Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Lương cơ sở có thể tăng lên 1,6 triệu/tháng vào năm 2020

Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng.

Đó là một trong số những nội dung quan trọng của báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách.

Trong vấn đề chi cải cách tiền lương, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng. Nếu mức tăng lương được Quốc hội chấp thuận, lương cơ sở năm 2020 sẽ cao hơn mức lương cơ sở hiện tại 110.000 đồng/tháng (hiện tại là 1.490.000 đồng/tháng).

Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng cần cân nhắc việc tăng lương vì có thể làm cho chi ngân sách Nhà nước mang tính chất chi tiêu dùng nhiều hơn chi đầu tư phát triển, khi phải dùng 50% nguồn tăng thu so với dự toán của ngân sách địa phương và 40% tăng thu của ngân sách Trung ương cho cải cách tiền lương.

Để thực hiện tốt việc tăng lương cơ sở trong năm 2020, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị các ngành, các cấp cần tăng cường tiết kiệm, chống lãng phí bằng các hoạt động thực chất, hiệu quả hơn nhằm tăng nguồn lực cho chi đầu tư xây dựng cơ bản, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư phát triển.

Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng Chính phủ cần thực hiện các bước đi phù hợp, xác định vị trí việc làm, tính chất phức tạp của nghề nghiệp… để chuẩn bị tiến hành cải cách tiền lương từ năm 2021.

Một số ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị tăng phụ cấp công vụ vì từ năm 2012 đến nay vẫn giữ nguyên là 25%. Cũng có ý kiến đề nghị quan tâm hơn đến việc tăng lương cho các đối tượng hưởng lương hưu trước năm 1993 vì mức thu nhập khá thấp so với mặt bằng chung của xã hội.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đồng ý với dự kiến tăng hơn 113 nghìn tỷ tổng chi cân đối ngân sách Nhà nước năm 2020 so với dự toán năm 2019; lập dự toán chi thường xuyên chiếm 60,5% tổng chi ngân sách Nhà nước, giảm dần qua các năm.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa tiến độ giảm chi thường xuyên bằng các giải pháp hiệu quả trong việc thực hiện cơ chế tự chủ, quyết liệt việc tinh giản biên chế, tiến tới trình Quốc hội quyết định tổng mức biên chế của Nhà nước trong năm dự toán.

Đề nghị này được đưa ra xuất phát từ thực tế Ủy ban Tài chính - Ngân sách đi giám sát tại một số địa phương và thấy việc tinh giản biên chế chưa quyết liệt, có những nơi còn mang tính cơ học nhằm thu gọn đầu mối, dẫn đến chi thường xuyên vẫn còn cao. Bên cạnh đó, một số địa phương khi ban hành chính sách còn chưa bảo đảm nguồn lực tài chính để thực hiện trong năm.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị từ năm 2020, Chính phủ cần chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định của luật.

Theo đó, ngân sách các cấp không được thực hiện nhiệm vụ chi khi chưa có nguồn tài chính và việc ban hành thực hiện chính sách, chế độ mới làm tăng chi ngân sách phải có giải pháp bảo đảm nguồn tài chính, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách từng cấp.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Zing.vn

Được quan tâm

Tin mới nhất