Chiều 6/6, trả lời VnExpress về việc Liên minh châu Á vì động vật (AFA) kêu gọi cấm xiếc thú ở Việt Nam, ông Tống Toàn Thắng - Phó giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam khẳng định sẽ chuyển đổi xiếc thú hoang dã sang vật nuôi.
- AFA vừa gửi thư đến Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện kêu gọi cấm xiếc thú ở Việt Nam. Quan điểm của ông ra sao?
- Chúng tôi nhận thấy kêu gọi của AFA là xu hướng tích cực để bảo tồn động vật hoang dã được tốt hơn. Nhưng qua hơn 60 năm phát triển, xiếc thú là biểu tượng không thể thiếu của Liên đoàn xiếc Việt Nam. Xiếc thú đã phục vụ biết bao thế hệ khán giả từ em nhỏ đến cụ già.
Tại Liên đoàn xiếc Việt Nam, các con thú đang được sử dụng đều hưởng chế độ tốt nhất về cơ sở hạ tầng, ăn uống, sức khoẻ… Nhà chức trách đảm bảo các quyền mà con thú được chăm sóc để khi lên sân khấu đều có thể trạng tốt nhất.
Đến một thời điểm nào đó, đơn vị sẽ thực hiện đúng như khuyến cáo của AFA và toàn bộ vật nuôi sẽ biểu diễn trên sân khấu thay thế động vật hoang dã.
- Làm việc với Liên đoàn, ông David Neale, giám đốc Tổ chức động vật Châu Á (một thành viên của AFA) đánh giá tích cực về cơ sở hạ tầng và chăm sóc thú. Nhưng ông cũng băn khoăn các con thú có được chăm lo tinh thần hay không, chúng có muốn làm xiếc không. Ông trả lời sao?
- Tôi trả lời rằng nghệ sĩ coi thú là bạn diễn, sống gần gũi với chúng hàng ngày để hiểu “tâm tư tình cảm” của chúng. Khi đã yêu thương thì không thể làm thú tổn thương. Phương pháp huấn luyện cũng thay đổi, bằng cách nghiên cứu tâm lý và thể trạng thú thay vì áp đặt. Vậy nên chúng tự nguyện bắt chước theo con người chứ không hoảng sợ.
- Ông nghĩ sao về cáo buộc của AFA rằng Liên đoàn xiếc Việt Nam lạm dụng và bạo hành động vật khi tập luyện?
- Có thể khi thu thập tài liệu, AFA thấy được những cảnh đó ở các đoàn xiếc tư nhân với điều kiện vật chất, cơ sở thiếu thốn, không đủ nuôi dưỡng, thuần hoá thú. Tôi từng chứng kiến có đoàn xiếc buộc khỉ trên xe diễu đi khắp nơi giữa trời nắng. Đó là sự phản cảm, làm tổn thương người yêu động vật. Tôi cũng chạnh lòng.
Những hình ảnh đó dễ bị hiểu lầm là của Liên đoàn xiếc Việt Nam, bởi nhiều đơn vị mạo danh. Các địa phương quản lý lỏng lẻo khiến xiếc thú ở Việt Nam mang tính tự phát với nhiều hình ảnh phản cảm. Điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình thu thập thông tin của AFA.
Còn đơn vị huấn luyện theo cách “khen thưởng” cho thú. Nếu một chú khỉ làm tốt thì sẽ được thưởng những chiếc kẹo mà chúng thích. Nhiều khi chúng tôi phải buộc dây chỉ để kiểm soát không cho chúng chạy lung tung theo bản năng chứ không phải để lôi đi tập luyện.
Nhiều cáo buộc của AFA với Liên đoàn xiếc Việt Nam như điều kiện sống của thú nghèo nàn, tồi tàn, chế độ huấn luyện ngược đãi động vật, các con vật sợ hãi… đã quá trầm trọng vấn đề.
Ông David Neale cũng khẳng định với tôi không nhiều nơi có thể đầu tư điều kiện tốt như tại Liên đoàn xiếc Việt Nam. Chúng tôi tuân thủ đúng pháp luật, thú hoang dã ở đây đều có hồ sơ nguồn gốc rõ ràng, có kiểm dịch hoặc gắn chip theo dõi.
- Sau lời kêu gọi của AFA, Liên đoàn xiếc Việt Nam có điều chỉnh gì với xiếc thú?
- Liên đoàn hiện còn rất ít thú hoang dã, chỉ 1 voi, 6 gấu và mấy đàn khỉ… Mấy năm nay, chúng tôi đã đưa nhiều vật nuôi vào thuần hoá và biểu diễn để thay thế động vật hoang dã. Cách đây hai năm Liên đoàn đã đưa lên sâu khấu xiếc nhiều vật nuôi như mèo, lợn, dê, gà…
Thời gian tới, Liên đoàn sẽ tiếp tục chuyển đổi hoặc thay thế các con vật thật bằng các bộ quần áo giả thú do người biểu diễn.
Nhưng Liên đoàn không thể dừng biểu diễn xiếc thú hoang dã ngay lập tức mà cần có lộ trình dần dần để khán giả thay đổi cảm nhận và chia sẻ. Bởi văn hoá thưởng thức xiếc thú đã gắn liền với nhiều thế hệ. Các tiết mục xiếc voi, xiếc gấu, xiếc khỉ… bây giờ vẫn được khán giả rất mong đợi. Để tiến tới bỏ xiếc thú cần giáo dục đồng thời từ phía khán giả.
- Việc bỏ xiếc thú hoang dã sẽ tác động ra sao đến ngành xiếc và các nghệ sĩ?
- AFA chỉ kêu gọi bỏ xiếc thú dùng động vật hoang dã. Nhiều đoàn xiếc trên thế giới vẫn dùng vật nuôi.
Các nghệ sĩ huấn luyện biểu diễn xiếc thú hoang dã là những người có tình yêu động vật. Nên khi chuyển từ huấn luyện động vật hoang dã sang vật nuôi cũng không quá khó khăn.
Huấn luyện các con vật quen thuộc thường ngày như trâu, bò, dê, mèo, vịt, ngan, ngỗng… làm được những điều tưởng như không thể trên sân khấu là thành công.