Cậu học trò lớp 11 để lại lời xin lỗi và nhận trách nhiệm sau khi làm vỡ gương ô tô.
Cậu học trò lớp 11 sau khi vô tình làm vỡ chiếc gương ô tô đã để lại lời xin lỗi và thẳng thắn nhận trách nhiệm đền bù. Câu chuyện tưởng chừng như rất đỗi bình thường đã trở thành một trong những chủ đề hot của cộng đồng mạng.
Cậu bé tên Nguyễn Thế Tùng - học sinh lớp 11 trường THPT Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân, TP Hải Phòng. Trưa ngày 11/11, trên đường đi học về, Tùng vô tình va vào một chiếc ô tô bên đường khiến gương xe bị vỡ. Do đang vội về nhà, cậu bé đã nhanh trí lấy giấy bút trong cặp để lại lời xin lỗi cho chủ xe đồng thời nhận trách nhiệm đền bù.
“Do vô tình nên cháu đâm vào gương ô tô. Cháu xin lỗi ạ! Liên lạc với cháu theo số điện thoại để cháu đền ạ. (Do cháu không biết chủ ô tô là ai)”
Việc làm tử tế của Tùng được nhiều người tỏ lời khen ngợi. Bởi trong hoàn cảnh đó, cậu bé hoặc bất kỳ ai đó đều có thể lẳng lặng bỏ đi mà không cần phải chịu trách nhiệm vì việc làm vô tình đó không có ai chứng kiến. Thế nhưng, cách cư xử của câu bé học sinh lớp 11 đã khiến nhiều người cảm thấy hổ thẹn.
“Khi đó, em không thấy chủ của chiếc xe ô tô đâu nên đã viết nội dung kèm số điện thoại ra giấy để khi chủ xe ra sẽ liên lạc với em và đền tiền. Đến chiều cùng ngày, một người đàn ông có gọi điện lại cho em nói là chủ xe và hỏi có phải em làm vỡ gương không. Em đã trả lời là có phải và có xin lỗi. Sau đó chủ xe nói không bắt đền em.”
Giá trị của một chiếc gương ô tô lên đến hàng triệu đồng. Nhưng đáp trả lại tấm lòng trung thực này là một sự bao dung hiếm thấy. Người chủ xe không những không bắt cầu bé đền tiền mà còn ngợi khen và cảm thấy tự hào.
Hai hành động tử tế nói lên cả nhân cách con người. Chuyện tưởng như bình thường lại trở thành một điều đáng tuyên dương. Có lẽ do cuộc sống thời nay hỗn độn quá, khiến những điều tốt đẹp ngày càng lu mờ đi. Việc làm đẹp như của câu bé và chủ xe ô tô trong câu chuyện trên giúp để giúp lan tỏa những giá trị đẹp.
Những ổ bánh mì, trà đá, tủ thuốc miễn phí rẻ tiền chứa đựng lòng tốt đắt giá.
Giữa thành phố phồn hoa đô hội, cọn người lúc nào cũng tấp nập, chạy đua với cuộc sống mưu sinh, đâu đó xuất hiện hình ảnh của những bình trà đá, bánh mì, tủ thuốc… miễn phí dành cho người có hoàn cảnh khó khăn. Món quà của người Sài Gòn tuy rẻ về giá trị vật chất nhưng lại đắt về giá trị tình người.
Dạo quanh trên đường phố Sài Gòn, đừng quá bất ngờ khi nhìn thấy những thứ miễn phí trên đường phố. Từ lâu, người Sài Gòn hào sảng đã tìm cách giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn bằng cách đặt những thùng trà miễn phí, tủ thuốc miễn phí…
Sau sự xuất hiện của nước, thuốc miễn phí là… bánh mì. Ý tưởng đặt thùng bánh mì từ thiện này là của một cụ bà tên Lan, năm nay đã ngoài 50 tuổi. Với dòng chữ “|Từ thiện - miễn phí - mỗi người một ổ”, thùng bánh mì miễn phí nằm trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh, TP HCM) khiến nhiều người ngợi khen về tấm lòng tốt của người đã làm điều này.
Tủ bánh mì nhỏ bé trên vỉa hè phố phường Sài Gòn tấp nập. Ban đầu người đi đường vẫn còn e dè. Nhưng dần dần, những cô thu mua ve chai, những cậu bé bán vé số, bác chạy xe ôm… quen thuộc dần với sự xuất hiện của bữa ăn miễn phí này. Mỗi ngày từ 150 ổ đến 200 ổ bánh, mỗi chiếc bánh giá trị chỉ 3 nghìn đồng nhưng đó là cả tấm lòng hào sảng, tốt đẹp của người Sài Gòn dành cho nhau.
Lớp học 0 đồng giữa biển cả bao la của thầy giáo bị ung thư máu
Lớp học là một căn nhà nhỏ, lợp mái proximang, vách bằng tôn, nằm trên đỉnh một hòn đảo, xung quanh là biển cả bao la nhìn mãi không thấy bờ.
Cách cực nam của Tổ quốc chừng 35km, đảo Hòn Chuối là nơi có một thầy giáo mỗi ngày đều tận tụy dạy cho lũ trẻ nghèo nơi đây cái chữ. Lớp học đơn sơ với vài quyển sách giáo khoa nhàu nát đặt trên những chiếc bàn cũ kỹ, một thầy giáo đang bị ung thư máu và lũ trẻ nghèo ở đủ các độ tuổi ngây ngô không có nổi một đồng học phí.
Thầy giáo - Thượng úy Trần Bình Phục, sinh năm 1972, hiện đang công tác tại Đồn biên phòng Hòn Chuối thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau và “lớp học 0 đồng” của những đứa trẻ nghèo trên đảo.
“Ai đến đây cũng đều ngạc nhiên vì trong lớp mà có nhiều em ở độ tuổi khác nhau. Sở dĩ như vậy là do con em của người dân sống trên đảo ít, lại không cùng độ tuổi; lớp học cũng chỉ có duy nhất một phòng học nên việc dạy dỗ các em ở đây không thể phân theo độ tuổi, cấp học mà phải tập trung thành một lớp. Lớp học do tôi trực tiếp phụ trách giảng dạy. Tôi chia độ tuổi trong lớp ngồi theo các hướng khác nhau là để các em có thê tiếp thu được bài học tốt nhất.”
Năm 2008, thầy Phục phát hiện mình bị mắc căn bệnh ung thư máu quái ác. Suốt một năm trời anh chống chọi với bệnh tật. Khi mọi thứ đã trở nên khá hơn anh cảm thấy mình muốn xa rời cuộc sống xô bồ thành thị nên đã viết đơn xin ra đảo Hòn Chuối công tác. Nơi đảo xa không điện, đường, thậm chí là nước sạch, anh đã gắn bó với nơi đây, với lũ trẻ nghèo, mang đến cho các em cái chữ với hy vọng tương lai tươi sáng hơn sẽ chờ đợi các em.
“Con người ta khổ nhất không phải là đói ăn, đói mặc mà là đói tri thức. Bọn trẻ ở đây chúng đói tất cả. Vì thế nhìn chúng tôi thật sự xót xa.”
Suốt 7 năm tận tụy bên lũ trẻ, thầy Phục chẳng nhận về mình một đồng học phí. Thế nhưng anh vẫn làm dù căn bệnh quái ác vẫn đang tàn phá anh từ bên trong mỗi ngày. Có lẽ với người thầy có trái tim rộng lớn như biển cả ấy món quà lớn nhất anh nhận lại được là nhìn thấy lũ trẻ trưởng thành mỗi ngày.
Yêu thương cho đi là nhận lại! Chẳng cần là những việc làm to tát thay đổi cả thế giới. Chỉ cần như vậy thôi, một lời xin lỗi, một sự giúp đỡ… cũng đã đủ khiến bao con tim thổn thức xúc động!