Chưa bao giờ tôi trách giận vợ con và gia đình Nguyễn Mạnh Tường
Tiếp tục câu chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hiền (72 tuổi, mẹ chị Lê Thị Thanh Huyền - nạn nhân trong vụ thẩm mỹ viện Cát Tường từng gây chấn động dư luận) bảo rằng, quãng thời gian gần 300 ngày tìm thi thể con, gia đình bà đã nhận được nhiều sự giúp đỡ.
“Cho đến giờ, tôi vẫn không quên được những gì mọi người đã giúp gia đình tôi. Như nhiều đội thợ lặn họ nhiệt tình lục tung dưới lòng sông những ngày lạnh giá, thậm chí còn mò thêm cả ngày không lấy tiền với hy vọng tìm thấy con gái tôi.
Phía bệnh viện Bạch Mai nơi Tường từng công tác cũng thuê thợ lặn 2 ngày tìm kiếm nhưng không có kết quả. Cho tới những người bạn của tôi sẵn sàng đêm hôm đưa ô tô đến đón gia đình tôi đi tìm kiếm con gái…”, bà Hiền nói.
Sau khi tìm được thi thể con, dù không còn nguyên vẹn nhưng đó cũng là tâm niệm cuối cùng mà gia đình bà đã cố gắng hết sức. “Vợ chồng tôi chỉ băn khoăn một điều, không hiểu sao sau 9 tháng con tôi ở dưới lòng sông nhưng thi thể không hề bị thối rữa, da vẫn y nguyên. Mọi người bảo thi thể dưới sông chỉ cần 10 ngày là không còn thịt nữa… đó là điều tôi thắc mắc thôi. Còn giờ lo sang mộ cho con rồi nên vợ chồng tôi cũng không còn khúc mắc gì nữa”, bà Hiền tâm sự.
Cùng tâm trạng như vợ, ông Lê Văn Viễn (83 tuổi, bố chị Huyền) bảo, giá như sau khi xảy ra chuyện đau lòng trên, Nguyễn Mạnh Tường (chủ thẩm mỹ viện Cát Tường) gặp gia đình ông nói chuyện, giải quyết thì đã không có chuyện bức xúc đến tận cùng như vậy.
“Quả thật, những tháng ngày đi tìm con là chặng đường gian nan đau khổ tận cùng nhất của gia đình tôi. Nguyễn Mạnh Tường giờ cũng đang phải chịu án phạt cho hành vi của mình. Một bác sĩ theo nghề y mà lại có hành vi như vậy thì đó là một tội ác khó chấp nhận. Quãng thời gian 19 năm tù giam cũng là đủ để Tường nhận ra tội lỗi của mình”, ông Viễn chia sẻ.
Bà Hiền nói, dù rất bức xúc trước hành vi của Nguyễn Mạnh Tường nhưng với vợ con, gia đình Tường bà chưa bao giờ to tiếng. Bà hiểu họ không hề có lỗi, họ cũng rất đau khổ trước hành động của người chồng, người cha mình gây ra.
“Tôi từng 4 lần về quê Tường ở Hà Nam tìm kiếm thi thể con gái nhưng tôi chưa hề bước vào nhà. Tôi biết Tường có mẹ già, bố đã mất, một người em không được khôn ngoan. Tôi là người mẹ tôi hiểu nỗi lòng của mẹ Tường. Tôi không muốn vào để rồi tạo áp lực cho họ, họ không làm gì sai cả, ai sai thì người đó phải chịu trách nhiệm thôi”, bà Hiền nói.
Khuyên con rể nếu tìm được hạnh phúc nên đi thêm bước nữa
Bà Hiền vẫn nhớ như in thời điểm sau khi Tường bị bắt giữ vì phi tang xác, một mình bà Hiền lặng lẽ bắt xe buýt lên phố Trần Cung nơi gia đình Tường sinh sống.
Bà Hiền kể: “Tôi đi qua nhà Tường thấy hai đứa con nhỏ của cậu ta, chúng nó còn rất bé. Nhìn xong tôi lặng lẽ đi về luôn dù lúc đó rất tức giận, phẫn nộ trước hành vi của Tường đã gây ra cái chết cho con gái mình. Tôi còn nhớ có lần nhà ngoại cảm mách rằng có thể xác con gái tôi chôn cất ở cây dừa ở bệnh viện nơi vợ Tường công tác.
Tôi đã trực tiếp đến tìm và gặp vợ Tường nhưng tôi không oán trách gì cô ấy cả. Cô ấy cũng có nỗi khổ tâm riêng khi chồng mình gây ra như thế. Cô ấy tỏ ra lo lắng vì sợ tôi sẽ gây ảnh hưởng đến học tập của các con mình nhưng tôi bảo thẳng rằng: cháu yên tâm gia đình bác không bao giờ làm gì ảnh hưởng đến bọn trẻ và gia đình cháu cả nên cứ yên tâm sinh sống”.
Nói về cuộc sống hiện tại, bà Hiền trải lòng, vì công việc bận rộn lại phải lo cho các con ăn học nên anh Huy cũng ít có thời gian qua nhà chơi. Thế nhưng cứ khi nào rãnh rỗi cả ba bố con lại sang thăm ông bà. Nhiều lần nói chuyện, bà Hiền cũng khuyên con rể nếu tính đến chuyện hôn nhân với người khác, gia đình bà không có ý kiến gì cả.
“Tôi cũng khuyên con rể nếu tìm được hạnh phúc cho mình thì nên đi bước nữa. Huy còn trẻ, còn các cháu nữa, miễn sao tìm được người phụ nữ hiểu mình, yêu thương các cháu là chúng tôi cũng thấy mừng. Dù sao Huyền cũng không còn trên đời này nữa, không ở bên cạnh chăm lo cho chồng con được nữa”, bà Hiền nói.
Tuổi giờ đã cao, nghĩ lại những tháng ngày ốm đau có con gái đến chăm sóc, bà Hiền thấy hơi chạnh lòng. “Hồi trước, mỗi lần tôi ốm, Huyền ngày nào cũng tới bệnh viện chăm sóc cho mẹ, lo cho mẹ từng bữa ăn. Hay lúc đi làm lại tranh thủ qua thăm chơi với mẹ. Dù sao con gái cũng có tình cảm riêng. Mất con rồi, hai em trai của Huyền cũng hiểu và quan tâm tới mẹ hơn nên tôi cũng nguôi ngoai phần nào”, bà Hiền trải lòng.
Hiện tại, mỗi tuần bà Hiền dành một hai ngày đi tụng kinh, tham gia các hoạt động thiện nguyện, tặng quà cho các trại trẻ mồ côi với hy vọng tích đức, cầu bình an cho con cháu. Còn ông Viễn dũ đã hơn 80 tuổi nhưng còn rất minh mẫn hằng ngày vẫn ngồi máy tính đọc báo, theo dõi tin tức.