Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Một ngày của sinh viên ngành học vất vả bậc nhất Việt Nam

Với sinh viên ngành Bác sĩ đa khoa của Đại học Y Hà Nội, ngày nghỉ là khái niệm xa xỉ. Có những đợt vừa học ở trường, vừa trực đêm bệnh viện, họ chỉ được ngủ 3 giờ mỗi ngày.

Một ngày của sinh viên ngành học vất vả bậc nhất Việt Nam Ảnh 1

Nguyễn Văn Tuấn (23 tuổi) là sinh viên năm thứ năm, chuyên ngành Bác sĩ đa khoa, Đại học Y Hà Nội. Em đến với ngành Y như một cơ duyên khi học lớp 11 từng đối diện với sự sống - cái chết và được các bác sĩ tận tình chăm sóc. Hiểu sự kỳ vọng của các người bệnh vào đội ngũ mặc áo blouse trắng, nam sinh khối B trường THPT Duy Tiên (tỉnh Hà Nam), quyết định trở thành bác sĩ. Năm học 2015-2016, Nguyễn Văn Tuấn đạt danh hiệu Sinh viên của năm. Trong ảnh, Tuấn và sinh viên lớp Y5B tham gia giao ban buổi sáng ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - hoạt động đầu tiên của một ngày học bận rộn. Tại buổi giao ban này, các sinh viên trực ca đêm hôm trước sẽ báo cáo tình hình ca trực và phân tích bệnh án của một bệnh nhân điển hình mình trực tiếp thăm khám. Một bác sĩ nội trú sẽ nhận xét và góp ý bệnh án sinh viên làm.

Một ngày của sinh viên ngành học vất vả bậc nhất Việt Nam Ảnh 2

Kết thúc giao ban, Tuấn và các sinh viên lớp Y5B sang Bệnh viện Lão khoa Trung ương học lâm sàng. Em sẽ thăm khám trực tiếp và làm bệnh án cho bệnh nhân. Giảng viên là bác sĩ sau đó sẽ giảng bài, có thể ở ngay phòng bệnh. Sinh viên Y đa khoa (Đại học Y Hà Nội) bắt đầu học lâm sàng từ giữa năm thứ ba. Kể từ đó, hầu như ngày nào họ cũng thực hành một buổi ở bệnh viện, buổi còn lại dành cho lớp học lý thuyết.

Một ngày của sinh viên ngành học vất vả bậc nhất Việt Nam Ảnh 3

Tuấn cho biết, những ngày học lâm sàng, tận mắt nhìn thấy nỗi đau, sự kỳ vọng của người bệnh, đã hun đúc cho em tình yêu và trách nhiệm với nghề. “Các bệnh nhân rất vui vẻ và sẵn sàng để chúng em thăm khám kỹ lưỡng, dù không phải là bác sĩ. Các bác còn động viên, dù bây giờ không chữa bệnh được cho họ nhưng con cháu họ kỳ vọng nhiều vào những bác sĩ tương lai như chúng em”, Tuấn kể.

Một ngày của sinh viên ngành học vất vả bậc nhất Việt Nam Ảnh 4

Trực bệnh viện là đặc thù của sinh viên Y. Tuấn cho biết, học đến nội dung gì, từ tiêu hóa, nội tiết, thần kinh… các em sẽ đi lâm sàng và trực ở khoa đó. Năm học thứ ba, khi đi khoa Tim mạch, một tuần Tuấn phải trực 3 buổi. “17h30 chúng em phải có mặt ở bệnh viện để thăm khám, làm bệnh án và hỗ trợ bác sĩ, điều dưỡng xử lý các tình huống cấp cứu bệnh nhân. Trực đêm có 2 ca 12h-3h và 3h-6h. Bất luận trực ca nào, 7h30 hôm sau, chúng em vẫn phải đi viện, chiều học lý thuyết, cuối tuần có thể vẫn phải thi. Việc này diễn ra thường xuyên, không vì lý do trực hay thi mà được nghỉ”, nam sinh chia sẻ.

Một ngày của sinh viên ngành học vất vả bậc nhất Việt Nam Ảnh 5

Chuyên ngành Bác sĩ đa khoa đòi hỏi sinh viên phải đọc nhiều tài liệu, trong đó có không ít tài liệu nước ngoài. Vì thế, sau mỗi ngày học ở giảng đường, bệnh viện, đều đặn 18h Tuấn đến trung tâm ngoại ngữ để nâng cao trình độ tiếng Anh.

Một ngày của sinh viên ngành học vất vả bậc nhất Việt Nam Ảnh 6

Bữa tối của nam sinh lớp Y5 do đó thường vào lúc 20h, khi cơm bụi, lúc mì tôm. Việc vừa học vừa ăn với Tuấn và các sinh viên Đại học Y Hà Nội khác như một thói quen bởi kiến thức cần dung nạp quá nhiều.

Một ngày của sinh viên ngành học vất vả bậc nhất Việt Nam Ảnh 7

Với sinh viên Y năm thứ năm, trung bình 3 tuần học sẽ có 2 lần thi cả lâm sàng và lý thuyết. Tài liệu cần đọc không thể tính bằng quyển mà tính bằng kg, Tuấn và các sinh viên khác phải học thuộc lòng, hiểu cặn kẽ từng câu chữ, từng vấn đề nhỏ nhất.

Một ngày của sinh viên ngành học vất vả bậc nhất Việt Nam Ảnh 8

21h, giảng đường Đại học Y Hà Nội vẫn đông sinh viên ngồi tự học bài. Tuấn cho biết, ở trường chỉ có 2 mùa học và thi. Do đó, bước vào trường mùa nào cũng thấy la liệt sinh viên ngồi đọc sách ở ghế đá, gốc cây, thư viện, giảng đường. Sau 22h thư viện, giảng đường đóng cửa, sinh viên lại về phòng tiếp tục cày bài đến 1-2h sáng hôm sau. “Bạn nào giỏi sắp xếp lắm mới dành được cho mình 2-3 ngày thảnh thơi. Ngày nghỉ với sinh viên Y chúng em dường như là khái niệm rất xa xỉ”, nam sinh nói.

Một ngày của sinh viên ngành học vất vả bậc nhất Việt Nam Ảnh 9

Xác định theo ngành liên quan đến sức khỏe, mạng sống con người nên dù học tập vất vả, áp lực nhưng Tuấn cho biết, chấp nhận đối mặt và vượt qua, chưa bao giờ muốn rời ngành.

Một ngày của sinh viên ngành học vất vả bậc nhất Việt Nam Ảnh 10

Khoảng thời gian rảnh rỗi hiếm hoi trong ngày, Tuấn rèn thể lực hoặc tham gia hoạt động tình nguyện. Những năm trước, em là thành viên tích cực của đội sinh viên tình nguyện Đại học Y Hà Nội.

Một ngày của sinh viên ngành học vất vả bậc nhất Việt Nam Ảnh 11

22h khi thư viện, giảng đường đóng cửa, Nguyễn Văn Tuấn lại “chong đèn” học trong phòng. Nam sinh năm thứ năm chuyên ngành Bác sĩ đa khoa mỉm cười nhớ lại những ngày đầu đại học phải vào nhà xác học môn giải phẫu. Có những sinh viên cùng lớp Tuấn, chỉ đến gần nhà xác, ngửi thấy mùi phóoc môn đã ngất lịm. Nhiều sinh viên không dám ăn thịt sau khi học giải phẫu trên xác người. “Giờ thì có vừa ở nhà xác xong, chúng em vẫn đi ăn như bình thường. Mình học tập trong sáng và phải tiếp cận nhiều để nắm bắt kiến thức được tốt hơn, nên giờ chúng em không sợ nữa. Riêng em, nỗi sợ lớn nhất không phải thấy máu, thấy xác chết mà là ánh mắt tuyệt vọng của bệnh nhân. Rất ám ảnh”, Tuấn chia sẻ. Tuấn từng đối mặt với ánh mắt tuyệt vọng đó và cảm thấy bất lực khi liên tục ép tim, bóp bóng nhưng bệnh nhân vẫn tử vong. Ngày thầy thuốc Việt Nam sắp tới (27/2), Tuấn gửi lời chúc tới tất cả thầy cô, anh chị em bạn bè - những ai đã và đang đi trên con đường chữa bệnh cứu người - lời chúc tốt đẹp nhất, luôn thành công và vững bước trên con đường đã chọn.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo VnExpress

Được quan tâm

Tin mới nhất
Quỳnh Kool cưới?