồn gốc nợ công, thâm hụt ngân sách, theo giới chuyên gia, không phải là do không huy động được ngân sách mà cần phải xem lại việc chi.
Ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng tỷ trọng huy động thu ngân sách trong tổng GDP của Việt Nam hiện tại đã trên 20%, cao hơn so với nhiều nước. Lý do ngân sách chưa bao giờ cân bằng mà luôn luôn bội chi hụt thu, theo nguyên phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, không phải là không tận thu, mà do chi tiêu quá lớn, đặc biệt là chi thường xuyên.
“Lẽ ra nên duy trì mức thu như hiện nay thậm chí giảm hơn. Phải tiết kiệm chi tiêu ráo riết hơn nữa”, ông nêu quan điểm.
Theo lời chuyên gia, hướng cần đi là tiết kiệm chi ngân sách, tinh giản bộ máy hành chính thay vì tăng thuế. Vừa qua, một số chính sách đã được thực hiện như giảm chi tiêu xe công, giảm đi nước ngoài… và bước đầu được đánh giá tích cực.
Một số chuyên gia khác cho rằng để tăng GDP thì tiêu dùng cuối cùng là khoản quan trọng nhưng giờ thuế VAT tăng lên 12% thì vô hình trung khiến tiêu dùng giảm, đặc biệt là nhu cầu của người dân với các mặt hàng giá trị cao.
Ông Lê Xuân Nghĩa nêu quan điểm nên để dự thảo về thuế được công bố công khai để toàn dân, giới chuyên gia có ý kiến trước khi đưa đến quyết định.