Lì xì đầu năm - nét văn hóa đẹp đẽ dịp Tết Nguyên đán của người Việt
Lì xì đầu năm mới là nét văn hóa đặc sắc trong dịp Tết Nguyên đán. Mặc dù hiện nay, cách đón Tết của người Việt đã có ít nhiều thay đổi so với ngày xưa, song tục lệ lì xì đầu năm mới vẫn luôn được gìn giữ đến hiện tại.
Tục lì xì bắt nguồn từ Trung Quốc xưa. Theo tiếng Trung, lì xì là phiên âm của cụm từ "lợi thị". Có nghĩa là được tiền, được lợi và may mắn. Tặng lì xì đầu năm cũng chính là tặng khoản tiền có ý nghĩa mang lại may mắn cho, điều tốt đẹp cho trẻ trong dịp năm mới.
Về cơ bản, ý nghĩa của lì xì ngày Tết là cầu chúc sức khỏe, may mắn và tài lộc, không quan trọng số tiền mừng mà quan trọng ở thiện chí, cũng như ý nghĩa tốt đẹp của hành động. Theo đó, cả người tặng và người nhận phong bao lì xì đều đón nhận những điều tốt đẹp trong năm mới.
Tương tự như vậy, lì xì Tết cũng là tục lệ không thể thiếu trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Theo đó, vào khoảnh khắc giao thừa hoặc mùng 1, các gia đình người Việt tụ họp đông đủ. Đây cũng là dịp con cháu trong nhà chúc Tết ông bà, cha mẹ và nhận lì xì mừng tuổi. Phong bao lì xì màu đỏ tượng trưng cho may mắn, sức khỏe và thành công mà người lớn gửi gắm đến lớp trẻ.
Tranh cãi chuyện giá trị ít - nhiều của những phong bao đỏ ngày Tết
Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, câu chuyện lì xì ngày Tết lại gây nhiều tranh cãi vì giá trị bên trong chiếc phong bao đỏ. Thậm chí nhiều người bày tỏ "nỗi sợ" và xem lì xì Tết là một "món nợ" hơn là ý nghĩa vốn tốt đẹp của nó.
Lại có ý kiến cho rằng chỉ vì số tiền lì xì mà ngày Xuân rất nhiều người không dám đi thăm bạn bè. Những cãi vã, giận hờn, tự ái do tiền lì xì gây ra. Chả thiếu trường hợp vợ đay nghiến chồng, con nhăn nhó cha, bà bĩu môi cháu do tiền lì xì đem lại. Tóm lại, tiền lì xì khiến lòng người nặng trĩu.
Có quan điểm muốn bỏ tục lì xì đầu năm cho rằng một cái Tết không có lì xì sẽ khiến nhiều người lớn bớt nỗi lo, giảm "cái nợ". Tuy nhiên, xuất hiện ý kiến này sau khi xuất hiện trên mạng xã hội đã nổ ra nhiều luồng tranh cãi trái chiều.
Có người đồng quan điểm cho rằng lì xì chỉ khiến lòng người nặng trĩu khi người ta gán vào đó những cơ hội, những thước đo, đánh giá nhiều ít, làm mất đi bản chất thực sự của nó.
Trẻ con ngày nay thẳng tay xé đôi lì xì trước mặt người lớn để xem bên trong có bao nhiêu tiền. Sau đó bày tỏ nét mặt thất vọng, nói "chỉ có 20 nghìn" mặc người lớn đứng bên cạnh chỉ biết nở nụ cười gượng gạo.
Bên cạnh những người không thích lì xì vẫn có ý kiến muốn giữ lại phong tục truyền thống này. Không thể phủ nhận những áp lực vô hình đối với nhiều người trong cái Tết hiện đại. Song, vẫn nên giữ gìn bản chất và ý nghĩa tốt đẹp của nó bởi đó cũng là cách giữ gìn hóa hóa Tết cổ truyền.
Cái quan trọng là chúng ta đặt nặng vấn đề ở đâu, giá trị vật chất hay giá trị tinh thần? Bản chất của lì xì là một nét văn hóa đẹp, là chút lộc may mắn đầu năm cùng với câu chúc an khang. Vậy cớ gì cứ phải đặt nặng giá trị tiền bạc lên ý nghĩa tốt đẹp trước đó của nó.
Hãy để việc lì xì được trong sáng, tự nhiên, đúng như ý nghĩa ban đầu của nó là mang niềm vui, chút lộc may đến tất cả mọi người vào ngày đầu năm mới.
Dù mệnh giá bao lì xì là bao nhiêu thì phong bao lì xì vẫn luôn giữ vững ý nghĩa vốn có của nó chính là mong muốn người nhận gặp thật nhiều may mắn và dồi dào sức khỏe trong năm mới.