Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Lễ khai giảng và những trăn trở phía sau tấm bảng đen

Hôm nay, hàng triệu học sinh trên cả nước tưng bừng chào đón năm học mới. Tuy nhiên, sau những sự háo hức, hân hoan ngày tựu trường ấy, là rất nhiều những trăn trở của ngành giáo dục.

Đưa con đến trường thật sớm, hai bố con tung tăng trên con đường quen thuộc, mà hôm nay sao thấy lạ lẫm, bởi suốt dọc đường đi, là tưng bừng cờ hoa, là những bộ đồng phục trắng tinh thơm mùi vải mới, là tiếng trống trường “thùng thùng” thúc giục, là tiếng hát rộn rã cất lên từ những chiếc loa phát ra từ sân trường. Không khí thật náo nhiệt.

Những hình ảnh và âm thanh ấy gợi lại cho những bậc phụ huynh thật nhiều cảm xúc, bồi hồi vì ai cũng sẽ nhớ về thời cắp sách của mình. Những ông bố bà mẹ có con đi học ngày hôm nay, trẻ nhất cũng thuộc thế hệ 8x “đời đầu”, đa số còn lại là 7x, 6x - thế hệ “bao cấp” với cực kỳ nhiều gian khó, thiếu thốn trăm bề, nhưng vẫn đỗ đạt và thành công trong cuộc sống, thậm chí nhiều tấm gương sáng trong học tập vượt ra khỏi biên giới như Lê Bá Khánh Trình, Ngô Bảo Châu,…

Ngày xưa, học trò không vất vả như bây giờ, 3 cấp học được thực hiện đúng như lời Bác Hồ dạy: “Cấp 1 là học chữ và vui chơi đúng tuổi trẻ con. Cấp 2 là học các kỹ năng sống, xây dựng và hoàn thiện nhân cách. Cấp 3 tập trung học nghề”. Bởi thế, nhiều học sinh cấp 3 ra trường nếu không vào đại học, cao đẳng thì cũng đã đủ kiến thức để có thể kiếm sống mà không phải ăn bám vào bố mẹ. Thời bao cấp, học sinh được vui chơi nhiều. Ví dụ cấp 1, chỉ đến trường buổi sáng hoặc buổi chiều, 2/3 thời gian còn lại trong ngày là vui chơi và nghỉ ngơi. Trẻ con thành phố thì ra công viên, địa điểm công cộng; trẻ con nông thôn thì ra đồng với các trải nghiệm như bắt cua, chăn trâu bò hoặc vui chơi các trò chơi thả diều, đá bóng,…

Thời nay, học sinh hầu như chỉ có học và học. Cái này nói mãi rồi, cải cách mãi rồi, khuyên răn mãi rồi,… mà cuối cùng vẫn chỉ có học và học. Như cậu Cả nhà tôi, sáng sớm dậy ăn sáng rồi đến trường học chính quy, buổi chiều bán trú lại học tiếp. Tối về tắm rửa ăn cơm xong 8h lại ngồi vào bàn, ít nhất là 1 tiếng. Đấy là cấp Tiểu học, và chủ trương của gia đình tôi là không cho con học thêm ngoài giờ bất kỳ môn nào. Tuy nhiên, lên cấp 2 và cấp 3 có thể sẽ rất khác, dù không muốn, nhưng chắc chắn con sẽ phải học nhiều hơn. Lượng sách vở “khủng” hơn, đồng nghĩa với chiếc cặp nặng hơn, những áp lực ấy sẽ đè nặng lên vai của con hơn và thật khó để cho con có cảm giác “nhẹ nhõm” mỗi khi tới trường.

Nói về sự học thời nay, chắc không ai xa lạ gì, ngay kể cả ở nông thôn cũng bị quá tải chứ không riêng gì học sinh thành phố. Với một lượng kiến thức khổng lồ ấy, những tưởng sẽ “nhồi nhét” vào đầu lũ trẻ, khiến chúng trở nên thông minh, hiểu cao học rộng, nhưng trên thực tế, các kiến thức được nhồi nhét quá nhiều khiến chúng quá tải, vào tai này ra tai kia, “hệ điều hành” rất vất vả để tiếp nhận và xử lý lượng thông tin quá lớn hàng ngày, dẫn đến việc các con mệt mỏi, thậm chí stress và cuối cùng không đến mức “xôi hỏng bỏng không” nhưng kiến thức thực sự hữu ích còn nằm lại trong đầu không được bao nhiêu.

Lượng kiến thức thì khổng lồ, nhưng đại đa số là từ sách vở, lý thuyết. Cái mà học sinh thiếu nhất hiện nay, đó chính là kỹ năng sống, những trải nghiệm thực tế. Ví dụ học văn, bây giờ gần như là toàn dùng văn mẫu, học sinh nào viết bài cũng giống nhau và tất cả đều… giống cô. Trong khi, “văn là người”, lẽ ra mỗi một học sinh phải là một giọng văn riêng biệt, từ đó, thầy cô sẽ hiểu con người của các em hơn. Học văn rất cần trải nghiệm thực tế trong cuộc sống hàng ngày, nhưng rõ ràng, với lịch học trên lớp dày đặc như thế, các em hoàn toàn không có thời gian để tìm hiểu thiên nhiên, đời sống vạn vật xung quanh, thiệt thòi nhất là học sinh ở các đô thị.

Thế mới dẫn đến việc, nhiều em học sinh không phân biệt được con trâu - con bò, con gà - con vịt, cây lúa - cây ngô,…Những kỹ năng sinh tồn như bơi lội, cách thoái khỏi hoả hoạn, mưa bão,… chỉ được hướng dẫn trên sách vở, lý thuyết mà cực kỳ hiếm có những buổi ngoại khoá “thực nghiệm” tại hiện trường. Ngay cả các kiến thức về giới tính, cho dù đã được đưa vào nội dung giảng dạy, nhưng cách truyền đạt hoặc cách học những môn này vẫn còn đơn điệu, khá máy móc và một chiều, thiếu sự tương tác và thảo luận trực tiếp, chưa tạo được sự hào hứng thực sự cho học sinh.

Đặc biệt, kỹ năng định hướng nghề cho học sinh phổ thông là điều hiện tại vẫn đang rất thiếu đối với học sinh, kể cả các trường thành phố. Tôi đã từng đi nói chuyện về định hướng nghề cho các em học sinh mới thấy, các em thực sự rất hào hứng khi tham gia những buổi ngoại khoá như vậy. Bản thân nhiều em chia sẻ rằng, sau khi tham gia những buổi định hướng nghề nghiệp thì các em đã thay đổi hoàn toàn ước mơ cũng như đích đến trong tương lai, bởi đã tìm được đúng khả năng và đam mê của mình, sau khi được các chuyên gia tư vấn. Một số em khác thì có nhiều lựa chọn hơn, thay vì chỉ có 1 lựa chọn hoặc do bố mẹ áp đặt, hoặc do các em tự chọn theo suy nghĩ cá nhân mà không có bất cứ một sự tham vấn nào.

Đi học là niềm hạnh phúc và quyền của các em, đó là điều chúng ta tuyệt đối tôn trọng và tạo điều kiện hết sức để tất cả học sinh có thể đến trường. Trong những năm qua, ngành giáo dục liên tục có những cải tiến để nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, cho dù có cải tiến như thế nào đi chăng nữa, thì chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, điều quan trọng nhất vẫn là xây dựng nhân cách của các em bên cạnh bồi dưỡng kiến thức, mà cả 2 lĩnh vực này thì đều rất cần những trải nghiệm thực tế. Tôi luôn mong rằng, trong tương lai, chiếc cặp sách của các con tôi sẽ nhẹ dần đi, những tiết học trên lớp cũng ít dần đi, thay vào đó là những buổi dã ngoại, nhưng tiết thực hành, những giờ “chơi mà học”, những khoá học kỹ năng giao tiếp - ứng xử - cách thoát nạn - tự bảo vệ bản thân - khả năng đứng trước đám đông,…thông qua các cuộc trao đổi, trò chuyện với các chuyên gia ở các lĩnh vực. Tôi tin, sẽ có rất nhiều phụ huynh mong muốn như thế, và họ sẵn sàng trả những chi phí xứng đáng cho những hoạt động này.

Đôi khi, chỉ những suy nghĩ đơn giản thế thôi, nhưng để thực hiện được nó không phải điều dễ dàng. Thế nên, cứ vào mùa tựu trường, tôi lại trăn trở những nỗi niềm “muôn - năm - cũ” mà chưa biết đế khi nào có lời giải đáp. Và tôi tin rằng, điều trăn trở ấy không phải chỉ của riêng tôi.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Mõ Bàn Phím

Được quan tâm

Tin mới nhất