Một người có thể bị đánh đập ngay lúc họ vừa bị bắt xong, trên đường di chuyển và thậm chí chưa đặt chân đến nơi giam giữ. Tiếp sau đó là buổi “tiệc ra mắt” tại trại giam; ở đây, những toán lính canh dùng gậy và vòi nước tra tấn các tù nhân được cho là chống đối chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, CNN ngày 18/8 dẫn lại báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế (HRW). Sau những bữa tiệc ra mắt là quy trình “kiểm tra an ninh”, khi những người phụ nữ bị lính canh cưỡng hiếp hoặc xâm hại tình dục.
Theo bản báo cáo công bố ngày 16/8 mang tên It breaks the human’: Torture, disease and death in Syria’s prisons (tạm dịch: “Nhân loại vỡ nát: Tra tấn, dịch bệnh và chết chóc trong những nhà tù Syria”) của HRW, 17.723 đã chết trong quá trình bị bắt giữ từ khi cuộc xung đột ở Syria bắt đầu tháng 3/2011, trung bình có khoảng 300 người thiệt mạng mỗi tháng.
HRW miêu tả bản báo cáo của họ là công trình ghi chép lại tội ác chống lại loài người của các lực lượng chính phủ Syria và tìm hiểu những trải nghiệm của người bị giam trong nhà tù Syria thông qua lời kể của 65 người sống sót, gồm 54 đàn ông và 11 phụ nữ. Trừ 7 người nói rằng họ có tham gia hoặc liên quan đến các nhóm quân sự, 58 người còn lại là bác sĩ, giáo viên, thợ điện, nhà báo… và không ai có liên hệ gì với các hoạt động quân sự.
Những người này thường bị bắt bởi 4 nhánh chính của lực lượng an ninh chính phủ Syria: lực lượng Tình báo Không lực, Tình báo quân sự, Tình báo Chính trị và Tình báo Chung.
“Bố tôi nhìn thấy tôi bị xâm hại”
Phần lớn những người sống sót kể họ từng bị cưỡng hiếp hoặc xâm hại tình dục. Một người đàn ông kể về lần anh ta bị trùm kín mặt, còng tay và treo lên trần nhà. Sau đó anh ta bị ép quan hệ với một lính canh.
“Sau đó một tên lính canh bảo tháo vải trùm đầu cho tôi, và tôi thấy bố mình ở đó. Ông đã chứng kiến toàn bộ sự việc”, người đàn ông kể lại.
Đôi khi những màn tra tấn là để nghi phạm nhận tội, cung cấp thêm thông tin, nhưng đôi khi chỉ là sự trừng phạt.
Một số tù nhân bị rút móng chân, móng tay, những người khác kể họ bị làm phỏng bằng nước sôi và thuốc lá.
Các biện pháp tra tấn thường thấy còn có dulab (tiếng Arab, nghĩa là lốp xe), tức là việc cho gập người của tù nhân vào trong một bánh xe, hoặc falaqa- đánh vào giữa bàn chân nạn nhân. Một người phụ nữ bị tra tấn bằng hình thức falaqa kể rằng cô đã phải nằm trên sàn để tắm sau đó vì không thể đứng nổi nữa.
Phương pháp sốc điện cũng xuất hiện trong nhiều lời kể của các nạn nhân. Có lúc họ bị đưa điện vào qua dòng nước, cũng có lúc dây điện được gắn trực tiếp lên thân thể.
“Hãy tưởng tượng anh bị giật điện, nhưng tệ hơn thế 10 lần, và kéo dài 30 giây”, một người đàn ông kể lại.
Khi vào đến nhà giam, một số tù nhân được biết rằng họ vào đây qua lời “thú tội” của những người khác đã trải qua tra tấn. Một người đàn ông phát hiện rằng chính một người bạn đã tố cáo anh ta và gia đình.
“Lúc đầu tôi rất bực bội, nhưng khi tôi hiểu được những gì anh ta đã trải qua, tôi tha thứ cho anh ta”, người này kể lại.
Những căn phòng chết chóc
Tù nhân cũng phải sống trong những hoàn cảnh khốn cùng: những phòng giam 3x3m cho khoảng 28 đến 50 người, sự thiếu thốn thực phẩm, thuốc men, điều kiện vệ sinh. Các tù nhân phải thay phiên nhau đi ngủ. Chưa kể những ngày tháng bị giam cầm thường được nới dài thêm.
Những người không chịu nổi điều kiện sống đó thường chết trước.
“Sau đó những người lính canh sẽ đến, yêu cầu những người còn lại xác nhận rằng họ đã làm đầy đủ công tác sơ cứu ngay khi nạn nhân bắt đầu chảy máu để có thể ghi lại trong báo cáo rằng họ đã cố hết sức cứu sống nạn nhân”, một nhân chứng kể về cái chết vì thiếu thuốc men của một người bạn tù.
“Chúng tôi phải dọn hết máu trong phòng giam. Một người bạn tôi sau đó kể rằng cha mẹ nạn nhân bị ép ký một chứng nhận rằng anh ta bị bọn khủng bố bắn chết trên đường trở về nhà sau khi được phóng thích”, nhân chứng kể tiếp.
Phần lớn những người sống sót mang di chứng về thể chất và tinh thần.
HRW kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Nga và Mỹ, những nước chủ trì các cuộc đàm phán về hòa bình cho Syria, đưa vấn đề này lên đầu chương trình nghị sự các cuộc đàm phán với cả chính phủ Syria và các nhóm vũ trang đối lập, yêu cầu họ chấm dứt những cuộc tra tấn này, theo lời ông Philip Luther, Giám đốc Chương trình Trung Đông và Bắc Phi của HRW.
Cuộc xung đột diễn ra từ năm 2011 đến nay giữa chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và các nhóm vũ trang đối lập. Hơn 250.000 người đã thiệt mạng trong khi 11 triệu người bị mất nhà cửa. Cuộc xung đột Syria cũng góp phần làm lớn mạnh tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS), hiện vẫn đang chiếm giữ nhiều phần lãnh thổ ở Syria và Iraq.