Trong lúc như vậy, chẳng phải điều quan trọng và quý giá nhất là tự cứu mình đó sao.
Câu chuyện về quán Karaoke tại đường Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy, Hà Nội cháy đã gây hoảng loạn trong dư luận. Nhưng thật may, sau cơn hoả hoạn đó, không có thương vong về người. Những tai nạn như vậy là điều không ai muốn và chẳng ai mong mình một lần rơi vào những trường hợp như vậy để thử thách bản thân. Trừ những người…thần kinh có vấn đề.
Để rồi, từ một bức hình ghi lại cảnh những cô gái chạy ra khỏi quán Karaoke đó dùng những chiếc áo lót bịt miệng trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi trên khắp các trang facebook cá nhân, lẫn các diễn đàn. Dễ dàng thấy đó là những lời giễu cợt, bỉ bôi thậm chí là cả những lời ác miệng được đưa ra kèm theo những lời chì chiết đến tàn ác.
Thật nực cười bởi những lời dèm pha, chê bai! Khi đối diện với cái chết, người có kiến thức sẽ biết mình phải làm gì. Những cô gái trong quán karaoke đã biết tháo áo ngực, nhúng nước bịt vào miệng để tránh khói độc, và chạy bộ cầu thang xuống hầm gửi xe để ra ngoài. Và, thật hiệu quả, tất cả họ đã an toàn. Thử hỏi, trong số các “thánh đạo đức” đang dùng bàn phím chì chiết, khinh miệt cô gái, lấy hình ảnh “ấp áo ngực vào miệng” để giễu cợt kia, nếu rơi vào trường hợp ấy, liệu có đủ kiến thức, đủ tỉnh táo để đối phó với hiểm nguy nhằm thoát thân? Hay lại hoảng loạn cuống cuồng chui vào nhà vệ sinh đóng chặt cửa rồi chết ngạt trong đó như nhiều trường hợp khác?
Một hành động lẽ ra nên được nhìn nhận một cách tích cực, khi con người rơi vào tình huống cực kỳ hiểm nguy, đã đủ bình tĩnh để dùng các biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất tự cứu mình, thì lại bị coi như một trò rẻ tiền, để rồi chính hành động của cô gái ấy đã nhận biết bao nhiêu “gạch đá” một cách…cực kỳ vô tâm.
Đến mức, cô gái trong bức hình đó cuối cùng cũng đã phải lên tiếng, và những lời nói của cô thật chẳng phải là những điều gì ngọt ngào. Đầy đắng cay và chua xót.
“Miệng lưỡi con người thật ác độc, trong những lúc hoảng loạn sợ hãi sau đám cháy người mệt mỏi chóng mặt như thế nào còn phải nghe bao nhiêu lời thị phi bình luận độc ác từ những người, những kẻ vô tâm. Họ bảo sao không thiêu chết nhân viên trong quán đi? Nói thật đi làm 5-7 kiểu đi làm nhé không phải ai cũng như ai. Tôi thà đi làm tự nuôi bản thân còn hơn những kẻ ăn bám phá hoại gia đình người khác, không phải ai đi làm quán hát cũng dễ dãi như ai đâu nhé! Trong tình huống sống chết 50-50 thì phải cố mà phi ra lấy áo con dấp nước bịt mũi lại chạy thẳng ra, người đứa nào đứa ý cũng đen thui mặt nghệt ra thà xấu còn hơn chết thui trong đám cháy, có ở trong trường hợp đó thì mới hiểu cảm giác sợ hãi hoảng loạn như thế nào.
Chỉ nhìn qua 1 bức ảnh người ta có thể đánh giá, có thể chửi bới thậm chí chửi rủa những câu ác độc. Tôi không thanh minh nhưng đúng là làm ở quán hát, cái nghề mà mọi người nhìn vào có phần nhạy cảm dè bỉu? Nhưng xin thưa nó cũng có lòng tự trọng tự ái của nó, không phải trơ như mặt thớt mà không biết xấu hổ, cũng chả đi ăn trộm, cướp giật cái gì của ai cả? Trong lúc sự sống còn 2/10 như vậy chạy phi từ tầng 5 xuống dưới hầm khói nghi ngút ai nấy đều không thở được. Tất cả từ nam cũng cởi hết áo ra mà dấp nước bịt mũi, con gái mặc váy thử hỏi không cởi áo ý ra thì liệu còn sống đến giờ không? Tôi thử hỏi 10 người trong trường hợp đó mọi người có làm như tất cả chúng tôi không hay là muốn đẹp thì cứ ở trong đó mà hít khói và từ từ chết trong đám cháy to đó?”
Chưa hết, có một bình luận dưới bài báo rất đáng để đọc vì nó phản ánh hết toàn bộ thói “đạo đức giả” hiện nay, cụ thể là: “Qua đây bạn nên rút ra là không phải nghề nghiệp nào cũng đáng được tôn trọng nhé. Dù là bạn có chăm chỉ hay nỗ lực trong công việc đi chăng nữa, thật khó để chúng tôi tôn trọng bạn và công việc bạn làm. Cá nhân tôi ko kỳ thị hay ghét bỏ bạn. Nhưng nếu tôn trọng công việc của bạn, tôi cảm thấy tôi suy thoái đạo đức và trái với những gì tôi đã được học. Dẫu sao thì rất mừng là bạn và mọi người đã thoát nạn. Không có thương vong gì cả!”.
Người bình luận là một cô gái trẻ và người viết tự hỏi cô đang muốn chuyển tải một thông điệp gì đến với những người đang đọc bài báo miêu tả sự việc. Tại sao lại không tôn trọng một nghề mà luật pháp không cấm? Tại sao lại suy thoái đạo đức và trái với những điều đã được học? Ai đã dạy bạn phải khinh bỉ những người làm công việc bình thương không bị pháp luật cấm?
Chắc rằng thầy cô giáo và các bậc phụ huynh của cô gái này cũng sẽ không vui vẻ khi đọc những dòng bình luận này. Thế nhưng điều đáng buồn rằng những bình luận giống như của cô gái này không ít, nó còn tồn tại khá nhiều và ngày càng có xu hướng mở rộng hơn trong thế giới ảo - nơi mà ai cũng có quyền cho mình phán xét và ngồi ở ngôi “thánh đạo đức”.
Chả vậy mà nữ ca sĩ Uyên Linh sau 6 năm đi hát đã phải nói rằng: Đã không còn cảm thấy tổn thương bởi những phán xét của những thánh đạo đức trên mạng xã hội. Vậy nhưng, trong cuộc sống có mấy người có được bản lĩnh như Uyên Linh và đâu phải ai cũng làm trong một môi trường đòi hỏi bạn phải dạn dĩ như trong showbiz để tự rèn luyện mình cứng cáp qua năm tháng?
Cuối cùng, sau khi buông ra một lời thoá mạ, khinh miệt người khác như vậy không biết người ta có cảm thấy thanh tao và hạnh phúc hơn không nhỉ?