70 năm qua, cho dù mưa gió hay tuyết rơi, những người người dân ở thành phố cảng Sasebo, cách Nagasaki khoảng 50km về phía Bắc, đều biết rằng họ luôn có thể tìm được một bữa tối ngon lành nóng hổi tại quán ăn nhỏ của bà Misako, cùng với một người luôn sẵn sàng kiên nhẫn lắng nghe và chia sẻ những tâm tư, khó khăn mà họ gặp phải.
Thành phố Sasebo ban đầu được xây dựng để trở thành một căn cứ hải quân của Nhật, sau đó một căn cứ của quân đội Mỹ cũng được xây tại đó. Ngày này, tuy rằng không còn nhiều dấu tích của quân đội nhưng khu vực này cũng rất hiếm khi có khách du lịch tới thăm.
Quán ăn đêm của bà Misako Mizoguchi nằm trên một con phố nhỏ cách không xa đường lớn. Mỗi ngày bà đều mở hàng vào lúc 9 giờ tối, khi tất cả các hàng quán trong khu vực đều bắt đầu đóng cửa. Thực khách đến với quán của bà Misako với rất nhiều lí do, phần lớn khách hàng của quán là những người làm việc về đêm, cũng có người tìm đến quán chỉ vì muốn có người nói chuyện, tâm sự…
Bước vào quán, cảm giác đầu tiên của tất cả mọi thực khách có lẽ là sự ấm áp. Từ hình ảnh những món ăn bốc khói nghi ngút, nóng hổi và thơm ngon, cho đến sự tận tâm, tất bật và chu đáo của bà chủ quán khiến cho những tâm hồn mệt mỏi đều cảm thấy như được trở về một nơi chốn quen thuộc và thân tình. Chính vì vậy, quán ăn nhỏ của bà còn được gọi bằng một cái tên trìu mến: ốc đảo về đêm.
Chỉ có một mình vừa phục vụ, nấu ăn nên lúc nào bà Misako cũng trong tình trạng làm không ngơi tay. Một lúc người ta thấy bà cẩn thận nắm cơm nắm trắng cùng đậu xanh - món ăn được yêu thích nhất của quán, trong chốc lát lại thấy bà rán món trứng nóng sốt cho một vị khách vừa bước vào từ màn đêm giá lạnh bên ngoài…
Đối với bà, sức khỏe của mọi người là quan trọng nhất, đặc biệt là hầu hết thực khách đến quán đều là những người lao động rất cực khổ, vì thế bà Misako luôn tự tay chuẩn bị đồ ăn trong quán, lựa chọn các nguyên liệu tươi ngon nhất và luôn sử dụng nhiều rau củ trong các món ăn. Ban đêm hay trong thời tiết giá lạnh, chút đồ nóng sẽ khiến người ta cảm thấy ấm áp và dễ chịu hơn, nên lúc nào bà cũng làm trực tiếp hoặc hâm nóng, phục vụ cho khách những món ngon nóng sốt nhất.
Bà Misako cho biết, quán ăn được mở cửa từ năm 1947, sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc. Khi ấy nhiều người ở Sasebo phải làm việc ngày đêm để dựng lại đống đổ nát từ những cuộc ném bom. Vì vậy, bà Misako đã mở quán ăn để phục vụ cho những người lao động đó.
“Lúc đầu tôi nghĩ mình chỉ bán một chút bánh gạo thôi. Không ngờ mọi người lại yêu thích bánh gạo của tôi đến vậy” - cụ cười móm mém nhớ lại.
Sau đó, để ủng hộ nỗ lực tái thiết sau chiến tranh của cả thành phố, bà Masako quyết định nấu thêm nhiều món ăn ngon lành, nóng hổi và luôn phục vụ khách với nụ cười ấm áp. Mặc dù đã 91 tuổi, bà vẫn tiếp tục kiên trì bán hàng với sự chân thành chưa bao giờ vơi. 70 năm qua, bà đã từ bỏ rất nhiều lời dạm hỏi, không muốn nghĩ đến hạnh phúc của bản thân chỉ vì không muốn rời xa cửa tiệm của mình.
“Từ hồi ấy cũng có vài người đàn ông hỏi lấy tôi. Và thường thì tôi từ chối họ ngay lập tức. Tôi sợ quán ăn đêm sẽ ngừng trệ nếu tôi không có mặt để quán xuyến mọi việc.”
Một trong những khách quen của quán là Masashiro Orihara, người chủ quán sushi trong khu phố. Đối với anh, mỗi lần tới “ốc đảo nhỏ” này, giống như một lần được trở về nhà nơi có mẹ. Khi còn đi học, anh sống gần cửa tiệm và Misako đã cho anh ăn, chăm sóc anh như con của mình. Anh tâm sự rằng, nhìn những nỗ lực của bà suốt bao nhiêu năm qua, cho dù trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, khiến cho anh cảm thấy có được sự khích lệ lớn lao để tiếp tục cố gắng khi quán sushi của anh lâm vào bế tắc.
“Việc đi đến quán như tiếp thêm năng lượng, giúp cho tôi để có thể làm việc thật chăm chỉ vào ngày hôm sau. Misako giống như một người mẹ luôn ở bên cạnh động viên tôi phải thật kiên trì” - anh Masashiro cho biết.
Những phụ nữ đến quán cũng với rất nhiều lí do nhưng họ đều xem bà Misako như một người truyền cảm hứng. Một trong số đó có Maiko Hayashida, một nhân viên làm việc ở quán rượu gần đấy. Maiko tìm đến với bà Misako khi cô đang phải đối mặt với quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời: tiếp tục làm việc hay lấy chồng sinh con? Đây thực sự là một câu hỏi lớn trong đời đối với một phụ nữ Nhật, đặc biệt với những người làm nghề như Maiko.
Maiko thường so sánh bản thân với Misako như một tấm gương trong cuộc sống: “Năm nay tôi 35 tuổi, và tôi vẫn độc thân. Misako cũng độc thân, không gia đình, không con cái. Nhưng bà yêu thích công việc và gặp gỡ mọi người nơi đây. Tôi muốn được giống như bà”.
Misako cũng rất lo lắng cho Maiko, đặc biệt là việc cô phải uống rượu lúc làm việc.
Bà nói: “Maiko, con còn rất trẻ. Hãy quan tâm tới sức khoẻ của mình!”
Bà lo rằng Maiko thường xuyên dùng rượu để thoát khỏi sự bế tắc và những khó khăn đang phải đương đầu. Vì thế, lúc nào bà cũng nói với Maiko rằng:
“Con cần phải mạnh mẽ, con gái ạ! Con vẫn còn trẻ, cuộc đời còn dài lắm ở phía trước. Con nhất định phải mạnh mẽ lên, Maiko!”
“Vì sao bà phải hy sinh cuộc đời bà?” - Maiko hỏi trong nước mắt.
“Không đúng thế đâu, con gái” - Misako đáp.
“Nhưng bà luôn đặt hạnh phúc của người khác lên trên hạnh phúc chính mình” - Maiko không kiềm được cảm xúc và nước mắt tiếp tục tuôn dài trên khuôn mặt cô.
Không chỉ có Masashiro hay Maiko, các khách quen đến với “ốc đảo về đêm” của bà Misako ngoài việc để thưởng thức những bữa tối ngon lành lúc đêm muộn, họ còn muốn có cơ hội trò chuyện với bà về những khó khăn và lo lắng của cuộc sống. Lúc nào cũng vậy, bà Misako luôn là người lắng nghe thật tuyệt vời và có những lời khuyên vô cùng quí giá.
“Dù rất bận rộn nhưng quán ăn này cho tôi rất nhiều niềm vui, vì thế mà tôi không không muốn đóng cửa. Nhiều năm qua, tôi đã gặp rất nhiều người hạnh phúc và cũng có rất nhiều người bất hạnh - thường thì do công việc của họ. Khi khách hàng của tôi không vui vẻ tôi cũng cảm thấy buồn rầu. Vì thế tôi luôn cố gắng động viên, khuyến khích để làm họ phấn chấn lên.”
Cứ thế ngày qua ngày, những câu nói chân tình cùng những món ăn ngon lành nóng hổi tiếp tục đưa nhiều người đến trong vòng tay ấm áp của bà Misako. Suốt cả đêm dài tất bật không ngơi nghỉ, mãi đến khi mặt trời lên cao chót vót, bà Misako với chiếc gậy chống trên tay, chầm chậm trở về nhà, nghỉ ngơi, để đêm đến, lại tiếp tục công việc của mình - nấu ăn và chăm sóc tinh thần cho những vị khách của thành phố về đêm.