Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Lao đao nghề biển và cái tình của người chài lưới

Nhiều năm trở lại đây ngư dân huyện Cần Giờ phải chật vật mưu sinh kiếm chén cơm qua ngày. Thủy sản ít dần cộng với giá cả thị trường gia tăng khiến những chuyến ra khơi càng thêm nặng trĩu. Nhưng vượt lên tất cả vẫn là những nụ cười lấp lánh trong cuộc sống đời thường vốn dĩ chông chênh.

Lao đao nghề biển:

Có đến Cần Giờ vào một ngày bão mới hiểu được nỗi nhọc nhằn của nghề chài lưới. Ở thị trấn Cần Thạnh, vẫn còn vài hộ bám trụ với chiếc thuyền bởi “nếu không làm biển thì biết làm gì”. Hôm nay, chú Phạm Văn Được (thường gọi là chú Sáu) vẫn ra biển như mọi bữa. Từ lúc 15 tuổi phụ cha lái tàu đến bây giờ đã ngót nghét 50, chưa một ngày chú nuôi ý định bỏ biển. Bởi đó là cái nghề gắn bó với gia đình chú từ nhiều thế hệ, nuôi sống cả gia đình từ mấy mươi năm qua.

Lao đao nghề biển và cái tình của người chài lưới Ảnh 1

“Nghề này nhàn. Thả lưới rồi đợi 2-3 tiếng kéo lên. Vậy là xong”.

Lúc trước chú ra tận Hoàng Sa, Trường Sa, hai ba tháng mới về một lần. Đi ra đó rồi làm thuê ở Indo hay Malay. Chú nói giờ già rồi nên ở nhà, đi biển cho gần. “Hôm nay biển động ít người đi, thuyền bè đậu trên bờ chứ ngày thường đông lắm. Ở đây người ta đi biển không hà, gần biển nên làm thôi”. Bảy, tám năm trở lại đây chú vẫn âm thầm ra khơi, một mình nhổ neo, thả lưới, giăng lưới, sửa tàu bè. Hỏi cực không, chú trả lời bằng cái giọng hào sảng của dân chài: “Khỏe lắm, nghề này nhàn mà con. Chút nữa thả lưới rồi đợi 2-3 tiếng kéo lên. Vậy là xong”.

Một bữa đi biển trừ cả tiền dầu thì chú kiếm được khoảng vài trăm nghìn. Chú bảo khó mà nói chuyện tiền bạc, biển cho bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu. Ngày nào hên thì được vài triệu, ngày thì hai ba trăm, có ngày thì không được đồng nào. Nhưng chú không nản, bởi “đó là nghề, phải chịu thôi”. Nhìn cách chú vừa thả vừa kéo lưới, từ dáng đứng, dáng xoay người đến chọn con nước yên, nước tĩnh mới thấy rõ cái khó khăn vất vả của nghề đi biển. Nắng gió để lại trên da thịt chú màu chai sạm, cái màu chỉ có sau những chuyến nhổ neo.

Lao đao nghề biển và cái tình của người chài lưới Ảnh 7

“Ngày nào hên thì được vài triệu, ngày thì hai ba trăm, có ngày thì không được đồng nào”.

Tình chài lưới:

Chú Sáu vừa hút thuốc vừa tâm sự, làm nghề này phức tạp, nhiều khi lưới chồng lên nhau cũng có lời qua tiếng lại. Nhưng cự cãi xong thì thôi. Nghề nào mà chẳng có xích mích. Nhiều khi chính những bất đồng ấy lại tạo ra sợi dây liên kết chặt chẽ về tình cảm sau này. “Buôn có bạn, bán có phường”. Người đi biển ngoài con thuyền, cái lưới thì cần nhất chính là anh em trong nghề. Chú chia sẻ: “Nhiều khi thuyền của mình bị hư thì nhờ người khác kéo giùm, tới lượt người ta hư thì mình kéo lại. Giúp đỡ lẫn nhau mà sống.”

Lao đao nghề biển và cái tình của người chài lưới Ảnh 10

“Nhiều khi thuyền của mình bị hư thì nhờ người khác kéo giùm, tới lượt người ta hư thì mình kéo lại. Giúp đỡ lẫn nhau mà sống.”

Có đến hai, ba chiếc thuyền neo đậu vào nhau bằng những sợi dây thừng, vừa đợi nước yên vừa nói chuyện giải khuây. Một thuyền đi biển phải có ít nhất ba bốn bạn nghề. Nhiều khi nhức đầu hay cảm nắng cũng là nhờ bạn chài giúp đỡ hỏi han. Một tháng đi lưới có 20 ngày, còn lại phải ở nhà vì nước cạn. Chú nói đi lưới vậy mà vui, ra đó nói chuyện với anh em cho hết ngày giờ chứ ở nhà chẳng biết làm gì. Nói nhớ biển chứ thật ra là nhớ anh em mình những lúc ra khơi.

Bình yên trên những mỏ neo:

Anh Huỳnh Văn Duyên, ngụ xã Long Hòa, Cần Giờ trước đó có trên 20 năm đi chài nhưng thấy cuộc sống ngày càng khó khăn nên phải chuyển sang canh tác rừng. Anh kể ngày trước gia đình có hơn mười lăm người nhưng chỉ cần hai người đi biển là đủ ăn. Nhưng dần dà thủy sản ít dần, cuộc sống gia đình ngày càng trở nên khó khăn. Hiện tại sau ca trực anh vẫn thường nhổ neo đi bắt vài ba kí tôm cá mới đủ sống. Trong ánh mắt lo âu về cơm áo gạo tiền chính là hạnh phúc của người chồng khi nhìn vợ thêu thùa bên cạnh và nghe tiếng dạ chào của con gái vừa đi học về. Niềm vui ấy hơn biết bao lần những chuyến đi chài đầy ắp cá tôm.

Hay như hạnh phúc của chú Sáu khi nhắc về đứa cháu ngoại và người vợ vẫn ngày ngày đi vá lưới thuê kiếm vài chục mua mắm muối. Dẫu biết rằng vất vả từ nghề biển vẫn bám đeo từ cái nắng, cái gió đến những cơn bão chợt về khiến cả gia đình nhín nhịn trong vài ngày. Cả năm trời chỉ vào Sài Gòn vài bữa và suốt năm quẩn quanh bên chiếc thuyền, tất cả niềm vui của người đàn ông ấy gói gọn trong những lần nhổ neo kiếm hai ba kí cá tôm nuôi gia đình.

Có những giọt mồ hôi làm nên hạnh phúc. Ấy là những giọt mồ hôi rơi trên mỏ neo…

Lao đao nghề biển và cái tình của người chài lưới là một trong những bài viết nằm trong tuyến bài đặc biệt về Sài Gòn muôn màu của Tạp chí điện tử Saostar.

Những tình cảm, ký ức - những câu chuyện cảm động và đầy thú vị về Sài Gòn mà bạn có/ biết hay chứng kiến - Hãy gửi qua email: doisong@saostar.vn để cùng chia sẻ cho tất cả mọi người cùng “ấm áp”, bạn nhé!

Vì một Sài Gòn xinh đẹp và phát triển hùng mạnh, chúng tôi chào đón tất cả những người con - những người muốn thuộc về/ yêu mảnh đất này.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Nghĩa CoCo

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giải mã sức hút của show 'Hành Trình Kỳ Thú' đang phát trên MyTV