Lang thang như Quỷ Cốc Tử: ‘Xách balo lên và đi, nhưng đừng xách một cái balo vừa mới mua ngoài chợ về và đi’

Lang thang như Quỷ Cốc Tử: ‘Xách balo lên và đi, nhưng đừng xách một cái balo vừa mới mua ngoài chợ về và đi’

Logo Saostar - Special special

Lang thang như Quỷ Cốc Tử: ‘Xách balo lên và đi, nhưng đừng xách một cái balo vừa mới mua ngoài chợ về và đi’

Copy Link
Chia sẻ

Một chiều, được dịp ngồi cạnh Quỷ Cốc Tử, nghe Quỷ Cốc Tử ngạo nghễ kể về 18 năm lang bạt kỳ hồ, nhìn Quỷ Cốc Tử nở nụ cười đặc bụi đường trường, rồi lâu lâu bình yên trầm lặng trước những chiêm nghiệm đã qua,… tôi càng khâm phục cái tuổi trẻ đa sắc đa màu của chàng.

18 năm trên những cung đường trong-ngoài nước, Quỷ Cốc Tử - Ngô Trần Hải An (SN 1981), đã có rất rất nhiều cơ hội để tiếp xúc với nhiều nền văn hoá, con người trên khắp thế giới. Chàng trai vẫn khiến mọi người trầm trồ với bản thành tích phượt đáng nể, khi là người đầu tiên khám phá hàng loạt cung đường phượt mới như Mốc biên giới 79 cao nhất Đông Dương, mốc 42 cao thứ hai Đông Dương, cực Đông, núi Tà Chì Nhù, Hòn Hải…; đặt chân đến vô số khung cảnh hoang sơ ở Thái Lan, Lào, Campuchia, Bhutan, Dubai, Israel, Palestine, Pháp…

Đầu năm mới, theo chân Quỷ Cốc Tử, Saostar cũng có một chuyến du kỳ thú vị như thế!

Lang thang như Quỷ Cốc Tử: ‘Xách balo lên và đi, nhưng đừng xách một cái balo vừa mới mua ngoài chợ về và đi’

Nhìn facebook, Quỷ Cốc Tử hẳn có một năm 2018 rực rỡ lắm?

(Haha). Đúng là 2018 là một năm rực rỡ với tôi thật! Tôi đã may mắn khi có cơ hội đồng hành cùng Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam H’Hen Nie đến New Zealand, theo anh em Quốc Cơ & Quốc Nghiệp tham dự Britian’s Got Talent tại Anh, trải nghiệm 2 cung đường nguy hiểm nhất ở Pakistan,… Qua tất cả, tôi đã có thêm cho mình nhiều sự hiểu biết, kinh nghiệm, bản lĩnh về thế giới.

Quỷ Cốc Tử “xê dịch” bao lâu rồi?

Chuyến đầu tiên là năm 2001, sau khi rớt đại học. Lúc đó, tôi có ra Nha Trang sống một thời gian và đi lang thang nhiều nơi đó đây. Khoảng thời gian ấy, tôi mới nhận ra đam mê thật sự của mình là du lịch. Tới giờ thì cũng đã lang thang hết Việt Nam rồi… (Haha).

Phượt có phải là cơ duyên cho công việc nhiếp ảnh hiện tại của anh?

Đó… đó! Cả công việc hiện tại cũng từ xê dịch mà ra. Ngày xưa cứ mỗi lần đi đâu đó thì tôi lại chụp ảnh, chụp nhiều rồi mới biết mình mê chụp ảnh. Khi về lại đem ảnh “share” lên yahoo, facebook,… nên nhiều anh chị báo chí quan tâm có gọi về làm. Qua đó, tôi mới có cơ hội trở thành nhà báo như hôm nay.

Cái tên Quỷ Cốc Tử thì sao nhỉ?

Quỷ Cốc Tử thì có từ lâu rồi, từ hồi sinh viên à!

Mọi người cứ tưởng Quỷ Cốc Tử là một nhân vật trong phim, nhưng thực chất đó là người thật. Trong lịch sử, ông ấy là người trên thông thiên văn, dưới tường địa lý và sống không theo một nguyên tắc nào của xã hội cả. Ví dụ, xã hội cho rằng người xấu thì không nên chơi, ổng vẫn chơi.

Tính tôi cũng vậy! Tôi không quan tâm xã hội đặt nguyên tắc gì, chủ yếu là mình muốn thì làm thôi. Nên giờ bạn bè của tôi cấp cao có, chính khách có, trộm cắp, cờ bạc hay gái mại dâm cũng có hết…

Chuyến đi Quỷ Cốc Tử nhớ nhất?

Nhiều lắm! Khó mà nói cái nào đáng nhớ nhất vì nói cái này tiếc cái kia.

Tôi gom riêng trong năm 2017 thôi, thì chắc chuyến đi Pakistan 24 ngày. Lúc đó, vừa nói tới Pakistan thì ai cũng rất e ngại nên nhiều người cản mình lắm! Nhưng cái máu của tôi đã thích thì phải đi cho được.

Tôi đã được trò chuyện với những người đã leo đỉnh núi cao nhất thế giới, rồi có cơ hội gặp nhân vật trong tác phẩm Ba tách trà của Greg Mortenson,… Tất cả đều là trải nghiệm đáng nhớ.

Có bao giờ Quỷ Cốc Tử gặp nguy hiểm “chết người”?

Nguy hiểm thì có, nhưng nghĩ đến “chết người” thì chưa. (Cười).

Nhưng đợt đi Pakistan vừa đây, tôi cũng đã có chuyến phiêu lưu khi đi trên cung đường Fairy Medow nguy hiểm nhất thế giới. Con đường nhỏ xí, một bên là vách đá, bên là vực sâu, đường thì còn xấu vì bị đóng tuyết quanh năm nữa. Lúc đó, chỉ cần sơ sẩy xe đứt thắng là có thể rớt xuống vách núi chết ngay.

Sau đó, tôi cũng quyết định thám hiểm đỉnh núi nguy hiểm thứ 2 thế giới - K2. Lúc đi lên đỉnh núi thì trời vẫn đang nắng, tự nhiên được một đoạn thì tuyết rơi dày, nhiệt độ xuống 0 độ. Tôi không chuẩn bị đủ áo ấm, tuyết thì đã rơi quá đùi, tôi phải tự vác xách đi xuống trong cơn lạnh cóng. Mài chỗ đó lại vùng sâu vùng xa, nên tôi không biết người ta lấy tuyết trên sông nấu cho tôi uống nên bị ngộ độc nặng. Lúc về tới trung tâm, tôi bắt buộc phải xuống bệnh viện nằm hết 5 ngày.

Gia đình có biết chuyện không?

Không (Cười). Về tới Việt Nam thì tôi mới kể lại. Lúc đó nói mọi người biết thì cũng không giải quyết được gì, mà càng thêm hoang mang thôi!

Những chuyến đi cho anh những gì?

Ngày xưa đi du lịch để ngắm cảnh, còn giờ tôi đi là để trải nghiệm, học hỏi kiến thức cuộc sống là nhiều.

Như tôi của trước đây, tôi sẽ chẳng bao giờ nghĩ rằng mình có gặp những con người chưa từng biết đến thế giới bên ngoài, sống cùng bộ tộc sống ở núi tuyết, mỗi ngày làm trà bơ, chăn cừu như trong tiểu thuyết, hay có một đêm cắm trại giữa sa mạc,… Tất cả đều là trải nghiệm mà giờ tôi đã tự mình chạm vào được.

Rồi khi trở về cuộc sống, tôi mới thấy rằng: À! Những khó khăn của mình chẳng đáng là gì cả, và tôi tự tin có thể giải quyết tất cả mọi thứ. Như lúc tôi bị sốt rồi kẹt trên đỉnh núi mấy ngàn mét tuyết phủ kín, tôi còn vác xác về đây được mà. (Haha).

Trong những bài phỏng vấn trước đây, anh hay nói về “vùng an toàn” (Comfort Zone) của bản thân mỗi người. Vậy đâu là vùng an toàn của Quỷ Cốc Tử?

Ở mỗi độ tuổi thì tôi nghĩ, chúng ta sẽ có một vùng an toàn riêng. Ví như năm học lớp 5 thì vùng an toàn là làm sao để không bị ba mẹ la. Lớp 12 thì vùng an toàn làm sao không để rớt tốt nghiệp… Còn giờ thì vùng an toàn của tôi nó mở rộng khủng khiếp lắm!

Đi nhiều, trải nghiệm nhiều thì vùng an toàn của mình cũng mở rộng ra. Như giờ tôi có trắng tay, bị vứt đâu đó, hay có cử anh đi Syria thì tôi vẫn đi và tôi tin rằng mình có đủ bản lĩnh để giữ cho mình an toàn.

Lang thang như Quỷ Cốc Tử: ‘Xách balo lên và đi, nhưng đừng xách một cái balo vừa mới mua ngoài chợ về và đi’

Được biết vợ anh cũng là phượt thủ?

Đúng rồi! Từ sau khi quen tôi, cô ấy cũng trở thành phượt thủ.

Hai người gặp nhau như thế nào?

À, ngày xưa cô ấy chỉ là giáo viên anh văn thôi, tính tình tiểu thư lắm! Cô ấy cứ nghĩ rằng tương lai sẽ có một cuộc sống êm đẹp, ra trường bắt đầu công việc ổn định ở thành phố. Nhưng sau những chuyến đi cùng tôi, cô ấy mới có trải nghiệm mới mẻ, nhiều màu sắc hơn.

Phượt có khiến tình yêu hai người thay đổi?

Có chứ, nhiều lắm! Ai cũng đã thay đổi để hợp nhau hơn. Một cái móc thì có thể đứt, nhưng nhiều cái móc thì sẽ bện chặt. Tôi và cô ấy vừa thích đi phượt, thích lang thang, thích nhạc,… nhiều sở thích chung như vậy khiến tình yêu của chúng tôi càng móc chặt nhau hơn.

Trải nghiệm đáng nhớ nhất của hai vợ chồng?

Hai vợ chồng tôi đã có giao kèo là mỗi năm đều sẽ đưa nhau đi Tây Bắc hai lần. Vào tháng 6 mùa lúa xanh và sau Tết, một chuyến 9-10 ngày theo kiểu phượt.

Bỏ nhiều thời gian cho đam mê, anh có mất mát gì trong cuộc sống?

Mất mát à! Chắc là không. (Cười)

Tôi nghĩ tôi là một người khá may mắn. Bởi, trong khi nhiều bạn bè của tôi đều phải chọn lựa hoặc hết lòng với đam mê, hoặc công việc, sự thiết xót tình cảm, hay cuộc sống gia đình này nọ… Còn với tôi thì mọi thứ vừa đủ: gia đình ủng hộ chuyện tôi làm, tôi được sống với đam mê và cũng vừa kiếm ra tiền từ đam mê đó.

Vậy thời gian chăm sóc gia đình thế nào?

May mắn vợ tôi hiểu nên phụ chăm con, rồi có ông bà ngoại ở chung nữa. Khi nào rảnh thì tôi lại dành thời gian để chơi với con nhiều hơn.

Thực ra thì khoảng thời gian bên gia đình nhiều hay ít, nó không quan trọng bằng việc gia đình có đồng cảm với nhau được không. Nhiều người cũng từng đặt cậu hỏi với tôi là đi như vậy thì làm sao chăm con? Nhưng chính sự đi nhiều, trải nghiệm nhiều, học hỏi nhiều đã giúp tôi có đủ kiến thức, sự hiểu đời… để có thể yêu thương gia đình nhiều hơn và dạy dỗ con nên người.

Bé nhà anh đã đi phượt cùng bố mẹ chưa nhỉ?

5 tháng là tôi đã lôi đi rồi. (Haha). Giờ chỉ mới 1 tuổi thôi chứ cũng đi được 6 nơi rồi. Chuyến gần đây nhất thì tôi có đưa bé đi chơi ở một hòn đảo bên Malaysia nhân dịp sinh nhật.

Lang thang như Quỷ Cốc Tử: ‘Xách balo lên và đi, nhưng đừng xách một cái balo vừa mới mua ngoài chợ về và đi’

Tôi nghe rất nhiều người cho rằng: Phượt là hành xác?

Nói phượt hành xác không có gì sai cả. Chủ yếu sự hành xác ấy có đem lại điều gì không? Ví dụ như chúng ta ngày ngày đi làm, tốn thời gian, lao tâm lao lực, rồi áp lực công việc, mệt mỏi này nọ… đó có thể gọi là hành xác? Nhưng đánh đổi qua việc đi làm thì chúng ta có công ăn việc làm, có tiền sinh sống.

Đi phượt cũng vậy! Sau mỗi lần ‘hành xác’ thì tôi lại được gặp những con người mới, mối quan hệ mới, thêm nhiều trải nghiệm, kiến thức, bản lĩnh cuộc sống… Hãy đặt tất cả lên bàn cân và nếu thấy nó đạt trạng thái cân bằng như điều chúng ta muốn thì đó là đúng. Thà hành xác vì đam mê, còn tốt hơn nhiều người suốt đời chỉ hành xác vì mưu sinh mà.

Cái điều quan trọng nhất trong cuộc đời là sau sự đánh đổi đó chúng ta có hạnh phúc hay không thôi. Như chính tôi vậy, giờ người khác vẫn nói sao tôi tối ngày đi hành xác? Nhưng miễn tôi hạnh phúc với điều đó thì tôi vẫn làm. Hay mới đây, trong chuyến đi miền Tây tôi có gặp một ông chú cởi chiếc xe chở theo chú chó đi khắp nơi. Ông chú có nói với tôi một câu làm tôi nhớ mãi: Tôi đã trải qua biến cố nhiều, mất mát cũng nhiều,… nên giờ có chết trên đường tôi vẫn mãn nguyện.

Năm 2018, cộng đồng mạng đã chứng kiến nhiều “hành động xấu” từ Phượt, như vụ việc nhóm bạn trẻ tự ý chặn xe ở TP. Nam Định, hình ảnh đoàn phượt thủ nằm vạ vật giữa lòng đường, nhóm phượt tố cáo quán nước chặt chém ở Cà Mau hay xả rác bừa bãi ở Tà Năng,… Có lẽ, “Phượt” đang biến tướng?

Tôi cũng có nghe qua những sự việc trên và cảm thấy rất buồn. Ngày xưa, khi hình thức du lịch theo kiểu khám phá mới ra đời, cái từ Phượt thủ trở thành danh xưng có phần gì đó cao quý, to lớn lắm. Nhưng ngày nay, khi Phượt dần biến tướng khiến hiện tượng xấu nhan nhãn trên báo đài, ít người còn dám nhận cái danh xưng ấy nữa.

Lang thang như Quỷ Cốc Tử: ‘Xách balo lên và đi, nhưng đừng xách một cái balo vừa mới mua ngoài chợ về và đi’

Thực chất từ Phượt không hề có ý nghĩa xấu, chỉ có những con người hành động xấu mới làm cho nó xấu đi thôi. Cũng như từ ăn cắp vậy. Bản thân ăn cắp chỉ là chữ cái, nhưng chính những người hành động xấu đã làm nó mang ý nghĩa tiêu cực.

Nhưng giờ nếu ai đó gọi tôi là phượt thủ thì tôi vẫn “happy” với nó! (Cười).

Anh có nhắn gửi gì về quan niệm sống của tuổi trẻ hiện đại?

Vẫn là câu cũ mà tôi hay nói: 20 năm sau bạn sẽ hối hận vì những gì chưa làm, thay vì những gì đã làm. Bởi vậy, ngay từ thời điểm này, hãy cho bản thân mình cơ hội trải nghiệm, khám phá, để biết được đâu là đam mê thực sự của mình…

Vậy giờ anh hối hận điều gì không?

Có chứ! (Cười).

Tôi hối hận là tại sao ngày đó tôi không xách balo đi khắp thế giới. (Haha). Giờ có quá nhiều ràng buộc, sức khoẻ cũng không cho phép mình thực hiện được nữa.

Nhưng suy cho cùng thì ước mơ và thực tế cũng rất khác nhau. Mơ đi xa nhưng còn cuộc sống, gia đình, tiền bạc,…?

Đúng! Tôi hiểu. Nên tôi chỉ đưa lời khuyên tới những người đã có điều kiện, nhưng chưa tư duy để biết đâu là đam mê của mình, chưa từng có những trải nghiệm mới mẻ thì tôi đang mở ra cho họ thấy. Còn với những người vẫn còn lo gánh nặng cơm-áo-gạo-tiền, đang chết đói tới nơi thì tôi không hề có ý muốn khuyên họ như thế.

Hiện nay, nhiều người trẻ còn sẵn sàng bạt mạng cho những chuyến đi để thoả đam mê xê dịch, nôm na tôi gọi là “Ngông trong Phượt”. Anh nghĩ sao hiện tượng trên? 

Tôi quan niệm: “Cuộc đời là những chuyến đi, chứ không phải cuộc đời là một chuyến đi”. Khi đi phượt, chúng ta đừng nên cứ ngẫu hứng lên là đi mà cũng cần có kế hoạch rõ ràng.

Chuyện “Ngông trong Phượt” là điều nguy hiểm lắm! Bạn có thể gan dạ, lỳ lợm nhưng trước hết biết năng lực của mình ở đâu đã. Một người lặn 5 mét thì có thể phấn đấu lặn đến 8 mét, chứ một người không biết lặn thì đừng bắt đầu bằng con số 8 mét đầu tiên. Một người không biết leo núi thì hãy tập leo núi Bà Đen trước, thay vì chọn leo đỉnh Fansipan… Đi đâu cũng vậy, chúng ta luôn cần biết giới hạn ở đâu và chuẩn bị cho mình thật kỹ lưỡng. Hãy luôn nhớ, trên vai chúng ta còn có gia đình và xã hội nữa.

Lang thang như Quỷ Cốc Tử: ‘Xách balo lên và đi, nhưng đừng xách một cái balo vừa mới mua ngoài chợ về và đi’

Chuẩn bị kỹ lưỡng cho Phượt?

Thứ nhất, trước chuyến đi chúng ta phải tìm hiểu nơi mình đến, am hiểu địa lý ở đó ra sao, con người như thế nào, có thể đến những điểm gì thú vị để không bị bỏ lỡ. Thứ 2, phải giải quyết được câu chuyện gia đình.

Thứ 3 là kinh tế! Chúng ta phải trả lời được những câu hỏi: có đủ tiền bạc cho chuyến đi? có thành gánh nặng cho gia đình?… Thứ 4 là sức khoẻ, có đảm bảo chạy mấy trăm cây số không? có thể chịu được nhiều vùng khí hậu khác nhau không? ăn được nhiều món lạ không? Khi phân tích những yếu tố đó đều đảm bảo thì hãy trang bị quần áo, balo, túi xách, máy móc, đặc biệt dụng cụ để bảo vệ bản thân.

Cuối cùng là chúng ta phải chuẩn bị tâm thế của một người đi phượt để nhìn nhận vấn đề, cách để tìm hiểu cư dân, trò chuyện giao lưu với họ để học hỏi thêm nhiều điều.

Như tôi nè, sau bao nhiêu năm đi phượt, trên người tôi không thể thiếu là cái bật lửa, dù có đang ở Sài Gòn đi chăng nữa.

Cái bật lửa?

Ừ! Nhìn vậy chứ cái bật lửa rất là quan trọng cho dân phượt. Bởi vậy ngày xưa, tại sao con người lại phát ra lửa đầu tiên! (Haha).

Vì tôi biết là dù mình có đi lạc ở đâu, nếu có lửa, có khói thì người ta vẫn sẽ biết mà tới cứu mình. Có thể bị bắt vì tội làm cháy rừng nhưng vẫn còn sống là được. (Cười).

Nhưng nếu chuẩn bị quá kỹ lưỡng, thật không đúng với slogan “xách balo lên và đi” cho lắm?

Tôi đồng ý là dân Phượt hay nói: chỉ cần “xách balo lên và đi”. Nhưng bạn có bao giờ nghĩ trong balo đó có gì? Nó có thể là cái balo đầy đủ dụng cụ trên lưng, cũng có thể là balo kiến thức trong bộ óc… Thử hỏi chúng ta có thể nào đi mà cầm một cái balo mới mua ngoài chợ về không?

Sang năm 2019, anh còn dự định nào cho đam mê xê dịch nữa không?

Mấy năm nay tôi đi nước ngoài nhiều rồi nên chắc năm nay tôi sẽ quay lại đi Việt Nam. Tôi sẽ đi trên con đường định vị lãnh hải ở Việt Nam, và đặt chân đến nơi rất đặc biệt mà chưa ai biết hết. Đó là vùng lãnh thổ cuối cùng của Việt Nam về phía Nam.

Trước giờ mọi người cứ nhầm lẫn điểm cuối cùng của Việt Nam là Cà Mau, nhưng thực tế không phải. Còn ở đâu thì cứ để lấp lửng vậy đi, đến đó rồi mọi người sẽ biết. (Haha).

Cám ơn Quỷ Cốc Tử vì cuộc trò chuyện thú vị này!

Bài viết

Huy Hậu

Thiết kế

Yến Võ

Copy Link
Chia sẻ
Cuộn xuống để đọc tiếp Đọc
tiếp