Fanpage giả danh người nổi tiếng để “câu like”
Thời gian gần đây, một số người đã lợi dụng hình thức phát triển fanpage thiếu lành mạnh. Nhóm người này lập ra các fanpage mạo danh công ty danh tiếng hoặc người nổi tiếng, tung chiêu trò tặng thưởng tiền mặt hoặc hiện vật có giá trị. Các fanpage này thường kêu gọi người dùng mạng bấm like, share, comment số điện thoại để bốc thăm trúng thưởng ngẫu nhiên.
Dù chiêu trò không mới và đã được cảnh báo nhiều lần, thế nhưng, các đối tượng phát triển page theo kiểu “ăn xổi”, bằng cách nào đó vẫn đánh lừa được rất nhiều người. Điển hình là mới đây, một fanpage mạo danh Cường Dollar đã thu về gần 250.000 lượt like cùng lượng tương tác khổng lồ chỉ nhờ chiêu trò “câu like” nhảm nhí kể trên. Theo đó, fanpage này chỉ mới được thành lập hồi tháng 9 và hầu hết các bài post chỉ liên quan đến thông tin tặng thẻ cào.
Tinh vi hơn, admin fanpage này còn lập ra một hệ thống fanpage mạo danh người nổi tiếng như Hồ Ngọc Hà, Hồ Quang Hiếu… tiếp tục sử dụng chiêu trò “câu like” tương tự. Trên fanpage của Cường Dollar và những page giả danh nói trên, liên tục chia sẻ lại những bài post dạng này. Thủ đoạn khá tinh vi nên các page dù “ảo tung chảo” cũng đã khiến hàng chục nghìn người “sập bẫy”.
Lý do là đánh trúng tâm lý người dùng mạng, chỉ cần vài thao tác đơn giản như like, share, comment, bạn có thể nhận được quà tặng từ các ngôi sao nổi tiếng. Nếu không nhận được quà, bạn cũng không bị thiệt hại gì. Trò đùa tưởng vô thưởng, vô phạt nhưng lại kéo về lượng like, tương tác khổng lồ cho các page, giúp một số người làm ăn mánh lới có cơ hội trục lợi.
Trò đùa nhảm nhí có thực sự vô hại?
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc lập fanpage giả mạo người khác là hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Công nghệ thông tin được ban hành từ năm 2006 và các văn bản hướng dẫn luật này.
Pháp luật Việt Nam quy định hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác; cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm mục đích xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân…Theo đó, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại sẽ phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Theo luật sư Thơm: “Đối với những trường hợp giả mạo fanpage của những người nổi tiếng, bản thân những người đó có quyền yêu cầu cơ quan chức năng xử lý các đối tượng. Ngoài việc xử lý bằng biện pháp hành chính hay hình sự (tùy từng tính chất, mức độ) thì còn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại danh dự”. Có thể xử phạt hành chính theo Nghị định 174/2013 từ 10 triệu cho tới 30 triệu đồng.
Cụ thể “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” sẽ bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; hành vi “giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác” sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Luật sư Thơm cho rằng, việc giả mạo fanpage để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của mọi người có thể bị xử lý hình sự theo điều 226B, Bộ luật hình sự. Cá nhân đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nếu thỏa mãn các dấu hiệu tội phạm theo Điều 226 Bộ Luật Hình sự, việc “đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet (gọi chung là mạng) những thông tin trái pháp luật, thông tin trái pháp luật ở đây được hiểu là những thông tin vi phạm các điều cấm của pháp luật” sẽ có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Điều 226 Bộ Luật Hình sự Những hành vi phạm tội dưới đây sẽ bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
- Có tổ chức
- Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet;
- Thu lợi bất chính từ một trăm triệu đồng trở lên;
- Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.