Ngày 3-3, thượng sĩ Bùi Minh Quý, Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) khu vực An Khê, Công an tỉnh Gia Lai đã hy sinh trong lúc cứu người bị nạn giữa dòng nước lũ.
Anh đã phải vĩnh viễn gác lại biết bao hoài bão, ước mơ. Còn cha mẹ anh, người tâm thần, người ốm đau, cũng đã vĩnh viễn mất đi người con độc nhất.
Nhiệm vụ cuối cùng
14h ngày 3-3, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH khu vực An Khê (Công an tỉnh Gia Lai) nhận được tin báo của người dân về một xe tải chở mía bị kẹt tại đập tràn qua Nhà máy Đường An Khê, thuộc phượng Ngô Mây, thị xã An Khê. Xe bị chết máy, tài xế kẹt trong ca bin, nước lũ càng lúc càng dâng cao, đe dọa tính mạng tài xế.
Công tác cứu hộ nhanh chóng triển khai, lãnh đạo Đội triệu tập lực lượng làm nhiệm vụ khẩn cấp. Thượng sĩ Bùi Minh Quý (25 tuổi) trẻ, khỏe và bơi giỏi nên dù không phải ngày trực vẫn xung phong đi cứu người. Tới hiện trường, anh Quý là tiểu đội trưởng chỉ huy tiểu đội cứu hộ, năm người còn lại đều là lính nghĩa vụ.
Lo ngại đồng đội thiếu kỹ năng, sau khi trang bị dây, phao cứu hộ, anh Quý một mình bơi ra giữa dòng nước lũ.
Bất ngờ, nước lũ đổ về nhanh và xiết hơn. Lúc này, anh Quý vừa bơi tới đúng vị trí chiếc xe tải thì anh bị nước cuốn đập mạnh vào xe và bị cuốn đi trong sự bất lực của những đồng đội.
Các anh em trên bờ cố hết sức kéo sợi dây cứu hộ quấn ngang người Quý nhưng anh đã bị mắc kẹt.
Một số anh em đồng đội định bơi ra cứu anh Quý nhưng lãnh đạo đội ngăn lại. Nước lũ quá mạnh, thêm một người ra là có nguy cơ thêm một người bị nạn.
Lãnh đạo Đội Cảnh sát PCCC&CNCH khu vực An Khê tức tốc liên lạc với Thủy điện An Khê- Ka Nak yêu cầu ngừng xả nước để cứu người.
Tuy nhiên, hơn 1 tiếng sau nước mới rút. Đồng đội tìm thấy Quý tại một hốc đá, ngay tại ngầm tràn. Anh bị mắc kẹt và đã hy sinh tại đó!
Ngay sau khi biết tin anh Quý hy sinh, đại tá Vũ Văn Lâu, giám đốc Công an tỉnh Gia Lai, đã ký quyết định thăng quân hàm cho anh Quý lên thiếu úy.
Lễ truy điệu đẫm nước mắt
Chiều 4-3, tại trụ sở Đội Cảnh sát PCCC&CNCH khu vực An Khê, Lễ truy điệu thiếu úy Bùi Minh Quý diễn ra đẫm nước mắt. Rất đông các lực lượng chức năng, cán bộ, nhân viên và người dân ở An Khê đã tới viếng anh để sau đó, anh sẽ được đưa về yên nghỉ tại quê mẹ ở xã Thanh Hương, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.
Mắt ướt nhòe, đỏ hoe, thiếu tá Trần Đăng Khoa, đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC-CNCH khu vực An Khê, cho biết trong công việc, anh Quý rất nhiệt tình, sẵn sàng xung phong đi làm nhiệm vụ bất cứ lúc nào, kể cả ngày không trực. Anh luôn hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao. Còn trong cuộc sống, anh sống rất tình cảm và được anh em đồng đội, mọi người yêu quý.
“Quý đang hoàn tất các thủ tục để kết nạp Đảng. Quý cũng đã có người yêu ở An Khê này, hai đứa dự định năm nay tổ chức đám cưới. Vậy mà, đều lỡ làng hết rồi!” - Thiếu tá Khoa nghẹn ngào.
Thiếu tá Khoa cũng cho biết thêm hoàn cảnh gia đình của Quý rất khó khăn. Anh là con độc nhất trong gia đình nghèo, cha bị bệnh tâm thần, mẹ lại hay ốm đau.
Nắm bắt được hoàn cảnh khó khăn của thiếu úy Bùi Minh Quý, các tổ chức, ban ngành, đoàn thể tại thị xã An Khê đang phát động hỗ trợ để tiễn đưa chiến sĩ trẻ về nơi an nghỉ cuối cùng. Đồng thời, qua đó, có nguồn kinh phí để chăm lo cho cha mẹ chiến sĩ trẻ khi không còn ai chăm sóc.
Thấy barie xe vẫn chạy qua?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về việc vì sao lại có sự bất thường khi thủy điện xả nước tạo thành lũ trong mùa khô, ông Nguyễn Hùng Vỹ, chủ tịch UBND thị xã An Khê, cho biết Thủy điện An khê - Ka Nak xả nước cạn hồ chứa để phục vụ sửa chữa kênh dẫn dòng.
Thủy điện cũng đã có thông báo gửi tới chính quyền thị xã thời gian xả nước từ 0h giờ ngày 3-3 đến ngày 22-3. Thông báo này đã gửi trước cả tháng và được UBND tỉnh Gia Lai đồng ý.
UBND thị xã An Khê cũng có thông báo, chỉ đạo đến tất cả các xã phường, cấm các phương tiện và người dân lưu thông qua hệ thống đập tràn trên sông Ba.
Tuy nhiên, ở đây đã có sự tắc trách từ nhiều phía.
Đầu tiên là sự tắc trách của thủy điện, chính quyền địa phương khi xả nước tạo thành lũ mà không có các giải pháp hiệu quả để đảm bảo an toàn cho người dân. Mặc dù đã có thông báo, có lệnh cấm nhưng vẫn để người, phương tiện qua lại các đập tràn là thiếu trách nhiệm.
“Ở đập tràn chỗ phường Ngô Mây đã có barie nhưng xe mía vẫn chạy. Chắc là do không có người canh vì barie này là của thủy điện. Nhưng mà đã thông báo hết rồi, tất cả xã phường và cả nhà máy đường nữa, thông tin là không được đi qua nữa rồi” - ông Nguyễn Hùng Vỹ nói.
Thứ hai, sự tắc trách đến từ những tài xế xe tải. Mặc dù đã có lệnh cấm, có barie chặn đường nhưng thời điểm đó, thấy nước sông còn thấp, đoàn xe tới 5 chiếc chở mía vẫn đi qua đập tràn phường Ngô Mây. Trong khi 4 chiếc xe tải kia đi qua an toàn thì chiếc xe anh Trương Quang Vinh (SN 1977, trú thôn 3, xã Nghĩa An, thị xã An Khê) lái bị kẹt lại giữa đập tràn do chết máy.
Rất may chiếc xe chở mía quá nặng nên không bị cuốn trôi. Tài xế Vinh đã an toàn xuống xe và vào bờ khi nước rút.