TRẮNG ĐÊM ĐỢI DIỄU HÀNH TRÊN PHỐ
Theo ghi nhận của phóng viên, ngay từ 4 giờ sáng hôm nay, 7/5, hàng nghìn người đã có mặt chờ sẵn tại các ngả đường nơi đoàn diễu binh, diễu hành Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ đi qua. Ngã tư khu vực đường Võ Nguyên Giáp-Hoàng Văn Thái, toàn bộ các vỉa hè bên đường đều đông nghịt người.
Bà Nguyễn Thị Hoa, năm nay 60 tuổi là người tỉnh Điện Biên nhưng đã đi làm dâu ở Sơn La được vài chục năm. Tới gần dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, bà cùng gia đình, bạn bè quyết định trở về để tận mắt chứng kiến cảnh đoàn diễu binh, diễu hành đi qua các ngả đường của thành phố.
Ngồi trên vỉa hè đã chật kín người lúc 5 giờ sáng, bà Hoa hồ hởi: "Từ đêm qua, chúng tôi đã ra đây, trải chiếu vừa ngủ, vừa đợi tới trời sáng".
Ngồi gần đó, bà Trần Thị Hằng, tới từ Thái Bình góp lời: "Đêm qua, ở đây vui như hội. Mọi người kể chuyện gia đình, quê quán cho nhau. Đặc biệt, người dân Điện Biên vô cùng hiếu khách đã mang bánh kẹo, nước uống cho chúng tôi".
Ở phía vỉa hè đối diện, ông Nguyễn Văn Bình mặc bộ áo quân nhân đã cũ sờn, hòa lẫn vào biển người. Chia sẻ với phóng viên, ông Bình cho biết: Đoàn của ông bao gồm 33 người, đều là các Cựu chiến binh Thành cổ Quảng Trị huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Để kịp có mặt đón lễ kỷ niệm, cả đoàn đã di chuyển suốt đêm.
"3 giờ sáng, chúng tôi đã tới đây. Mọi người không ai ngủ được vì háo hức nên quyết định sẽ 'đóng quân' ở đây luôn", cựu chiến binh 71 tuổi hồ hởi.
Trong đoàn, bà Hoàng Thị Hội có lẽ là trường hợp đặc biệt nhất. Không may bị chấn thương trước chuyến đi, người phụ nữ 73 tuổi không thể tự mình di chuyển được. Mặc dù vậy, bà Hội vẫn quyết tâm tới Điện Biên trên... xe lăn, nhờ sự giúp đỡ của đồng đội.
"Là cựu thanh niên xung phong, tôi luôn muốn một lần tới với Điện Biên Phủ. Do đó, dịp này, dù không được khỏe, tôi vẫn cố gắng. Tới lúc này, sau 2 tiếng chờ đợi, chúng tôi đều vô cùng háo hức", bà Hội cười nói.
Có mặt tại đường Võ Nguyên Giáp từ lúc 4 giờ 30 phút sáng, cựu chiến binh Trịnh Thị Quang, 66 tuổi, không giấu được sự hào hứng, mong đợi được chứng kiến lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Bà Quang đi cùng đoàn cựu chiến binh và hội phụ nữ phường Phú La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội gồm 45 người. Chia sẻ về không khí ở Điện Biên Phủ những ngày này, đặc biệt trong buổi sáng ngày đại lễ 7/5, bà Quang cho biết bà cảm nhận được rõ ràng không khí vui tươi, phấn khởi của người dân và du khách.
Trong lần đầu tiên đến với mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng, bà cùng các thành viên trong đoàn rất vui, hồi hộp và háo hức. Trang phục chủ đạo của đoàn chọn là áo phông in hình cờ đỏ sao vàng, chia sẻ về việc lựa chọn trang phục này, bà Quang cho biết bởi đây là dịp kỷ niệm trọng đại của dân tộc, đoàn chọn trang phục này thể hiện sự tự hào về chiến thắng vĩ đại của cha ông.
BIỂN CỜ ĐỎ VÀ NHỮNG KHÚC CA
Càng tới rạng sáng, lượng người đổ về khu vực gần sân vận động tỉnh Điện Biên càng đông hơn. Trên các vỉa hè, một rừng cờ đỏ cũng kịp được người dân... dệt nên.
Ông Lê Trung Kiều, 72 tuổi, đi dọc sát lề đường Hoàng Văn Thái, tay cầm theo một túi đầy quốc kỳ cỡ nhỏ để... phát cho mọi người. Cựu chiến binh tới từ Hà Nội chia sẻ: Ông đã có mặt tại Điện Biên được 4 ngày và "mong muốn góp một chút vào lễ kỷ niệm".
"Nghĩ mãi, anh em trong đoàn quyết định sẽ mua 300 lá cờ đỏ sao vàng nhỏ rồi chia nhau ra phát cho bà con. Lá cờ tuy nhỏ, nhưng đây là tấm lòng, tình cảm của chúng tôi dành cho mảnh đất này". Chỉ chừng 5 phút, chiếc túi trên tay ông Kiều đã hết nhẵn. Phía đối diện, rừng cờ đã kịp rợp bay, hòa cùng màu áo đỏ sao vàng, màu xanh áo lính...
Dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ dường như đã hóa thành... ngày hội chung của non sông. Từ các bản làng xa, hàng trăm, hàng ngàn bà con các dân tộc Tây Bắc cũng đổ về. Lẫn giữa biển người chờ đợi, họ như những bông hoa rừng điểm xuyết sắc hương của riêng mình. Nào là chiếc áo chẽn trắng cao của đồng bào người Thái, màu đỏ tươi của váy người Mông. Nét mặt ai cũng rạng ngời, ngóng đợi.
Chị Quàng Thị Viêm, người Thái ở bản Tin Lán, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên cùng 13 chị em khác đã có mặt tại thành phố Điện Biên Phủ được gần 1 tuần.
"Chúng tôi xin ở nhà người dân để đợi Lễ diễu binh, diễu hành. Từ 2 giờ sáng nay, chị em đã thức dậy, mặc trang phục truyền thống rồi ra đây chờ đợi", chị Viêm hớn hở nói.
5 giờ sáng, phía góc đường giáp Nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1 đã ken kín người. Chẳng ai bảo ai, mọi người bắt đầu cất tiếng hát: "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng".