Bão Thần Sét gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết, tính đến thời điểm hiện tại bão đã làm chết 8 người, 3 người mất tích, tập chung chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc.
Hà Nội: Do địa hình thấp, nằm ở vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng nên hai ngày qua nhiều tuyến đường như Cầu Giấy, Trần Thái Tông, Thái Hà, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến… bị ngập úng nghiêm trọng, trong đó có nhiều khu vực chìm dưới nước khoảng 40-60 cm khiến giao thông rối loạn, nhiều phương tiện chết máy giữa đường khiến người dân vất vả.
Mưa kèm theo gió giật mạnh khiến 3 người bị thương và 100 cây xanh bị bật gốc, “đè bẹp” nhiều ô tô, xe máy gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cảnh báo, người dân Hà Nội không nên đi ra đường, ngoài ra cần có phương án, tổ chức sơ tán, di dời dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Yên Bái: Đây là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bão Dianmu. Theo ghi nhận, bão đã cướp đi sinh mạng của 3 người, trong đó có 2 vợ chồng ông Hờ Sông Dinh và bà Sùng Thị Mỷ ở xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu. Bên cạnh đó, hơn 1000 ha lúa, hoa màu bị ngập, hàng nghìn ngôi nhà bị lũ cuốn trôi, ước tính thiệt hại về tài sản lên tới 30 tỷ đồng.
Tối ngày 20/8, mưa lớn vẫn tiếp tục kéo dài khiến nước sông dâng cao, nhiều khu vực như phố Nguyễn Thái Học, đường Thanh Niên, Âu Lâu, Giới Phiên, Phúc Lộc… nước ngập sâu hơn 1m cuốn trôi nhiều tài sản, rác thải nổi bồng bềnh.
Nhiều hộ dân phải sơ tán lên những khu vực có địa hình cao để tránh bão, tuy nhiên công tác di dời gặp rất nhiều khó khăn. Lực lượng chức năng trong tỉnh thường xuyên túc trực, cảnh báo người dân ở những vùng nước lớn, có thể xảy ra lũ quét và sạt lở đất. Lãnh đạo tỉnh cũng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, tổ chức sơ tán đến nơi an toàn.
Tại Lào Cai: Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và cứu nạn tỉnh Lào Cai, mưa lũ đã làm chết 2 người, cuốn trôi một cháu bé. Nhiều vùng xảy ra tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến công tác cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn tỉnh.
Tại Vĩnh Phúc: Do được bao bọc bởi sông Lô, sông Phó Đáy và sông Hồng nên nhiều xã, huyện ở tỉnh Vĩnh Phúc như Lập Thạch, Sông Lô, Tam Dương, Yên Lạc… không tránh khỏi tình trạng ngập úng, hàng nghìn diện tích lúa, hoa màu cũng “chìm trong biển nước”. Theo ghi nhận, lưới điện phân phối có 115 đường dây bị sự cố gây mất điện trên diện rộng.Tuy nhiên, tỉnh này chưa ghi nhận trường hợp thương vong nào.
Tại Sơn La: Là một trong những huyện miền núi với địa hình dốc, nên trong hai ngày mưa lũ vừa qua, tỉnh Sơn La phải hứng chịu ảnh hưởng của lũ quét. Theo công bố của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và cứu nạn tỉnh đã có 1 trường hợp tử vong là ông Mùa Bả Súa, 48 tuổi ở bản Phá Thóng, huyện Sốp Cộp.
Tại các tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình, Bắc Giang, ngoài thiệt hại về tài sản, mỗi tỉnh có 1 người chết và mất tích. Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định do ở vùng rốn bão nên không tránh khỏi những thất thoát về tài sản.
Để kịp thời ứng phó với những diễn biến bất thường của bão số 3, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị cần thực hiện tốt các Công điện 1478 ngày 18/8 và số 1494 ngày 19/8 của Thủ tướng Chính phủ. Các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc và Thanh Hóa, Nghệ An chủ động ứng phó để tránh gây ra những thiệt hại về người và của.
Dự báo thời tiết ngày và đêm nay (21/8), do rãnh áp thấp suy yếu nên nhiệt độ các tỉnh thành đồng loạt tăng trở lại, ngày trời nắng.
Trước đó, ngày 20/8, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, ảnh hưởng của bão số 3, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã có mưa lớn. Tổng lượng mưa cả đợt 100-200 mm. Một số nơi lớn như trạm Km 46 (Sơn La), Cao Phong (Hòa Bình), Kim Bôi (Hòa Bình) 210 mm, Cẩm Phả (Quảng Ninh) 260 mm, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 315 mm