Trao đổi với PV, ông Hà Văn Um - Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu cho biết, đó là con số thống kê ban đầu.
Theo ông Um, đây là trận mưa lũ lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng cả về người và vật chất trong suốt nửa thế kỷ qua. “Chúng tôi đã có cảnh báo về mưa lũ nhưng dân vẫn còn chủ quan. Trong số những người chết có 1 bà cụ đi đuổi vịt nhưng lán vịt ở ven suối; 1 người buổi sáng sớm đi xem mương nước nhưng nước ào tới và cuốn vào mương; 1 người khác đi xem cống và đất sạt từ trên xuống. Hay như trường hợp 5 người ở Sìn Hồ đi vào trú ở lán khi mưa lũ và bị lũ ào xuống cuốn đi. Có 2 vợ chồng già cũng ở lán nương bị cuốn trôi, hiện chúng tôi mới tìm thấy vợ và chưa tìm thấy chồng. Thiệt hại ở Lai Châu lần mưa lũ này là rất nặng”, ông Um nói.
Cụ thể con số thống kê cho đến tối 24/6, đã có 3 người chết là ông Hà Văn Chương (48 tuổi) ở bản Noong Thăng, xã Phúc Than, huyện Than Uyên, do sạt lở đất; bà Phùng Ná Thì (trên 80 tuổi) ở bản Chang Chảo Pá, xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn, do lũ cuốn; bà Lầu Chờ Sát (63 tuổi) ở bản Tủa Sín Chải, xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ, do đi làm nương bị đá rơi trúng người.
Có 8 người mất tích là bà Lò Thị Òng (60 tuổi) ở bản Vè, xã Mường Mít, huyện Than Uyên; ông Dương Ngọc Hưng (58 tuổi) trú tại TP.Lai Châu, chủ một trại cá xã Sơn Bình huyện Tam Đường; ông Ly Pờ Ti (trên 80 tuổi) ở bản Chang Chảo Pá, xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn; 5 người ở bản Nậm Há 1, xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ, bị lũ cuốn mất tích khi đang trú mưa ở lán và đang xác định danh tính. 5 người bị thương do sạt lở đất (3 người bản Sang Ngà, 2 người bản Nậm Sáng, xã Phúc Than, huyện Than Uyên).
Nhà cửa: 41 nhà bị nước mưa, đất, đá trôi sạt vào trong nhà (23 nhà ở huyện Sìn Hồ, 10 nhà ở huyện Tân Uyên, 8 nhà huyện Than Uyên); 04 nhà, 03 lán tạm bị lũ cuốn trôi hoàn toàn (02 nhà huyện Than Uyên; 02 nhà huyện Sìn Hồ).
Nông nghiệp: 4 trại nuôi trồng cá nước lạnh tại xã Sơn Bình, huyện Tam Đường bị cuốn trôi; 09 con trâu (02 con huyện Sìn Hồ; 3 con huyện Than Uyên; 4 con huyện Tân Uyên), 3 con lợn (huyện Mường Tè) bị lũ cuốn trôi; 214,4 ha lúa (45,4ha huyện Than Uyên; 83ha huyện Tân Uyên; 63ha huyện Sìn Hồ; 23ha huyện Tam Đường), bị ngập, úng cục bộ; 107,4ha ngô và hoa màu bị vùi, lấp, cuốn trôi (40ha huyện Than Uyên; 48ha huyện Tân Uyên; 19,4ha huyện Tam Đường); 7,3ha ao cá bị cuốn trôi (4,8 ha huyện Tân Uyên; 2,5ha huyện Tam Đường).
Về giao thông: 01 cầu treo, 01 cầu bê tông nội đồng huyện Than Uyên; 02 cầu treo, 02 cầu tạm huyện Tân Uyên bị lũ cuốn trôi. Một số tuyến đường Quốc lộ bị sạt lở gây tắc nghẽn giao thông: Quốc lộ 4D đoạn qua bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường; Quốc lộ 32 bị ngập một số đoạn tại bản 25, xã Trung Đồng, và Hồ Noong Thăng; Quốc lộ 279 đoạn Than Uyên - Bảo Hà; Quốc lộ 4H.
Một số tuyến đường tỉnh lộ bị sạt lở gây tắc nghẽn giao thông: Tuyến đường tỉnh lộ 128 đoạn Chăn Nưa - Sìn Hồ qua xã Làng Mô; Tuyến đường Làng Mô - Tủa Sín Chải; Tuyến đường Mường Mô - Mường Tè. Một số tuyến đường liên bản, liên xã khác trên địa bàn bị sạt, lở cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao thông.
Tuyến đường đến bản Nậm Cầy, xã Xà Dề Phìn bị sạt, lở làm cô lập khoảng 20 hộ dân, phải tiếp tế mỳ tôm và nước uống. Ước khối lượng đất, đá sạt lở trên các tuyến đường khoảng 500.000m3.
Về thủy lợi: 20 công trình thủy lợi và nước sinh hoạt bị hư hỏng, cuốn trôi (Mường Tè: 02 công trình; huyện Nậm Nhùn: 01 công trình; huyện Than Uyên 01 công trình thủy lợi, 01 kè; huyện Tân Uyên: 9 công trình thủy lợi và 6 công trình nước sinh hoạt)
Tài sản khác: 10 cột điện bị đổ gãy (04 cột huyện Sìn Hồ, 06 cột huyện Tam Đường); 01 trường THPT, trụ sở UBND xã Phúc Than huyện Than Uyên bị đổ tường bao.
Ngay sau khi có thiên tai xảy ra, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Lai Châu đã xuống hiện trường chỉ đạo ban chỉ huy PCTT các huyện khẩn trương khắc phục các thiệt hại do mưa lũ gây ra theo phương châm “4 tại chỗ”.
Tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có người chết, bị thương và mất tích. Huy động mọi lực lượng tìm kiếm người mất tích. Kiểm tra, rà soát, di dời khẩn cấp đối với các hộ có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét. Theo dõi sát tình hình diễn biến thời tiết, sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó khi xảy ra thiên tai.
Huy động lực lượng khắc phục các tuyến giao thông; chỉ đạo UBND các xã, thị trấn khẩn trương huy động Nhân dân tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục các tuyến giao thông nội bản; hướng dẫn Nhân dân khơi thông những khu vực ngập úng cục bộ; tuyên truyền, vận động các hộ dân trong vùng thiên tai đến nơi an toàn; phân công cán bộ theo dõi xuống địa bàn các xã xảy ra thiên tai kiểm tra cụ thể, thống kê tổng hợp tình hình thiệt hại, báo cáo kịp thời.
Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo, huy động các lực lượng phương tiện sẵn có và huy động nhân dân, các đơn vị liên quan trên địa bàn khẩn trương hót dọn khối lượng đất đá sụt sạt đảm bảo giao thông đi lại.