Tủ bánh mì 0 đồng:
Xuất phát từ ý tưởng thiện nguyện của vợ chồng anh Định chị Cúc, tủ “bánh mì 0 đồng” đã được đặt trước cửa hàng gia đình trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh), mỗi ngày phục vụ từ 150 - 200 ổ bánh mì dành cho tất cả những ai có nhu cầu. Ổ bánh mì được chủ nhân đặt hàng loại đặc ruột giúp người ăn được no bụng, dù phải trả gấp đôi giá so với loại bánh mì rỗng ruột rẻ tiền.
Dù chỉ mới thực hiện vài ngày gần đây, thế nhưng câu chuyện trên đã lan toả đến nhiều người. Hành động đẹp của gia đình anh Định chị Cúc đã giúp hình ảnh thành phố năng động nhất Việt Nam thêm đẹp trong mắt bạn bè cả nước.
Hớt tóc miễn phí:
Chàng trai “cắt tóc tri ân” Việt kiều Lê Tuấn (hay còn gọi là Tuấn Sky) sinh năm 1985, quê ở Quy Nhơn. Anh hiện đang sống tại bang Missouri (Mỹ). Trong một lần về Việt Nam cách đây 3 năm, anh từng thực hiện một chuyến “cắt tóc dạo” từ các tỉnh miền Tây đến Vũng Tàu.
Lần này trở về Việt Nam, anh quyết định dùng 2 ngày trong kỳ nghỉ 5 tuần để “cắt tóc tri ân” miễn phí dành cho tất cả mọi người. Địa điểm anh chàng gốc Quy Nhơn lựa chọn để “hành nghề” là vỉa hè đường Alexandre De Rhodes. Người này giới thiệu người kia, tiệm cắt tóc “dã chiến” của Tuấn Sky nhận được sự ủng hộ đông đảo, lúc nào cũng có khách kiên nhẫn chờ đến lượt.
“Con hẻm từ thiện”:
Gọi vui như thế bởi vì tại hẻm 96 đường Phan Đình Phùng, phường 2 (Q.Phú Nhuận), nhiều dịch vụ miễn phí được người dân nơi đây san sẻ với những ai có hoàn cảnh kém may mắn hơn, từ thùng nước 24/24 giờ, bơm vá xe, tủ thuốc cá nhân xe ôm… Thậm chí, cả dịch vụ mai táng cũng được bà con cố gắng hỗ trợ không lấy tiền mỗi khi có trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Người dân tại con hẻm 96 này đa phần là dân lao động, thế nhưng tấm lòng “nhường cơm sẻ áo”, “lá lành đùm lá rách” lại được bà con tích cực thực hiện, không hề câu nệ, quản ngại khó khăn.
Tiệm sách Phật học miễn phí:
Tiệm sách nhỏ, chỉ vỏn vẹn 3m2 nhưng đâu đâu cũng thấy sách. Tại đó, ông chủ Nguyễn Ngọc Cần (quê Long An) vẫn ngày ngày tiếp đón lượng khách đông nghịt ra ra vào vào.
Với hơn 80% lượng sách Phật Pháp, số còn lại là sách kỹ năng sống, làm người, ông Nguyễn Ngọc Cần thường cho đọc và mượn miễn phí, không cần giấy tờ biên nhận và cả “tiền thế chân”. Đưa thắc mắc ra hỏi thì ông thường bảo “Không sao, vô thường mà. Nhất là số sách này tôi đã chọn lọc kỹ, nếu có lỡ mất thì cũng truyền tay được nhiều người khác, tôi chỉ mong có nhiều người đọc càng tốt”.
Kết
Sài Gòn vẫn còn rất nhiều những câu chuyện bình dị như thế nơi góc đường, hè phố, trong khuôn viên bệnh viện, hay dưới mái nhà nho nhỏ nơi cuối hẻm… dù cuộc sống ngày nay đã và đang hối hả hơn xưa rất nhiều. Mỗi người một tay, mỗi hoàn cảnh khó khăn được sẻ chia tuy ít hay nhiều cũng rất đáng trân trọng và để biết rằng, Sài Gòn không lạnh lùng, dửng dưng và vô tình mà vô cùng ấm áp, giàu tình người.