Sa Pa của 2017 xa lạ quá. Khác nhiều so với những gì dịu nhẹ còn vương lại trong ký ức của những người từng có dịp đặt chân đến đây chỉ vài năm trước. Sa Pa khi ấy thật tinh khôi, cả thị trấn rêu phong e ấp trong sương như đang yên giấc, đẹp đẽ như trong một bức tranh thủy mặc.Du khách nhẹ nhàng đến, rảo bước giữa những rặng cây lá kim ẩm ướt, say mê khám phá một Sa Pa vời vợi bí ẩn rồi sảng khoái cảm nhận từng làn hơi lạnh se se thấm dần vào da thịt. Rồi du khách lại lặng lẽ đi, mang theo tiếng khèn bay bổng của anh trai Mông tuổi đương xuân, nụ cười sáng rạng của chị Dao đỏ hay một thứ sản phẩm thổ cẩm sặc sỡ được bán bởi những em gái nhỏ. Trong từng hơi thở của đất trời, dường như Sa Pa sinh ra là để bình lặng, không có bất cứ chỗ trống nào cho sự ồn ã, xô bồ.
Thế nhưng đó đã là việc của ngày hôm qua, thủa Sa Pa còn chưa có cao tốc và cáp treo. Những người muốn đến với Sa Pa còn phải lắc lư cả chục giờ đồng hồ trên những chuyến tàu đêm, nghe rào rào bên tai tiếng bánh sắt nghiến ray mà rồi chìm dần vào trong giấc ngủ…
Sa Pa hôm nay đã thay da đổi thịt đến chóng mặt, chẳng còn dáng vẻ e ấp của một thiếu nữ yêu kiều. Người ta đã đến, đưa bàn tay thô bạo xé bỏ đi sự trầm mặc vốn có của nơi đây để vội vã khoác lên tấm áo hổ lốn với đủ loại kiến trúc đông tây kim cổ. Nhà hàng, khách sạn, quán bar mọc lên san sát như nấm sau mưa. Ở những vị trí đắc địa, giá nhà đất hay bất động sản cho thuê tăng chóng mặt, chẳng hề kém cạnh khu vực trung tâm Hà Nội hay TP.HCM. Nhiều đại gia lên đời từ đất…
Sa Pa ngày thường đã đông, vào ngày lễ thì lại chỉ toàn người với người. Người kin kít, đen đặc, chen chúc nhau trên thẻo đất bé xíu quanh khu vực nhà thờ cổ, nơi được coi là trung tâm của thị trấn. Khắp bốn phương tám hướng inh ỏi tiếng còi xe, tiếng lình xình của những giàn loa công suất lớn hoặc xa hơn là những tiếng cưa xẻ chát chúa khiến không gian vốn đã chật hẹp lại càng thêm cô đặc lại.
Sa Pa hôm nay, đàn ông chẳng còn mặn mà thổi khèn và đàn bà cũng chẳng còn đánh má hồng để tất tả cho kịp phiên chợ. Trẻ con lăn lóc chạy ra đường, mười đứa thì hết bảy tám, mới tí xíu đã biết đủ cách để khiến du khách phải tặc lưỡi móc hầu bao.
Trong cơn quay quắt kim tiền, những người bản xứ vốn là bà con Mông, Dao… chân chất cũng đã dần quen với cảnh buôn bán. Trên những con phố trung tâm như Fansipan, Cầu Mây, Phạm Xuân Hân… hàng ngàn quầy hàng được bà con mở ra, tranh thủ từng cm, bày bán la liệt trên nền đất chủ yếu bán những món đồ lưu niệm đặc trưng địa phương. Thế nhưng, phải khéo lắm mới tìm được một món đồ thổ cẩm thêu tay, còn phần lớn đều là đồ dệt công nghiệp, sản xuất theo lô không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Song song với việc phát triển, Sa Pa hôm nay cũng bày biện ra cho thập khách đầy rẫy những hạn chế, chủ yếu vì đầu tư phát triển quá nóng.
Sau đây là những hình ảnh thực tế được PV Báo Lao Động ghi lại được trong dịp lễ 30/4 - 1/5: