Những ngày vừa qua, khi địa phương đối mặt với tình trạng ngập lụt nghiêm trọng, đám cưới của Nguyễn Thị Huyền (sinh năm 2002, quê ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) và Nguyễn Văn Luyện (sinh năm 2001, thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) vẫn diễn ra một cách đặc biệt.
Anh Luyện chia sẻ trên Phụ nữ Việt Nam, ngày 24/7, nước bắt đầu dâng cao ở khu vực cánh đồng và vào buổi chiều, nước đã lấn vào đường làng. May mắn thay, khu vực dựng rạp trước nhà anh cao hơn nên không bị ảnh hưởng nhiều.
Tuy nhiên, đến tối, nước dâng cao hơn dự kiến, gia đình phải thu dọn sớm sau khi đã làm được 80 mâm cỗ trong khi dự kiến là 110 mâm.
Theo lời anh Luyện, nước dâng càng về đêm càng cao, tràn vào sân nhà dù nền sân cao hơn mặt đường tới 1 mét. "Dù đã sống ở đây lâu năm và từng chứng kiến cảnh lũ lụt nhiều lần, tôi vẫn không ngờ nước lại dâng nhanh như vậy. Nhưng khách đã mời hết rồi, đặc biệt là phía nhà gái, nên gia đình vẫn quyết định tiếp tục lễ cưới theo kế hoạch".
Chị Huyền, khi nhận được tin trong đêm, khá ngạc nhiên vì ở quê chị chưa bao giờ gặp cảnh ngập lụt như vậy. Mặc dù đã từng về chơi nhà trai vài lần, chị cũng ít chú ý đến việc nơi đây có "truyền thống" ngập lụt.
"Dù có sự cố không mong muốn, nhưng tôi và gia đình đều vui vẻ, coi như lễ cưới của mình thêm phần độc đáo. Thay vì đón dâu bằng xe hoa như bình thường, mình được đón dâu bằng thuyền và phao tự chế cũng thú vị chứ", chị Huyền cười nói.
Sáng hôm sau, đoàn nhà trai đến đón dâu từ huyện Vũ Thư (Thái Bình) đến thôn Nhân Lý, dừng lại ở cây đa đầu đê. Quãng đường từ đây đến nhà trai dài khoảng 500-600 mét, nước ngập sâu có đoạn đến đầu người, mọi người phải di chuyển bằng thuyền và phao nổi tự chế.
Thuyền của cô dâu chú rể có một người chèo và một người hỗ trợ di chuyển dưới nước. Các thuyền khác nối theo sau, mọi người trong đoàn nhà gái thích thú dùng điện thoại livestream cho những người ở quê cùng chứng kiến. Đoàn thuyền đi qua rạp cưới chưa kịp tháo dỡ, nước dâng gần đến xà ngang. Nước trong sân ngập đến bậc tam cấp, cả đoàn khó khăn lắm mới vào được nhà.
"Bố mẹ chồng tôi rất tâm lý, lo lắng cho con dâu mới về làm dâu ở vùng lũ không quen. Sáng dậy, tôi thấy nước dâng cao hơn hôm trước, mới thấy người dân quê chồng vất vả quá, lại còn mất điện. Tôi mong rằng các cấp các ngành sẽ sớm có giải pháp để khắc phục tình trạng ngập lụt, giúp người dân sinh sống và đi lại thuận tiện hơn", chị Huyền chia sẻ.
Ông Phùng Xuân Lực, Trưởng thôn Nhân Lý, cho biết đám cưới diễn ra đúng dịp địa phương ngập lụt nghiêm trọng. Tuy việc đi lại có gặp nhiều khó khăn, nhưng đám cưới vẫn diễn ra thành công, tốt đẹp, không có sự cố gì đáng nói.
Kể từ đợt ngập lụt năm 2008, đây là đám cưới thứ 3 trong thôn tổ chức đúng dịp ngập lụt, đường sá bị cô lập. May mắn hơn hai đám cưới trước, đám cưới này tổ chức xong xuôi thì mới bị ngập nặng. "Năm 2008 và 2018, mọi người đang uống rượu cưới thì nước từ đê tràn vào làng. Chẳng ai bảo ai, mọi người chạy vội vàng về nhà để di tản tài sản", ông Lực nhớ lại.
Thôn Nhân Lý có 320 hộ dân với 1.786 nhân khẩu, sống trong vùng bị ngập lụt. Chỉ tính riêng đường làng, nơi ngập sâu nhất hơn 3 mét, chỗ nông ngập đến cổ, mọi người đều phải di chuyển bằng thuyền, thúng và phao tự chế.