Những ngày qua vấn nạn cá chết trên vùng biển miền Trung khiến dư luận không khỏi xôn xao, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này vẫn đang được các nhà chức trách xác định. Tuy nhiên, theo điều tra sơ bộ và thông tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ thì hai nguyên nhân đang được tập trung điều tra phân tích là nguyên nhân sinh học và nguyên nhân hoá học. Trong đó, nguyên nhân sinh học là do các hiện tượng dị thường của tự nhiên cộng với tác động của con người gây ra hiện tượng tảo nở hoa (thuỷ triều đỏ) còn nguyên nhân hoá học là do tác động của các độc tố hoá học thải ra từ hoạt động của con người đến môi trường tự nhiên.
Nỗi lo về môi trường tự nhiên đang dần bị huỷ hoại còn chưa kịp lắng xuống thì nhiều người lại được một phen “hoảng hốt” khi có thông tin một số người dân vùng biển miền Trung mang cá chết về bán lại cho các thương lái.
Theo điều tra, mỗi ngày có hai chuyến xe đông lạnh của các thương nhân đến để mua lại hàng tấn cá mà ngư dân vớt được, có số thì chết được sóng đánh dạt vào bờ; có số thì lờ đờ, thoi thóp cũng được người dân giăng lưới kéo vào.
Khi được hỏi về mục đích của số cá này, một ngư dân đã tiết lộ: “Nghe nói họ thu mua cá ni về rồi thuê nhân công làm vảy, ướp lạnh sau đó mang đi nhập ở các tỉnh không xuất hiện cá chết để bán lại”. Đa số người dân đều biết rằng nếu ăn cá chết nghi do bị nhiễm độc thì sẽ rất nguy hiểm, nhưng vì các thương lái mua lại với giá cao và vì “kiếm thêm chút tiền” mà việc vớt cá chết bán được tả lại là “như đi trẩy hội”.
Điều này đã khiến cho không ít ngư dân đánh bắt xa bờ rơi vào tình trạng lao đao, cá tươi mang về bán “không ai dám mua” vì sợ là cá bị nhiễm độc hoặc cá đã được tẩm hoá chất làm tươi sống. Hoạt động buôn bán của một số khu chợ hải sản cũng trở nên khá ảm đạm. Trước tình hình đó, người dân đang hoang mang có nên ăn cá biển không và liệu cá mình ăn là cá tươi vừa được đánh bắt hay là cá được vớt lên từ mặt biển rồi mang về “ngậm” hoá chất để “hồi sinh” trở lại? Chính vì vậy, người nội trợ cần phải nắm vững một vài kiến thức về việc làm sao lựa chọn được cá tươi ngon, đảm bảo vệ sinh và không có các loại hoá chất độc hại.
Phân biệt cá tươi và cá ươn
Nếu là cá tươi, khi quan sát thấy nhớt cá trong, không có mùi hôi, mắt cá có màu trong suốt, còn mắt cá ươn có màu trắng đục.
Thịt cá tươi sẽ có độ đàn hồi tốt, ấn sâu vào khi bỏ tay ra vết lõm lồi lên ngay, nếu cá ươn vết lõm sẽ giữ nguyên. Vảy cá tươi còn nguyên và dính chặt vào thân cá, vảy cá ươn bong tróc từng mảng, nhìn có màu nhợt nhạt.
Mang cá tươi có màu đỏ sẫm, không nhớt và không có mùi hôi, nắp mang sát, mồm khép chặt. Cá tươi có bụng lép, cá ươn có bụng trương phình ra.
Cá còn tươi phần hậu môn màu trắng nhạt, thụt sâu vào phía trong. Cá ươn có hậu môn đỏ tía hoặc màu hồng nhạt, bị trương ra ngoài.
Cá “ngậm” hoá chất
Những loại hoá chất thông thường được dùng để tẩm ướp cá là hàn the hoặc u rê. Khi ăn phải những hoá chất này trong một thời gian, chúng sẽ tích tụ thành chất độc gây ra những biến chứng, ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gan, thận, suy nhược cơ thể,… Khi ăn phải thực phẩm có lượng hàn the hoặc u rê cao có thể bị ngộ độc cấp tính với các triệu chứng như: đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, chóng mặt,… và có thể dẫn đến tử vong.
Cá bị tẩm hoá chất có mang màu đỏ đậm không tự nhiên, có mùi khai. Mắt cá bị lồi, thịt cá nhão và không có độ đàn hồi, đuôi cá có màu xanh.
Ngoài ra, khi dùng hải sản được nuôi ở những vùng nước bị ô nhiễm do hoá chất hoặc những vùng có hiện tượng thuỷ triều đỏ sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ và có thể bị nhiễm độc. Vì vậy để bảo đảm an toàn cho sức khoẻ của bạn và gia đình, đặc biệt là phụ nữ có thai, hãy tìm hiểu rõ nguồn gốc các loại hải sản trước khi chế biến và hạn chế ăn các loại hải sản chưa được nấu chín.