Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Lịch sử Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam

Sau 92 năm hình thành và phát triển qua nhiều thăng trầm, nền báo chí Việt Nam đã có nhiều bước tiến vững chắc, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống người dân.

Chặng đường phát triển của Ngày báo chí cách mạng Việt Nam

Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam - tiền thân là Ngày Báo chí Việt Nam 21/6, ngày kỉ niệm ra đời của báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập vào ngày 21/6/1925. Đây là tờ báo khởi nguồn của dòng báo chí cách mạng Việt Nam, góp phần quan trọng trong việc nâng cao tư tưởng truyền thống của dân tộc Việt Nam. Thanh niên là tờ báo đầu tiên nêu rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Vì mục đích cao đẹp đó, kể từ năm 1985, ngày 21/6 hàng năm đã chính thức được chọn làm Ngày báo chí Việt Nam để tôn vinh những cống hiến của báo chí với đất nước và thắt chặt thêm mối quan hệ tốt đẹp giữa lãnh đạo và những người làm báo.

Ngày 21/6/2000, theo đề nghị của Hội nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức đồng ý gọi ngày này là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Sự phát triển theo năm tháng của báo chí Việt 

Từ những năm 60 của thế kỷ 19, một số tờ báo đã bắt đầu hoạt động ở Sài Gòn, Hà Nội và một vài địa phương khác. Đến thế kỉ 20, ngành báo chí bắt đầu phát triển rộng rãi với sự tham gia của nhiều nhà văn, nhà báo, các tri thức từ khắp mọi miền đất nước.

Một số gương mặt nổi tiếng trong thuở sơ khai của báo chí Việt Nam có thể kể đến như: Trương Vĩnh Ký, Sương Nguyệt Ánh, Huỳnh Thúc Kháng, Hoàng Tích Chu, Lương Khắc Ninh, Vũ Bằng,…

Những ngày đầu ngành báo chí ở Việt Nam được hình thành, người làm báo gặp khá nhiều khó khăn vì thiếu thốn đủ thứ. Để ra đời một bài báo hoàn chỉnh, mọi công đoạn đều được xử lý thủ công, tin bài được viết tay và để có được một bài báo đến với độc giả, phải qua nhiều lần chỉnh sửa, nhiều bản thảo. Thêm nữa, sự phát triển của ngành báo chí lúc bấy giờ còn bị hạn chế bởi nạn mù chữ. Độc giả chủ yếu lúc đó là người thành thị, không có quá nhiều người ở nông thôn biết đọc.

Cho đến tận những năm 90, công cụ chính của nhà báo vẫn là bút viết và giấy, thời điểm ấy máy tính là một vật dụng đắt đỏ và không có nhiều nơi đủ điều kiện để cung cấp máy móc đầy đủ cho cánh phóng viên.

Khó khăn trong việc viết tin bài đã đành, điều kiện di chuyển, những chuyến công tác xa của giới nhà báo Việt Nam những ngày sơ khai cũng vô cùng vất vả. Lúc ấy xe máy là thứ xa xỉ, nên hầu như ai cũng chỉ sở hữu được xe đạp, đi làm tin trong nội thành đã muôn vàn cực khổ, nhiều nhà báo còn dấn thân xông đến nhiều tỉnh xa, nơi thâm sơn cùng cốc để có được cho mình một bài báo chất lượng.

Thay vì tra tìm thông tin từ Internet, báo chí nước ngoài như cánh phóng viên hiện đại, giới làm báo ngày xưa chỉ có một vật dụng duy nhất để kết nối với thế giới đó là Đài bán dẫn (Radio).

Về quy trình, nghề làm báo xưa & nay đã có nhiều thay đổi đáng kể, tuy nhiên tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề và niềm đam mê được cung cấp những thông tin mới nhất, nhanh nhất đến độc giả của người phóng viên xưa & nay vẫn luôn vẹn nguyên. Những người làm báo hiện đại luôn cố gắng cập nhật cho mình những gì hay ho, tân tiến nhất để không ngừng góp phần phát triển ngành báo chí Việt Nam. Chính họ cũng là những người đã mang lại nhiều giá trị chân thiện mỹ cho đời sống người dân qua các bài viết có chất lượng.

Báo chí được gọi là Người bạn đường của mọi nhà cũng vì lẽ đơn giản, đó là nguồn thông tin thực tiễn có giá trị nhất về mọi mặt. Dù ở hình thức nào, báo giấy hay báo điện tử thì đây vẫn luôn là điều không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của người dân. Sự đóng góp của báo chí, của những người làm báo trong công cuộc phát triển xã hội tuy thầm lặng nhưng là nguồn sức mạnh đáng kể của một đất nước đang phát triển.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Tuệ

Được quan tâm

Tin mới nhất
Tín hiệu vui của Hoài Linh
Ngọc Trinh đã trưởng thành?